Nâng cao hiệu quả quy định thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Sau hơn 3 năm thực hiện, quy định thông tuyến huyện trong khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) đã mang lại nhiều kết quả, thể hiện rõ tính nhân văn của chính sách BHYT.

Theo ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, người trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Luật BHYT 2008 cũng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật BHYT 2014), trong quá trình xây dựng Luật BHYT 2008 và Luật BHYT 2014, rất nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng như chuyên gia, cơ quan chức năng cho rằng nên xem xét thông tuyến KCB BHYT cho người dân, bởi chúng ta cứ phải đi KCB BHYT thứ tự từ tuyến thấp lên cao trong khi có những bệnh ở tuyến cơ sở chưa chữa được. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng trong cơ chế tự chủ hiện nay, nếu thông tuyến mà không quản lý cẩn thận thì nhiều người sẽ lên tuyến trên. Trong khi đó, theo nhiều ĐBQH, việc thông tuyến sẽ dễ dẫn đến việc “lấy dao giết trâu đem đi mổ gà”, gây lãng phí, đồng thời sẽ tốn kém (tiền ăn ở, đi lại…) cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Chính vì vậy, khi xem xét vấn đề thông tuyến, Quốc hội đã quyết định, trước mắt sau hai năm (năm 2016) mở thông tuyến huyện và đến năm 2021 tính toán mở thông tuyến tỉnh.

 Khám bệnh cho bệnh nhân tại Trạm y tế xã Quảng Phương (Quảng Trạch, Quảng Bình). Ảnh: DIỆP CHÂU.

Khám bệnh cho bệnh nhân tại Trạm y tế xã Quảng Phương (Quảng Trạch, Quảng Bình). Ảnh: DIỆP CHÂU.

Ngoài ra, trong những năm 2010-2012, quỹ BHYT ở các tỉnh miền núi kết dư khá nhiều nên Luật BHYT đã cho phép người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng khó khăn, hải đảo… được chuyển thẳng lên tuyến Trung ương, nhưng thực tế, các đối tượng đó đi KCB ở tuyến Trung ương rất ít. Nhưng nếu mở thông tuyến tỉnh, tuyến Trung ương quá sớm với các đối tượng khác, người bệnh sẽ ào ạt lên thẳng tuyến trên, dẫn đến việc quản lý quỹ trở thành vấn đề lớn. Mặt khác, người bệnh dồn lên tuyến tỉnh thì mục tiêu giảm tải cho bệnh viện tuyến trên sẽ thất bại, bởi thời điểm đó, tuyến tỉnh và Trung ương đều quá tải, người bệnh đều phải nằm ghép. Vì vậy, trong thời gian chờ thực hiện theo lộ trình, Chính phủ cũng như Bộ Y tế cần có sự chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Thông tuyến huyện trong KCB BHYT là một trong những đột phá của chính sách y tế nhưng cũng phải xem xét cùng với những quy định khác để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Trước đây, trạm y tế xã rất nhiều việc (tuyên truyền, tiêm chủng, KCB thông thường…); bây giờ chỉ làm công tác tuyên truyền, tiêm chủng, còn KCB người dân không tin tưởng nữa. Nguyên nhân là y tế xã do bệnh viện huyện quản lý. Cấp thuốc gì thì được thuốc đó và số lượng thuốc ở trạm y tế xã thường ít hơn so với ở các bệnh viện… khiến người dân phải lên tuyến trên. Vì vậy, chúng ta phải sửa đổi chính sách để lượng thuốc ở trạm y tế xã cũng phải bảo đảm được cho nhu cầu khi cần thiết, giúp người dân yên tâm. Một số dịch vụ xét nghiệm cơ bản cũng nên trang bị cho tuyến xã. Sửa Luật BHYT làm sao để y tế xã ngoài việc tiêm chủng, KCB thông thường, tư vấn… còn có chức năng kiểm tra, khám sức khỏe tại nhà cho một số đối tượng ưu tiên (người già, người tàn tật…). Làm như vậy sẽ giúp bệnh nhân không phải lên tuyến trên.

Theo kế hoạch, đến năm 2021 sẽ thông tuyến tỉnh trong KCB BHYT-đây là đích để có thể điều chỉnh chính sách cho hợp lý. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm quốc tế, ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng, chúng ta có thể thông tuyến tỉnh, thậm chí thông tuyến Trung ương với điều kiện tuyến cơ sở phải quản lý tốt sức khỏe, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bên cạnh đó, các bác sĩ hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và phải thực hiện đúng chức năng của mình. Khi người dân đi KCB, trước tiên, họ ký xác nhận thông qua bác sĩ gia đình để được quản lý, xác định, giới thiệu lên đúng tuyến. Như vậy mới quản lý tốt được quỹ BHYT, tiết kiệm tiền cho người dân do không lên tuyến trên với những bệnh nhẹ; đồng thời bảo đảm quyền thông tuyến, giúp người dân bị bệnh nặng được điều trị kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng, việc sửa đổi Luật BHYT cần tập trung vào y tế cơ sở, bởi lâu nay chúng ta đã tập trung quá nhiều vào tăng cường khả năng kỹ thuật của bệnh viện mà coi nhẹ y tế cơ sở. Xu hướng chung của thế giới là cùng với tăng cường KCB ở tuyến trên cũng phải tăng cường đầu tư chăm sóc sức khỏe ban đầu thì thông tuyến sẽ không ảnh hưởng gì. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã cho y tế xã cơ sở vật chất và nhân lực thì cũng phải cho y tế xã động lực. Khi y tế xã có đủ động lực để quản lý tốt thì người dân không phải lên tuyến trên. Bởi bất kỳ người bệnh nào cũng muốn được quản lý, chăm sóc tại cơ sở, còn khi bệnh nặng thì có thể được chuyển thẳng lên tuyến trên. Bên cạnh đó, kinh nghiệm thế giới cũng như Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã xác định phải áp dụng nguyên lý y học gia đình trong chăm sóc sức khỏe ở tuyến xã, phường. Đây không chỉ là việc chăm sóc sức khỏe mà còn có vai trò quan trọng trong quản lý cũng như sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả. Ở các nước, y tế cơ sở là nơi “gác cổng” theo dõi sức khỏe nhằm bảo đảm việc thông tuyến đúng với tình trạng sức khỏe người bệnh; đồng thời xác định tuyến cần chuyển đến hợp lý chứ không phải chuyển theo trình tự như ở nước ta. Khi làm tốt việc quản lý và chăm sóc sức khỏe ban đầu, việc thông tuyến mới có thể thực hiện được, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.

AN TRẦN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/nang-cao-hieu-qua-quy-dinh-thong-tuyen-kham-chua-benh-bao-hiem-y-te-598627