Nâng cao hơn nữa hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế

Sáng 22-4, tại Nhà Quốc hội, dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình Phiên họp thứ 44, nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

NDĐT - Sáng 22-4, tại Nhà Quốc hội, dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình Phiên họp thứ 44, nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

Đẩy mạnh tiến trình hội nhập, hợp tác quốc tế

Trình bày Tờ trình dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Pháp lệnh về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế (Pháp lệnh 2007) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 20-4-2007 đã thực hiện tốt vai trò là cơ sở pháp lý cho việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Pháp lệnh 2007 cũng cho thấy có một số bất cập do có những vấn đề phát sinh hoặc do thay đổi quy định pháp luật có liên quan, đặt ra yêu cầu hoàn thiện quy định về thỏa thuận quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, việc xây dựng luật lần này nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế không là Điều ước quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương trong công tác thỏa thuận quốc tế.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày Tờ trình dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày Tờ trình dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

Hơn nữa, sẽ giúp bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.

Về quan điểm chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao nêu rõ, nội dung của Luật Quy định về công tác thỏa thuận quốc tế phải phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; thể chế hóa chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế; về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…

Việc xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế phải tạo cơ sở cho việc đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối ngoại ở tất cả các kênh Quốc hội, Nhà nước, nhân dân giữa nước ta và các nước, tổ chức quốc tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực ở bên ngoài, tạo thành sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước trong giai đoạn mới hội nhập sâu rộng…

Chung quanh một số nội dung cơ bản, theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao, dự án luật đã quy phạm hóa bốn chính sách được cơ quan có thẩm quyền thông qua tại giai đoạn đề nghị xây dựng luật.

Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, so với Pháp lệnh 2007, phạm vi điều chỉnh mở rộng thêm quy định về việc ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ; thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; thỏa thuận quốc tế nhân danh UBND cấp huyện, xã; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế, Chương II của dự án luật bao gồm 10 mục, 25 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế, hồ sơ lấy ý kiến và hồ sơ trình về đề xuất ký kết, bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong việc cho ý kiến đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế và việc ký thỏa thuận quốc tế trong chuyến thăm của đoàn cấp cao…

Bảo đảm thống nhất với quy định pháp luật

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Đối ngoại về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu cho biết, các ý kiến tham gia đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế theo Tờ trình của Chính phủ.

Về tính hợp hiến, hợp pháp và tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, ý kiến thẩm tra cho rằng dự án luật phù hợp Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng dự án luật còn có mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất trong một số quy định của dự án luật. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, đây là luật quy định về trình tự, thủ tục ký kết, không phải luật quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, đề nghị cân nhắc quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong dự thảo luật này.

Đối với một số nội dung cụ thể, Báo cáo thẩm tra sơ bộ nêu: Về khái niệm thỏa thuận quốc tế, đa số ý kiến thẩm tra cho rằng, dự thảo luật đưa ra khái niệm thỏa thuận quốc tế để phân biệt với điều ước quốc tế nhưng vẫn chưa rõ nội hàm, nội dung cốt lõi của thỏa thuận quốc tế, có sự chồng lấn với Luật Điều ước quốc tế.

Do đó, Thường trực Ủy ban Đối ngoại cho rằng, khái niệm thỏa thuận quốc tế cần được xác định đúng bản chất để làm cơ sở cho việc xác định phạm vi điều chỉnh của luật và bảo đảm tính thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành.

Về bên ký kết Việt Nam, các ý kiến thẩm tra đều nhất trí chủ trương mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế về phía Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc một số nội dung cụ thể sau: Dự án luật quy định chủ thể ký kết chỉ là cơ quan của Quốc hội, chưa bao quát hết các chủ thể có thẩm quyền ký kết về phía Quốc hội. Nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện và UBND cấp xã do hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu và chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định, do đó không phải cơ quan, tổ chức nào cũng được quyền ký kết thỏa thuận quốc tế.

Xác định rõ hơn chủ thể ký kết

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham gia phát biểu thảo luận.

Về bên ký kết nước ngoài, một số ý kiến thẩm tra cho rằng, quy định “bên ký kết nước ngoài” gồm cá nhân nước ngoài là chưa tương xứng với quy định với “bên ký kết Việt Nam” và chưa có chủ thể quan trọng là nghị viện/quốc hội và các cơ quan thuộc nghị viện/quốc hội nước ngoài. Cần lượng hóa danh mục các chủ thể nước ngoài để chủ động kiểm soát phù hợp thông lệ quốc tế.…

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành sự cần thiết nâng pháp lệnh về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế lên thành luật. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát từ khâu giải thích từ ngữ, phạm vi điều chỉnh để tránh những quy định trùng lắp hoặc xung đột. Về chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế trong tình hình mới, dự án luật chưa quy định đầy đủ một số chủ thể đối với các cơ quan thuộc Quốc hội, các đơn vị sự nghiệp công lập…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quy định rõ ràng rằng, trong văn bản thỏa thuận quốc tế phải có một trong hai bản là tiếng Việt để khẳng định và đề cao ngôn ngữ quốc gia.

Qua thảo luận sáng nay, một số ý kiến của đại biểu nêu, không nên phân cấp cho nhiều chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế vì dễ tạo nên sự thiếu thống nhất giữa các địa phương, đặc biệt giữa các địa phương có chung đường biên giới với cùng một quốc gia như ở Việt Nam.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ băn khoăn về quy định thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh UBND cấp xã. Ngoài ra, về vấn đề ngôn ngữ, trong dự án luật cần quy định cơ quan nào bảo đảm vấn đề chính xác về ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt…

Tham gia ý kiến về vấn đề trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, cần tính toán kỹ về quy định cấp nào được nhân danh ký thỏa thuận quốc tế. Thực tế, chính quyền cấp xã không có bộ máy giúp việc, vì thế, Ban soạn thảo xem xét quy định nhân danh ký thỏa thuận quốc tế từ cấp huyện trở lên.

TIN: VĂN CHÚC - ẢNH: QUANG KHÁNH (CTV)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/44184802-nang-cao-hon-nua-hieu-qua-ky-ket-thuc-hien-thoa-thuan-quoc-te.html