Nâng cao hiệu quả quản lý thương mại điện tử

Hiện nay, giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã và đang trở nên phổ biến, được cả nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng chủ động thực hiện. Hoạt động TMĐT được dự báo có nhiều thuận lợi để phát triển.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Trung tâm thương mại Vincom Bắc Kạn.

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng triển khai Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, năm 2022 đã hỗ trợ 02 thương nhân xây dựng phần mềm quản lý doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, tích hợp phần mềm thanh toán trực tuyến, ứng dụng chữ ký số ở một số doanh nghiệp; hỗ trợ 05 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sàn TMĐT trong nước (lazada, backanmarket); hỗ trợ 02 thương nhân tham gia sàn TMĐT quốc tế (alibaba). Năm 2023 hỗ trợ 10 thương nhân tham gia sàn TMĐT shopee, lazada và backanmarket.

Chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương (Ba Bể) cho biết: Được tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh tham gia các sàn giao dịch TMĐT uy tín như shopee, sendo, lazada, sàn TMĐT địa phương (backanmarket) đã giúp cho HTX mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng hóa nhanh và hiệu quả hơn. Qua đó, giúp tăng lợi nhuận nâng cao thu nhập cho các thành viên, đồng thời mở rộng liên kết sản xuất ở địa phương.

Có thể thấy, TMĐT được sử dụng, ứng dụng khá phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương tiện điện tử. Một số siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hàng tiêu dùng có sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các phương thức thanh toán trong TMĐT khá đa dạng và tiện dụng cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, như: COD, thanh toán qua thẻ, thanh toán điện tử… Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã chủ động tham gia các sàn giao dịch TMĐT để trao đổi, mua bán và xây dựng website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm.

Những khó khăn, thách thức đặt ra

Do tính chất đặc thù của TMĐT khi người mua và người bán không trực tiếp gặp nhau mà chỉ liên lạc trên môi trường mạng, nên hàng giả, hàng kém chất lượng đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến. Ðể bán được nhiều hàng, các đối tượng thường dùng những hình thức phổ biến như livestream trên Facebook với giá sản phẩm rất rẻ, kèm theo lời mời chào hấp dẫn để thu hút người mua hàng. Các đối tượng còn lập nhiều tài khoản bán hàng trên các mạng xã hội, khai báo thông tin, đăng ký hoạt động không chính xác về nhân thân và địa chỉ, thường xuyên thay đổi địa điểm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Mặc dù trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra, xử lý, nhưng hành lang pháp lý để xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMĐT vẫn chưa theo kịp tình hình thực tế. Vì vậy, ngành chức năng cần nhận diện những bất cập trong việc quản lý mạng xã hội và TMĐT để tiến hành rà soát, kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.

Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần phân loại quản lý hoạt động có yếu tố TMĐT trên mạng xã hội theo mức độ và tính chất hoạt động. Các mạng xã hội thông thường chỉ nên chịu sự quản lý của các quy định về mạng xã hội, còn với các mạng xã hội có chức năng đặt hàng trực tuyến phải được quản lý theo pháp luật về TMĐT, tương tự như sàn giao dịch TMĐT để kiểm soát được tốt hơn. Ngoài ra, với hoạt động có yếu tố TMĐT xuyên biên giới, các cơ quan quản lý cần nắm vững cơ chế hoạt động của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới để xây dựng các quy định quản lý hoạt động của các nền tảng này một cách hiệu quả, hợp lý và khả thi.

Tăng cường quản lý kinh doanh TMĐT

Ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để thực hiện tốt công tác quản lý kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định về quản lý và phát triển TMĐT đến các tổ chức, cá nhân. Phối hợp với các sàn TMĐT kết nối, hỗ trợ các hợp tác xã, hội doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.

Tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các đơn vị, địa phương quan tâm, tổ chức phát triển và ứng dụng rộng rãi TMĐT; chủ động tham gia cách mạng Công nghiệp 4.0, định hướng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng; mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa của tỉnh Bắc Kạn thông qua ứng dụng TMĐT.

Cùng với đó, thường xuyên phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) quản lý cơ sở dữ liệu tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, tư vấn, lựa chọn các doanh nghiệp đủ năng lực kết nối đưa sản phẩm lên sàn TMĐT trong và ngoài nước. Phối hợp với Cục Thuế tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và quản lý thuế trong giao dịch TMĐT; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về TMĐT…/.

Quý Đôn

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-thuong-mai-dien-tu-post56588.html