Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại

Việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mặt hàng tiềm năng của địa phương. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, xây dựng để phát triển đa dạng các kênh phân phối, tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị, đưa sản phẩm thâm nhập tốt hơn vào thị trường, tạo ra giá trị mới bên cạnh các giá trị truyền thống.

Sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để mua sắm tại Phiên chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng dân tộc thiểu số.

Góp phần lưu thông dòng chảy hàng hóa

Có thể thấy, công tác XTTM trên địa bàn tỉnh được triển khai đa dạng, linh hoạt, thích ứng và phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều hoạt động XTTM được triển khai một cách sáng tạo, kịp thời, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời hỗ trợ kết nối cung cầu, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức 10 khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh tại các hội chợ triển lãm trong nước; tổ chức giới thiệu, kết nối tiêu thụ một số sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tại các sự kiện XTTM được tổ chức các tỉnh, thành phố.

Song song với đó, việc duy trì, thực hiện giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tại điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được chú trọng. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, HTX, cơ sở công nghiệp nông thôn quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong và ngoài tỉnh. Hiện đã có trên 10 điểm bán sản phẩm OCOP tại thành phố Việt Trì và các huyện, thị; các điểm bán hàng được sắp xếp gọn gàng, trang trí đẹp mắt, bày bán đa dạng các sản phẩm, từ sản phẩm đã qua chế biến đến các loại thực phẩm tươi sống.

Là một trong những điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP nông sản nông thôn tiêu biểu và kết nối hỗ trợ, tiêu thụ đặc sản vùng miền của tỉnh, sau ba năm hoạt động, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì đã thu hút đông lượt khách tới mua sắm, đặc biệt số lượng khách quen, chuyển sang mua hàng qua thương mại điện tử và mạng xã hội kết hợp với giao hàng tại nhà ngày càng nhiều. Chị Hoàng Thị Đông - Quản lý gian hàng cho biết: Việc xây dựng các điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các khu vực đông dân cư là khá thuận lợi trong việc mua và bán. Đây không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm một cách chân thực, gần gũi nhất mà người mua cũng có thể xem trực tiếp sản phẩm tại cửa hàng, đồng thời kết hợp tham khảo các thông tin về sản phẩm trên điện thoại di động qua các ứng dụng, mạng xã hội. Cửa hàng hiện đang bán trên 30 sản phẩm OCOP, trong đó các sản phẩm tiêu thụ mạnh như: Chè xanh, mì gạo, thịt chua, rượu ngô...

Bên cạnh giới thiệu sản phẩm ở thị trường trong tỉnh, Sở Công Thương cũng chú trọng tổ chức các hoạt động gặp gỡ các doanh nghiệp xuất khẩu trong, ngoài tỉnh và XTTM ra nước ngoài. Trong năm qua, nhiều sản phẩm gỗ ván ép, gỗ ghép thanh, ván lát sàn... của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lâm sản trên địa bàn tỉnh đã tham gia vào các hội chợ, hội nghị kết nối giao thương với các doanh nghiệp xuất khẩu và các chương trình đưa doanh nghiệp nước ngoài thăm, làm việc với các doanh nghiệp chế biến gỗ tại huyện Thanh Ba, Hạ Hòa. Bước đầu, Công ty TNHH Trúc Mai Phú Thọ, xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu với doanh nghiệp ở Nhật Bản.

Cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng chủ động vận dụng linh hoạt các ứng dụng của sàn giao dịch thương mại điện tử để tạo cửa hàng số, cập nhật thông tin, hình ảnh, tài khoản nhằm trao đổi, tiêu thụ hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản, có thế mạnh của tỉnh. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang duy trì, vận hành thành công Sàn giao dịch thương mại điện tử giaothuong.net.vn. Đến nay, Sàn đã có 315 gian hàng với 962 sản phẩm dịch vụ và có trên 5,3 triệu lượt người truy cập.

Nhờ thực hiện tốt các giải pháp XTTM đã góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2023 đạt 50,9 nghìn tỉ đồng, tăng 15,4% so cùng kỳ. Giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 10,4 tỉ USD, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành của cả nước.

HTX mì gạo Hùng Lô, thành phố Việt Trì đã xây dựng gian hàng trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin

Hiểu rõ vai trò của XTTM, ngành Công Thương luôn theo dõi, nắm bắt sát thông tin, định hướng thị trường và các chương trình hoạt động XTTM cấp Quốc gia, Bộ Công Thương để kết nối cho doanh nghiệp trong tỉnh tham gia, có định hướng xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Để hoạt động XTTM đạt hiệu quả, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM được thực hiện thường xuyên, liên tục. Trên cơ sở thực hiện Kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh, Sở đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các khóa tập huấn, hội nghị tuyên truyền về “Nâng cao năng lực chuyển đổi số trong hoạt động XTTM và kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số”, tập trung vào kỹ năng nâng cao, kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, đặc biệt là kỹ năng bán hàng như livestream bán hàng để có thể hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả trên những sàn thương mại điện tử.

Cùng với đó, Sở thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ, ứng dụng, xây dựng, tích hợp các nền tảng công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động XTTM trên môi trường số. Theo đó, Sở đã lồng ghép, hỗ trợ năm doanh nghiệp, HTX thiết lập gian hàng thương mại điện tử với 30 sản phẩm để giới thiệu và bán sản phẩm, hàng hóa của tỉnh trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee như: Trà thảo mộc, các loại hạt, trà UT, bưởi Đoan Hùng, mì gạo Thạch Đê... Xây dựng năm bộ giải pháp hỗ trợ kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai ứng dụng thương mại điện tử.

Sở Công Thương cũng đã thực hiện hỗ trợ 11 đơn vị áp dụng giải pháp công nghệ tem điện tử QR Code trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh với số lượng 140.000 tem. Việc hỗ trợ các đơn vị áp dụng tem điện tử giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, phân biệt hàng thật, hàng giả, giới thiệu với người tiêu dùng khái quát về đơn vị sản xuất cũng như toàn cảnh sản phẩm của đơn vị. Đây cũng là một bước đi trên con đường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh của các đơn vị để nâng tầm thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường bán sản phẩm tới các phân khúc thị trường cao cấp.

Ngoài ra, việc hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong XTTM đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được quan tâm thực hiện. Đến nay, đã tập huấn, hỗ trợ cài đặt 50 đơn vị, chủ thể sản xuất tham gia chuyển đổi số đăng nhập, nhập dữ liệu trên hệ thống, thông qua phần mềm triển khai có kết quả việc kiểm dịch động vật. Trong lĩnh vực trồng trọt cập nhật, số hóa cơ sở dữ liệu về cấp mã số vùng trồng đối với các cây trồng chủ lực; cập nhật, cơ sở dữ liệu chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho 19 cơ sở; cập nhật, số hóa cơ sở dữ liệu cho 17 chủ thể với 35 sản phẩm đạt chuẩn OCOP trên địa bàn tỉnh.

Ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Năm 2024, Sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác XTTM, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trong tỉnh phát triển. Hỗ trợ các doanh nghiệp tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao trình độ cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu. Chủ động theo dõi sát thông tin thị trường trong và ngoài nước để có kế hoạch XTTM phù hợp, trợ giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển; tăng cường tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giảm lượng tồn kho. Đồng thời, hỗ trợ tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh đối với nhóm ngành, hàng chủ lực của tỉnh.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/nang-cao-hieu-qua-xuc-tien-thuong-mai/207796.htm