Nâng cao hiệu quả thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong Quân đội

Đó là nội dung tọa đàm được Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng phối hợp với Báo Quân đội nhân dân tổ chức sáng 17-5, tại Hà Nội. Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dự buổi tọa đàm.

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân và Đại tá Nguyễn Văn Định, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng đồng chủ trì buổi tọa đàm.

Dự buổi tọa đàm có các đồng chí: Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; TS Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Thiếu tướng Vũ Bá Trung, Phó chính ủy Tổng cục Hậu cần; Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện các nhà khoa học, chuyên gia về bảo hiểm xã hội; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị y tế trong và ngoài quân đội. Cùng dự tọa đàm có các đồng chí trong Đảng ủy, Ban biên tập và đại diện chỉ huy các phòng, ban của Báo Quân đội nhân dân.

Buổi tọa đàm nhằm góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) trong quân đội, đưa tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII vào đời sống của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động trong quân đội.

Chính sách, chế độ BHXH của quân nhân ngày càng được hoàn thiện

Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Trung tướng Đỗ Căn nhấn mạnh: BHXH là một trong những chính sách lớn trong hệ thống chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Thực hiện tốt chính sách BHXH sẽ góp phần ổn định đời sống của cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng (CNVCQP) và gia đình, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của quân đội.

 Trung tướng Đỗ Căn phát biểu tại tọa đàm.

Trung tướng Đỗ Căn phát biểu tại tọa đàm.

Trung tướng Đỗ Căn cho biết: Trong thời kỳ chiến tranh, điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nhưng công tác đãi ngộ đối với quân nhân nói chung, công tác BHXH nói riêng vẫn được Đảng, Nhà nước và quân đội hết sức quan tâm. Năm 1964, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định tạm thời chế độ đãi ngộ đối với quân nhân và CNVCQP. Ngoài thực hiện chế độ thương binh, liệt sĩ, Nghị định còn xác định chính sách bảo hiểm đối với các chế độ: Ốm đau, thai sản, phục viên, hưu trí, mất sức lao động, từ trần… Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các chính sách BHXH không ngừng được bổ sung, hoàn thiện và ngày càng mở rộng, phù hợp với tiến trình đổi mới của đất nước và yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng-an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Gắn với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, các chủ trương, chính sách về BHXH từng bước được luật hóa thông qua hệ thống văn bản pháp quy, bảo đảm tính đồng bộ, cơ bản, tạo cơ sở pháp lý về quyền lợi vật chất, tinh thần cho quân nhân và CNVCQP. Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, BQP, chính sách, chế độ BHXH của quân nhân ngày càng được hoàn thiện, góp phần nâng cao sức mạnh chính trị - tinh thần; củng cố niềm tin của cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và quân đội.

Hiện nay, chính sách BHYT đã được triển khai toàn diện trong quân đội, các đối tượng CN, VCQP, LĐHD và thân nhân quân nhân; đặc biệt đã triển khai thực hiện chính sách BHYT quân nhân theo đúng lộ trình quy định của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, theo đó 100% quân nhân tham gia BHYT từ năm 2018; đã phát huy vai trò, trách nhiệm, huy động được tiềm lực của cả hệ thống y tế, của ngành BHXH và toàn xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe quân nhân tại ngũ.

Trung tướng Đỗ Căn nhấn mạnh, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đặt ra yêu cầu đối với công tác tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, CNVCQP, lao động hợp đồng đang phục vụ trong quân đội và các đối tượng khác do pháp luật quy định; BHYT đối với thân nhân quân nhân, thân nhân công nhân và viên chức quốc phòng; quản lý phần quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được sử dụng trong quân đội theo quy định của pháp luật.

