Nâng cao hiệu quả vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn

Hội sở Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh (Agribank Lang Chánh) trực thuộc Agribank Thanh Hóa những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, khách hàng đến giao dịch nhộn nhịp, người thì làm thủ tục vay vốn, người thì trả gốc - lãi vốn vay, có người lại gửi tiền tiết kiệm.

Được vay vốn của Agribank Lang Chánh, gia đình anh Lê Văn Thoa ở thôn Tân Thành, xã Tân Phúc phát triển kinh tế trang trại hiệu quả.

Anh Hà Đình Mạnh ở xã Yên Thắng trong lúc chờ cán bộ ngân hàng hoàn tất các thủ tục giải ngân gói vốn vay 100 triệu đồng, bộc bạch: “Từ khi có Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn việc vay vốn thuận lợi hơn trước rất nhiều, với mức vay đến 100 triệu đồng tôi không phải thế chấp tài sản, thủ tục nhanh gọn, không phải đi lại nhiều”. Được biết anh Mạnh là người dân tộc Thái, sinh sống ở khu vực xã vùng cao, cách xa trung tâm huyện nên có tâm lý ngại đi lại, ngại làm các thủ tục giấy tờ vay vốn, nhưng khi được cán bộ Agribank Lang Chánh tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn tận tình các thủ tục vay vốn theo quy định anh rất phấn khởi. Với số vốn vay 100 triệu đồng anh dự định sẽ đầu tư mua 2 cặp bò sinh sản kết hợp với chăm sóc 2 ha rừng trồng... để phát triển kinh tế gia đình.

Không riêng anh Mạnh được Agribank Lang Chánh tạo mọi điều kiện thuận lợi vay vốn phát triển sản xuất, mà thời gian qua trên địa bàn huyện miền núi Lang Chánh đã có hàng nghìn hộ được giải ngân cho vay kịp thời từ chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tính đến hết năm 2019, tổng dư nợ cho vay của Agribank Lang Chánh đạt 468 tỷ đồng với 8.500 khách hàng đang sử dụng vốn vay, tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Người dân trên địa bàn huyện Lang Chánh không chỉ được hưởng những quy định có lợi từ Nghị định 55/2015/NĐ-CP (NĐ 55) của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn mà còn được hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay theo Chương trình 30a hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo cả nước, nên rất phấn khởi. Không ít người dân, hộ gia đình trước đây có tâm lý ngại đi, ngại đến, ngại tìm hiểu, tự bằng lòng với cái nghèo vốn đeo đẳng nhiều đời, đến nay đã đổi mới nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, biết đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của đồi rừng để phát triển kinh tế gia đình. Ông Lê Văn Lợi, Giám đốc Agribank Lang Chánh, cho biết: “Nắm bắt nhu cầu vốn vay phát triển sản xuất của bà con các dân tộc trong huyện, ngân hàng đã chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền các xã đẩy mạnh tuyên truyền NĐ 55 cùng các dịch vụ tiện ích của hệ thống Agribank đến khu dân cư, hộ gia đình; phân công cán bộ bám nắm địa bàn, chủ động tư vấn, hướng dẫn cho người dân các thủ tục vay vốn, cách thức sử dụng vốn vay sao cho có hiệu quả. 100% xã, thị trấn trong huyện đều thành lập ban chỉ đạo vay vốn; việc đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác huy động vốn, cho vay vốn cũng được tiến hành thường xuyên. Nhìn chung các khách hàng đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chấp hành tốt các quy định về trả lãi, gốc, chất lượng tín dụng bảo đảm, tỷ lệ nợ xấu hiện giảm còn 0,05%/tổng dư nợ”.

Sau gần 5 năm thực hiện NĐ 55 của Chính phủ ở huyện miền núi Lang Chánh đã mang lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Nhiều hộ vay vốn phát triển sản xuất đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định, như: Hộ anh Lê Văn Thoa ở thôn Tân Thành, xã Tân Phúc vay vốn phát triển gia trại tổng hợp, kết hợp thâm canh các loại rau quả an toàn với phát triển lâm nghiệp và chăn nuôi cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm; hộ ông Lương Văn Chon, xã Yên Khương vay vốn phát triển mô hình trồng vầu cho thu nhập 100 triệu đồng/năm; hộ ông Vi Văn Bình ở xã Tân Phúc vay vốn phát triển kinh tế trang trại cho thu nhập 150 triệu đồng/năm... Hoặc một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện, như HTX chế biến lâm sản Lang Chánh, xã Quang Hiến... vay hàng tỷ đồng để đầu tư đổi mới thiết bị máy móc chế biến lâm sản, nâng cao công suất sản xuất, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tạo việc làm ổn định cho 20-30 lao động; với thu nhập bình quân 6-8 triệu đồng/người/tháng, lợi nhuận đạt 400-500 triệu đồng/năm...

Hiện nay để bảo đảm nguồn vốn cho vay, Agribank Lang Chánh còn làm tốt công tác huy động vốn, triển khai các chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm và các dịch vụ tiện ích của hệ thống ngân hàng nông nghiệp xuống khu dân cư phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, do đặc thù miền núi, mặt bằng thu nhập dân cư thấp, nguồn tiền nhàn rỗi huy động tại chỗ chưa cao, trong khi đa số vốn vay còn nhỏ lẻ. Trước thực tế trên, Agribank Lang Chánh, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện NĐ 55, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong huyện tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Bài và ảnh: Minh Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/nang-cao-hieu-qua-von-tin-dung-nong-nghiep-nong-thon/113238.htm