Nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm nghèo ở Phù Ninh

Những giải pháp thiết thực trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đã và đang giúp huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ phát triển thành công nhiều sản phẩm thế mạnh, giá trị vượt trội, nâng cao đời sống người dân.

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, các địa phương trên địa bàn huyện Phù Ninh đã liên tục phát huy lợi thế, phát triển thành công nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản giá trị cao, mang đặc trưng riêng.

Ấn tượng từ quả hồng không hạt

Một trong những sản phẩm thế mạnh không thể không nhắc tới ở Phù Ninh là quả hồng không hạt ở xã Gia Thanh. Việc chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa, cùng với những điểm tựa từ các HTX, doanh nghiệp liên kết đang giúp cây hồng trở thành cây làm giàu bền vững cho người dân

Có nhiều năm gắn bó với cây hồng không hạt, bà Hán Thị Thơm, xã Gia Thanh cho biết với người trồng hồng ở Gia Thanh, vườn hồng được coi như “của để dành”, không chỉ giúp duy trì ổn định cuộc sống mà còn dành cho con cháu sau này, bởi cây hồng có tuổi đời lâu dài, có tới vài chục năm thu hoạch.

Hồng không hạt đang là cây trồng thế mạnh ở Phù Ninh, đặc biệt là xã Gia Thanh.

“Cây hồng có tuổi càng cao thì chất lượng quả càng ngon. Năm 2022, 13 gốc hồng của gia đình tôi cho thu hoạch gần ba tấn quả, bán được hơn 80 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 60 triệu đồng. Mấy năm nay, nhờ cây hồng mà gia đình tôi đã sửa sang được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt để phục vụ cuộc sống”, bà Thơm hồ hởi nói.

Theo thống kê, đến nay, toàn huyện Phù Ninh có trên 125ha hồng, trong đó diện tích đã cho thu hoạch trên 84ha. Riêng xã Gia Thanh có khoảng hơn 70 ha, trong đó gần 50ha cho thu hoạch, cây hồng cũng được trồng rải rác ở các xã khác như: Tiên Du, Trung Giáp, Phù Ninh, Bảo Thanh, Phú Nham…

Ông Hán Văn Khanh, Giám đốc HTX Hồng Gia Thanh, cho biết sản lượng hồng của riêng xã Gia Thanh hàng năm đạt trên 700 tấn. Với giá bán từ 35.000 - 60.000 đồng/kg, nhiều hộ trong xã có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/năm từ hồng.

Để nâng cao giá trị sản xuất, những năm qua, HTX Hồng Gia Thanh đã triển khai xây dựng chương trình phát triển cây hồng theo hướng VietGAP. Tham gia mô hình, các hộ nông dân liên kết với HTX được phân thành các nhóm, hướng dẫn thực hành tốt việc ghi nhật ký trong các khâu như chăm sóc, thu hoạch. Các hộ cũng được cấp tem nhãn để dán vào sản phẩm, túi đựng để tránh tình trạng “nhái” hồng Gia Thanh với các loại hồng khác.

Nâng cao trình độ lao động

Nếu ở Gia Thanh có hồng không hạt thì ở xã Trung Giáp, với lợi thế vùng đồi lại có mô hình nuôi ong cho giá trị cao. Các hộ nuôi ong được tạo điều kiện tham gia HTX Trung Giáp để xây dựng thương hiệu sản phẩm mật ong tham gia Chương trình OCOP. Hiện nay có 71 hộ tham gia với hơn 630 đàn ong mật, trung bình mỗi năm sản xuất khoảng 11.000 - 12.000 lít mật ong .

Hiện, các hộ thành viên của HTX luôn hướng đến yếu tố đảm bảo chất lượng, phát triển sản phẩm mật ong trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đây là sự độc đáo để xã Trung Giáp hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP mang tên “King’s Honey”.

Ông Vũ Đình Doãn, Giám đốc HTX Trung Giáp cho biết: “ Sản phẩm mật ong của địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mật ong trên địa bàn xã, thu hút được thêm nhiều hộ tham gia để phát triển sản phẩm”.

Phù Ninh đang đẩy mạnh chuyển đổi nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị.

Đáng chú ý, bên cạnh phát triển các cây trồng thế mạnh, thời gian qua huyện Phù Ninh đã đã xây dựng và duy trì được nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành nghề ở từng địa phương.

Điển hình có thể kể đến các mô hình trồng hoa tại xã Tiên Du, mô hình nuôi cá nước ngọt tại xã Tử Đà, mô hình nuôi rắn tại xã Trung Giáp, mô hình trồng cây cảnh tại xã Phú Lộc, mô hình Tổ hợp tác cơ khí Phú Lộc tại xã Phú Lộc…

Năm 2014, sau khi được tạo điều kiện tham gia lớp học nghề chăn nuôi của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, ông Nguyễn Quang Dũng, khu 6, thị trấn Phong Châu đã quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Đến nay, trang trại chăn nuôi của gia đình ông Dũng duy trì quy mô hơn 20.000 con gà thịt mỗi năm. Không chỉ đảm bảo thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, trang trại đang tạo việc làm cho 5 – 7 lao động tại chỗ, mức lương bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.

“Các kiến thức học nghề cùng với kinh nghiệm sẵn có giúp tôi rất nhiều trong quá trình chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình trang trại quy mô lớn. Điển hình như việc áp dụng quy trình chăn nuôi hữu cơ, tuyển chọn nguồn thức ăn, xử lý chất thải, tiêm phòng dịch bệnh, liên kết với các doanh nghiệp, HTX để mở rộng thị trường tiêu thụ”, ông Dũng cho hay.

Tạo điểm tựa giảm nghèo

Có thể thấy, chính những chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đúng hướng, bắt nhịp thời đại, đang giúp diện mạo kinh tế xã hội huyện Phù Ninh ngày càng khởi sắc, với tốc độ giảm nghèo nằm trong tốp đầu ở Phú Thọ.

Điển hình như ở Liên Hoa, một xã miền núi nằm cách trung tâm huyện khoảng 15 km. Với đặc thù là xã thuần nông, xác định nông nghiệp vẫn là chủ đạo trong phát triển kinh tế, xã đã tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp mà giải pháp hàng đầu là đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Việc liên kết giữa người chăn nuôi với thị trường tiêu thụ đang được hình thành giúp người dân yên tâm sản xuất - kinh doanh.

Với những giải pháp thiết thực, cơ cấu kinh tế của xã Liên Hoa đã có sự chuyển biến rõ rệt, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, năm 2022 đạt 39,28 triệu đồng/người/năm. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững, môi trường được đảm bảo...

Năm 2022, xã Dân Liên Hoa được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 2,28%. Tỷ lệ lao động được đào tạo đạt xấp xỉ 70%. Giá trị sản xuất cũng ngày càng được nâng lên, hiện đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm.

Rõ ràng, ngành nông nghiệp huyện Phù Ninh đang đi đúng hướng. Với những kết quả hiện tại huyện cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách hỗ trợ về đất đai, vốn đầu tư, cơ chế…; thu hút và phát huy vai trò của các HTX, doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị…

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nang-cao-hieu-qua-san-xuat-giam-ngheo-o-phu-ninh-1093930.html