Trung tướng Đỗ Căn đề nghị BHXH Bộ Quốc phòng và cán bộ làm công tác bảo hiểm trong toàn quân cần kịp thời quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII; tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong quân đội; tập trung xây dựng ngành BHXH trong quân đội vững mạnh; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nắm vững chính sách và các đối tượng chính sách, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý công tác BHXH, BHYT, vừa đảm bảo bí mật quân sự, vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao công tác quản lý, tổ chức thực hiện BHXH, BHYT, làm cơ sở thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. BHXH Bộ Quốc phòng cần tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được trong 10 năm qua, tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ, đoàn kết, thống nhất, tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT trong điều kiện mới, góp phần tích cực để quân đội thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, xây dựng quân đội, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo QĐND phát biểu.

Cần xây dựng hệ thống BHXH đa tầng

Phát biểu tại tọa đàm, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Hà Đăng cho biết, do hoàn cảnh chiến tranh và điều kiện kinh tế-xã hội, nên BHXH, BHYT của Việt Nam ra đời muộn hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng có sự phát triển tương đối nhanh trong những năm gần đây. Đến nay, chúng ta đã hình thành hệ thống chính sách BHXH khá đồng bộ, bao quát hầu hết các chế độ BHXH theo thông lệ quốc tế, gồm cả loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; đối với cả người có quan hệ lao động và người không có quan hệ lao động; cho cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức. Hệ thống chính sách BHXH, các quan hệ BHXH được thiết kế, điều chỉnh và vận hành ngày càng phù hợp hơn thể hiện sự ưu việt của chế độ mà ước mơ hàng ngàn năm của người dân mới có được như ốm đau vào viện có BHYT chi trả, thất nghiệp có bảo hiểm thất nghiệp chi trả trợ cấp; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có BHXH giúp đỡ…

Tuy nhiên, đồng chí Hà Đăng cũng cho rằng, việc tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về công tác BHXH, BHYT cũng còn một số hạn chế, yếu kém. Hệ thống BHXH về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ; BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia. Các nguyên tắc công bằng, đóng-hưởng, chia sẻ và bảo đảm bền vững tài chính chưa được quán triệt đầy đủ, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn; nhận thức của một bộ phận người lao động và người sử dụng lao động về BHXH chưa đầy đủ; công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật hiệu quả chưa cao…

Nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Hà Đăng phát biểu.

Do đó, để đưa nhanh Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 vào cuộc sống, theo đồng chí Hà Đăng, cần phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH để cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH đối với việc ổn định đời sống nhân dân, ổn định kinh tế-xã hội và bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần sửa đổi Luật BHXH theo hướng mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH cho toàn dân, thiết kế hệ thống BHXH đa tầng, hoàn thiện các quy định về đóng-hưởng. Đặc biệt, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH phải kết hợp với hoàn thiện chính sách pháp luật về chế độ tiền lương, việc làm và chính sách người có công với cách mạng....

Quân đội là điểm sáng trong việc thực hiện chế độ chính sách về BHXH, BHYT

Đánh giá công tác BHXH, BHYT trong quân đội trong những năm qua đã bảo đảm tốt quyền lợi cho quân nhân, người lao động trong quân đội và cả thân nhân của họ, đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định BHXH Bộ Quốc phòng đã góp phần quan trọng vào thực hiện chính sách an sinh xã hội cho đất nước.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi.

Đồng chí Bùi Sỹ Lợi cho biết: Là cơ quan thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động xã hội của cả nước, trong đó có BHXH Bộ Quốc phòng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của BHXH Bộ Quốc phòng và đánh giá quân đội đã trở thành điểm sáng trong việc thực hiện chế độ chính sách về BHXH, BHYT. Đồng chí Bùi Sỹ Lợi nêu rõ: Những năm qua, BHXH Bộ Quốc phòng luôn đi đầu trong triển khai kịp thời các chính sách về BHXH, BHYT; giải quyết đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách BHXH, BHYT trong quân đội; việc thu, nộp BHXH, BHYT đã đi vào nền nếp, đạt chỉ tiêu. Năm 2017, tỷ lệ thu, nộp BHXH, BHTN trong toàn quân đạt 100% kế hoạch; thực hiện cấp thẻ BHYT cho quân nhân và thân nhân thể hiện tính ưu việt trong các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, đồng thời thể hiện sự quan tâm, chăm lo tới sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của hậu phương chiến sĩ, góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác.

