Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường

Bình Phước là tỉnh có địa bàn rộng, khí hậu ôn hòa, trữ lượng tài nguyên khoáng sản phong phú về chủng loại, loại hình và nguồn gốc, đặc biệt là vật liệu xây dựng thông thường. Những lợi thế đó đã tạo động lực cho Bình Phước phát triển với nhiều khu đô thị tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh hoạt động.

Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra ở nhiều nơi làm thất thoát nguồn tài nguyên, ngân sách. Bên cạnh đó, người dân, hệ sinh thái đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải và khí thải gây ra. Bởi vậy, đẩy mạnh thanh, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT) là giải pháp nhằm nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.

Phát sinh nhiều vấn đề “nóng”

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực TN&MT trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả, từng bước đi vào khuôn khổ, đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, công tác thanh, kiểm tra lĩnh vực bảo vệ môi trường và khoáng sản được lãnh đạo tỉnh, Sở TN&MT đặc biệt quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện sâu rộng, toàn diện và đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện pháp luật về lĩnh vực TN&MT trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, phát sinh vấn đề "mới", “nóng”, gây bức xúc trong xã hội.

Tình trạng khai thác đất san lấp, sét gạch ngói diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh

Phó Chánh thanh tra Sở TN&MT Lương Hồng Duẩn cho biết: Qua công tác phối hợp thanh, kiểm tra chuyên ngành cho thấy tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như cát, đá, sét gạch ngói và phún sỏi đỏ làm vật liệu san lấp diễn ra ở nhiều nơi. Trong đó, nổi cộm là tình trạng khai thác cát tại sông Đồng Nai (đoạn giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, đi qua 2 xã Thống Nhất và Đăng Hà, huyện Bù Đăng) và thượng nguồn sông Sài Gòn.

Cũng qua công tác phối hợp thanh, kiểm tra về lĩnh vực môi trường, vấn đề quản lý, xử lý chất thải nguy hại, xả thải ra môi trường của các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, các dự án chăn nuôi heo, chế biến mủ cao su, tinh bột mì, hạt điều trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra, gây bức xúc cho người dân.

Theo ông Duẩn, từ những vấn đề phát sinh phức tạp đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về TN&MT, trọng tâm là thanh, kiểm tra chuyên ngành để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật.

Từ năm 2022 đến nay, Giám đốc Sở TN&MT đã trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 79 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực TN&MT đối với 69 tổ chức và 10 cá nhân, tổng số tiền gần 8,4 tỷ đồng và truy thu số lợi bất hợp pháp với tổng hơn 2,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Chánh thanh tra Sở TN&MT, chủ tịch UBND cấp xã, huyện còn ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực này đối với nhiều tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra ở nhiều nơi, nguyên nhân theo ông Duẩn chủ yếu là do nhu cầu về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường ngày càng cao. Trong khi đó, việc lập thủ tục xin cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định tốn nhiều thời gian và chi phí. Mặt khác, chế tài xử lý đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; lợi ích từ việc khai thác khoáng sản trái phép lớn hơn gấp nhiều lần so với số tiền phải bỏ ra để đóng phạt. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương cũng chưa thực sự chú trọng công tác kiểm tra và xử lý đối với các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép. Cụ thể là người đứng đầu ở một số địa phương từ cấp xã đến cấp huyện chưa thực hiện tốt Quyết định số 05/QĐ-UBND ngày 31-3-2022 của UBND tỉnh về quản lý, bảo vệ và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống xử lý nước thải trại chăn nuôi heo quy mô lớn ở xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng

Với phương châm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, Sở TN&MT đã lắp đặt hệ thống phần mềm quản lý, giám sát chất lượng nguồn thải từ 39 trạm quan trắc tự động, liên tục tại các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp và 8 trạm quan trắc tự động nước mặt, không khí của tỉnh để đánh giá “đầu vào” phục vụ công tác kiểm soát ô nhiễm. Điều này đã giúp công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được tốt hơn. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và chăn nuôi heo của các hộ gia đình gây ô nhiễm môi trường. Đây là những hộ, cơ sở chăn nuôi, kinh doanh quy mô nhỏ lẻ nằm sâu trong các khu dân cư nên gây khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, tình trạng xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn ra môi trường vẫn còn diễn ra tại một số dự án chế biến mủ cao su, chế biến tinh bột mì. Nguyên nhân do đặc trưng về nước thải của loại hình chế biến mủ cao su, tinh bột mì khó xử lý nên các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này mặc dù đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng sau khi xử lý, một số trường hợp vẫn chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Mặt khác, một số doanh nghiệp đã đầu tư, cải tạo hệ thống xử lý nước thải với kinh phí tương đối lớn (hơn 20 tỷ đồng) nhưng hiện giá cả các mặt hàng nông sản như cao su, mì xuống thấp nên quá trình vận hành chưa được thường xuyên, liên tục. Từ đó, hiệu quả xử lý nước xả thải của một số đơn vị vẫn chưa đạt quy định. Ngoài ra, dù một số đơn vị đã đầu tư cải tạo hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn chưa hoàn thiện, mang tính chắp vá nên hiệu quả xử lý không cao.

Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ

Công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành TN&MT thời gian qua đều có sự phối hợp, hỗ trợ đắc lực của các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan khi được đề nghị tham gia phối hợp thực hiện. Từ đó đã giúp công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành đạt những kết quả tích cực, các vấn đề "mới", “nóng” gây dư luận xã hội đã kịp thời được phát hiện và xử lý theo đúng quy định.

Hệ thống xử lý nước thải Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Hiện nay, biên chế Thanh tra Sở TN&MT chỉ có 5 người, trong khi đó, ngoài công tác thanh tra chuyên ngành đơn vị còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như: tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra còn hạn chế nên nhiều khi chưa đảm bảo được tính chủ động, linh hoạt, kịp thời. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa quản lý nhà nước về TN&MT, ngoài bổ sung biên chế thì cần tăng cường về năng lực cho cơ quan thanh tra; hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật về lĩnh vực TN&MT để đảm bảo phù hợp thực tiễn.

Nguồn nhân lực có hạn, trong khi đó địa bàn rộng với nhiều vấn đề nóng, nhạy cảm, phức tạp, vì vậy đề nghị UBND cấp xã cũng như UBND cấp huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Về lâu dài cần quy hoạch, cấp phép cho các đơn vị, tổ chức có nhu cầu khai thác khoáng sản để có nguồn cung cấp cho đầu tư xây dựng, san lấp mặt bằng, từ đó hạn chế khai thác khoáng sản trái phép.

Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường
LƯƠNG HỒNG DUẨN

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/90/145870/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-tai-nguyen-moi-truong