Theo đồng chí Bùi Sỹ Lợi, trong thời gian tới, cùng với sự phát triển chung của đất nước, cùng với việc cải cách tiền lương, chế độ BHXH thì việc nâng cao chất lượng chăm lo, bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng công tác trong quân đội và thân nhân của họ là yêu cầu cấp bách. “Điều này đòi hỏi phải không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác BHXH. Bên cạnh đó, ngành BHXH quân đội cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý toàn bộ công tác BHXH, BHYT, bảo đảm bí mật quân sự; nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ, tạo thuận lợi tốt nhất cho đối tượng tham gia BHXH, BHYT trong quân đội và thân nhân cán bộ, chiến sĩ. Điều này góp phần để quân đội thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, đồng chí Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Xây dựng các chế độ chính sách BHXH phù hợp với đặc thù quân đội

Các đại biểu tại tọa đàm đã nêu ra một số bất cập, khó khăn trong giải quyết chính sách BHXH cho quân nhân. Theo Thiếu tướng Vũ Bá Trung, Phó chính ủy Tổng cục Hậu cần, đơn vị có nhiều nhiệm vụ đặc thù ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của bộ đội, trong khi đối tượng tham gia BHXH lại phức tạp, không có lực lượng chuyên trách có trình độ chuyên sâu làm công tác BHXH; một số cấp ủy, chỉ huy chưa nhận thức đầy đủ, quan tâm đúng mức đến BHXH, do đó, vấn đề giải quyết chính sách BHXH tại đơn vị còn gặp nhiều khó khăn.

Thiếu tá Phan Ái Xuân, Phó trưởng Ban Phụ nữ Quân đội.

Hay theo Thiếu tá Phan Ái Xuân, Phó trưởng Ban Phụ nữ Quân đội: Trong quân đội, độ tuổi nghỉ hưu của quân nhân hiện nay đang thực hiện theo luật SQ, QNCN và luật lao động. Theo quy định này, lao động nữ có tuổi nghỉ hưu khác nhau, với điều kiện cần tối thiểu 20 năm công tác, điều kiện còn lại phụ thuộc vào tuổi, trần quân hàm theo chức vụ, vị trí công tác được phân công. Tuy nhiên, theo đề án cải cách bảo hiểm xã hội vừa được trình Hội nghị Trung ương 7, đặt ra lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu ở lao động nữ từ 55 lên 60. Theo Thiếu tá Phan Ái Xuân, dự thảo này chỉ phù hợp với đối tượng lao động nữ làm việc ở văn phòng, nghiên cứu khoa học, lãnh đạo, quản lý… Còn đối với lao động nữ đang trực tiếp lao động, sản xuất ở các nhà máy, xí nghiệp, kho, trạm… luôn phải đối mặt với cường độ lao động vất vả, môi trường độc hại, nguy hiểm, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt thì không phù hợp với dự thảo nâng tuổi nghỉ hưu là 60. Do đó, Thiếu tá Phan Ái Xuân đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu, đề xuất nhiều chế độ chính sách phù hợp với tính chất nghề nghiệp, vùng miền cho đối tượng lao động nữ, để chị em có thể lựa chọn tuổi nghỉ hưu hợp lý.

Trong tham luận gửi về tọa đàm của Thượng tá Đào Việt Dũng, Trưởng ban Công đoàn, Cục Chính trị, Quân khu 3, quá trình thực hiện giải quyết các chế độ BHXH, BHYT tại đơn vị còn gặp một số khó khăn, vướng mắc chưa được khắc phục như: Nhận thức của một số ít cán bộ, chỉ huy đơn vị về công tác BHXH, BHYT chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chưa nắm chắc được vị trí vai trò, chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của các cơ quan trực tiếp làm công tác BHXH, BHYT; việc bố trí cán bộ, nhân viên kiêm nghiệm làm công tác BHXH, BHYT ở đơn vị cơ sở chưa ổn định, chưa đảm bảo tính kế thừa, gây không ít khó khăn trong tổ chức thực hiện BHXH, BHYT của đơn vị; một số bệnh xá đơn vị còn thiếu về nhân lực, trang thiết bị y tế, khó khăn cho triển khai thực hiện BHYT quân nhân....

Tuy nhiên, theo Đại tá Trần Quang Thanh, Phòng nghiên cứu tổng hợp, Cục Chính sách, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng TCCT, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội, Cục Chính sách/TCCT đã hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao. Trong đó, đã tham mưu, giúp việc để Thủ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về BHXH trong Quân đội. Công tác tham mưu, đề xuất ban hành các văn bản QPPL kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo điều hành và hướng dẫn, triển khai tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo đảm phù hợp quá trình thể chế hóa các quan điểm của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước về chính sách BHXH trong từng giai đoạn và tính chất đặc thù hoạt động của lực lượng vũ trang.

Đại tá Trần Quang Thanh.

Đại tá Trần Quang Thanh khẳng định: Các văn bản QPPL do Cục Chính sách chủ trì soạn thảo hoặc phối hợp nghiên cứu đề xuất ban hành đều bảo đảm chất lượng, đúng với đường lối, quan điểm của Đảng; thống nhất với hệ thống pháp luật về BHXH và hệ thống pháp luật về sĩ quan, QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng hiện hành; phù hợp với tổ chức, biên chế và tính chất lao động đặc thù của Quân đội. Qua đó đã tạo được hành lang pháp lý chặt chẽ, giúp các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện thuận lợi, thống nhất, hiệu quả; các vấn đề vướng mắc, phát sinh về chính sách BHXH đều được cơ quan tổng hợp, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung kịp thời...

Theo Đại tá Trần Quang Thanh, thời gian tới, chính sách BHXH tiếp tục có nhiều cải cách mới. Với chức năng là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về BHXH trong Quân đội, Cục Chính sách sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng quán triệt, nắm chắc các quan điểm, định hướng lớn về cải cách chính sách BHXH theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7. Trên cơ sở đó, kịp thời tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương đề xuất Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về BHXH và các Luật khác có liên quan nhằm kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết nêu trên. Trước mắt là tập trung phối hợp nghiên cứu, tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHXH năm 2014 theo tinh thần cải cách mà Nghị quyết Trung ương 7 đã xác định; đồng thời, bảo đảm chính sách ưu đãi đối với các đối tượng trong quân đội phù hợp với đặc thù lao động đặc biệt của lực lượng vũ trang hiện nay.

Đột phá BHYT đối với quân nhân

Thiếu tướng Trần Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y nhấn mạnh đến ưu điểm của BHYT dành cho quân nhân. Đó là quân nhân được hưởng chi phí về thuốc, hóa chất, vật tư và dịch vụ kỹ thuật ngoài phạm vi chi trả của BHYT thông thường (với điều kiện thuốc, hóa chất, vật tư được lưu hành tại Việt Nam, dịch vụ kỹ thuật của cơ sở y tế phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt). Ví dụ, trong thông tư 40 có quy định danh mục một số thuốc thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT, nhưng nếu quân nhân có nhu cầu sử dụng thuốc ngoài thông tư này thì quân nhân vẫn được thanh toán. Bên cạnh đó, không áp dụng quy định về giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của BHYT thông thường. Một số thuốc như thuốc điều trị ung thư với chi phí điều trị 1,3 triệu/ngày, nếu thẻ BHYT thông thường sẽ được chi trả 650 nghìn đồng, còn đối tượng có thẻ BHYT quân nhân thì được chi trả 100%. Ngoài ra, theo Thông tư 46/BQP/2016, quân nhân có thẻ BHYT có thể điều trị vượt tuyến nếu đc chỉ huy đơn vị ở cấp trung đoàn (và tương đương trở lên) đề nghị và được bệnh viện tuyến sau chấp nhận. Như vậy, có thể thấy, việc chuyển tuyến điều trị cho quân nhân không còn khó khăn nữa.

Thiếu tướng Trần Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y.

Tọa đàm cũng nhận được bức thư xúc động của Thiếu tá QNCN Lưu Thị Kim Phượng, Bệnh viện Y học Cổ truyền Quân đội, mắc bệnh ung thư. Trong thư, Thiếu tá QNCN Lưu Thị Kim Phượng nhấn mạnh đến lợi ích của chính sách BHYT đối với quân nhân. Theo đó, từ khi được cấp thẻ BHYT, đăng ký ban đầu tại Viện Y học Cổ truyền Quân đội và được Viện Y học Cổ truyền Quân đội giới thiệu đi khám chữa bệnh tại bệnh viện K điều trị ung thư, chị Lưu Thị Kim Phượng đã không phải chi trả bất kỳ các khoản chi phí điều trị nào nào tại bệnh viện K, kể cả các chi phí khám chữa bệnh ngoài phạm vi của BHYT. Kể cả khi được sử dụng thuốc Herceptin, theo quy định người bệnh chỉ được BHYT chi trả 50%, phần còn lại phải tự thanh toán cho cơ sở KCB, nhưng chị Lưu Thị Kim Phượng đã được thanh toán nốt 50% chi phí còn lại khi gửi hồ sơ về BHXH Bộ Quốc phòng.

Đồng chí Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam thì mong rằng, với đặc thù quân đội, BHXH Bộ Quốc phòng bên cạnh làm tốt chế độ chính sách BHYT cho quân nhân và thân nhân, sẽ kết hợp với cơ quan BHXH các cấp làm tốt BHXH cho thân nhân, tạo bước đột phá quan trọng trong thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Đại tá Nguyễn Văn Định, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Bộ Quốc phòng cho biết: 10 năm qua, chế độ, chính sách BHXH, BHYT đối với quân nhân, người lao động trong Quân đội và chế độ, chính sách BHYT đối với thân nhân quân nhân tại ngũ được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp, chuyên sâu và có bước đi mang tính đột phá, đáp ứng được quyền, lợi ích về BHXH, BHYT, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đặc thù hoạt động quân sự - quốc phòng. Đặc biệt, chúng ta đã triển khai thực hiện BHYT quân nhân theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014, thay đổi căn bản phương thức chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh và cơ chế quản lý tài chính trong khám chữa bệnh thường xuyên trong thời bình.

Buổi tọa đàm có 9 ý kiến phát biểu và 12 ý kiến gửi về, đều khẳng định chính sách BHXH, BHYT là hai chính sách chính trong bảo đảm an sinh xã hội, được Đảng, Nhà nước, Quân đội quan tâm. Nhờ có sự giúp đỡ của các cơ quan trong và ngoài quân đội, sự quan tâm của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và BHXH Việt Nam, các cơ quan BHXH các cấp, trong thời gian qua, BHXH Bộ Quốc phòng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa công tác BHXH, BHYT trong quân đội đi vào nền nếp; giải quyết kịp thời, thuận lợi, chặt chẽ, thấu đáo quyền lợi về BHXH, BHYT của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, CNVCQP, LĐHĐ trong quân đội.

Đại tá Nguyễn Văn Định đề nghị thời gian tới cần tăng cường vai trò quản lý, chỉ đạo ngành chuyên môn (hậu cần, quân y) trong thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; phối hợp giữa các cơ quan nhân sự, quân y, tài chính, bảo đảm các chế độ đối với các đối tượng thụ hưởng theo phương châm “đúng, đủ, kịp thời”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối tượng tham gia cũng như trong công tác giám định, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực chuyên môn sâu; thực hiện chế độ chính sách BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của các đối tượng thụ hưởng.

NGUYỄN THẢO - PHÚ SƠN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/nang-cao-hieu-qua-thuc-hien-che-do-chinh-sach-bao-hiem-xa-hoi-bao-hiem-y-te-trong-quan-doi-539151