Nâng cao năng lực cạnh tranh khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển rất mạnh mẽ và tiếp tục là xu hướng mở ra sự tăng trưởng lớn trên thị trường.

Nhiều đoàn viên, thanh niên được tập huấn trang bị kiến thức về khởi nghiệp, phát triển kinh tế

Nhiều đoàn viên, thanh niên được tập huấn trang bị kiến thức về khởi nghiệp, phát triển kinh tế

Đây là chia sẻ của các diễn giả tại buổi tập huấn trang bị kiến thức về phát triển kinh tế cho thanh niên nông thôn, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

Lập nghiệp từ xây dựng thương hiệu dựa trên sự khác biệt

Từ khát khao lập nghiệp trên quê hương, chị Nguyễn Ngọc Hoàng Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Hana Group, với chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, giáo dục bền vững, chia sẻ: Xây dựng thương hiệu dựa trên sự khác biệt là điều mà Hana đã làm trong nhiều năm qua. Trong đó, yếu tố văn hóa và tài nguyên bản địa ở vùng đất Đà Lạt (Lâm Đồng) đã truyền rất nhiều cảm hứng để chị Hoàng Anh tìm thấy sự khác biệt, phát hiện những điều thú vị ở vùng đất này.

Chị Hoàng Anh cho rằng, thanh niên nông thôn nên hướng về vùng đất mà mình sinh ra và lớn lên nhiều hơn nữa trong quá trình khởi nghiệp. Bởi các bạn sẽ có sự hiểu biết về tài nguyên bản địa để tạo nên sức mạnh nội tại bên trong. Và hơn ai hết, chính các bạn là người chia sẻ, lan tỏa những giá trị đó một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, việc kết hợp du lịch với nông nghiệp, thiết kế những hành trình trải nghiệm sẽ giúp các bạn xây dựng nên những sản phẩm độc quyền, khác biệt mà không ai có thể sao chép được.

Với dự án tận dụng quả bưởi non tại địa phương để sản xuất xà phòng và dầu gội đầu, chị Bùi Thủy (Đồng Nai) chia sẻ: "Khởi nghiệp là một quá trình mà tôi rèn luyện bản thân mỗi ngày, học hỏi thêm để hoàn thiện sản phẩm. Bên cạnh sự chân thành, tôi luôn nhắc mình phải quyết tâm để vượt qua những khó khăn ban đầu để theo đuổi dự án mà mình tâm huyết. Tham gia khóa tập huấn lần này, tôi mong muốn sẽ được học hỏi thêm từ nhiều chuyên gia và các bạn khởi nghiệp, đồng thời học được kỹ năng thuyết trình tốt hơn để có thể chia sẻ giá trị sản phẩm khởi nghiệp của mình, tiếp tục tạo dựng giá trị nông sản của địa phương".

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho thanh niên nông thôn

"Chúng tôi mong muốn các bạn khi trở về địa phương sẽ có những định hướng, hoàn thiện các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Bên cạnh những kiến thức học được tại lớp tập huấn, đây là cơ hội để các bạn kết nối cùng nhau, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế, trở thành đối tác, bạn hàng tin cậy của nhau trong cuộc sống và trong phát triển kinh tế", Trưởng Ban Thanh niên nông thôn (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) Nguyễn Thu Vân nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thu Vân cho biết, thời gian tới Ban Tổ chức sẽ kết nối các bạn thanh niên nông thôn với những gương thanh niên làm kinh tế giỏi ở các lĩnh vực để hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi cần thiết. Cùng với đó, Trung ương Đoàn sẽ triển khai sàn nông sản trên vũ trụ ảo Metaverse và tổ chức triển lãm nông nghiệp số trên nền tảng Techfest VN 247 - nền tảng số hoạt động tổ chức sự kiện kết nối, triển lãm, hội thảo, đầu tư, đào tạo, quảng bá, thương mại hóa cho hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia kết nối quốc tế, kết nối 63 tỉnh, thành đoàn và các quốc gia trên thế giới… Qua đó, mở không gian kết nối cho thanh niên nông thôn có cơ hội tiếp cận với hàng triệu khách hàng, gặp gỡ đối tác tiềm năng.

Chương trình không chỉ giúp trang bị những kỹ năng, phương pháp lập đề án hiệu quả, thuyết trình thuyết phục, mà còn giúp thanh niên nông thôn ở tất cả các vùng miền được tiếp cận những lối tư duy, sáng tạo trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu và khẳng định vị thế thương hiệu bằng những cách độc đáo và thuyết phục nhất.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, các dự án của thanh niên nông thôn có nhiều điểm độc đáo, sáng tạo rất cao, như sản phẩm tranh làm từ lá cây, sản phẩm xà bông "handmade" từ nguyên liệu thiên nhiên, dịch vụ du lịch cộng đồng với việc đưa tài nguyên bản địa vào mô hình kinh doanh.

Tuy nhiên, dù nguồn lực các dự án năm nay có cải thiện hơn các năm trước, nhưng vẫn còn một số khó khăn về tài chính để khôi phục hoạt động kinh doanh sau dịch COVID-19, khó khăn về nhân lực khi không có nhân sự phù hợp trong việc mở rộng thị trường cho sản phẩm/dịch vụ, khó khăn về công nghệ trong sản xuất và công cụ hỗ trợ bán hàng hiện đại kênh online cho các mô hình thanh niên nông thôn.

Tại buổi tập huấn, các chuyên gia đã đưa ra các giải pháp nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho thanh niên làm kinh tế vùng nông thôn. Đó là, đẩy mạnh thực hiện giảm chi phí kinh doanh cho đối tượng thanh niên, nhất là ở khu vực nông thôn, trước hết là chi phí bất hợp lý phát sinh từ quản lý nhà nước, ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho thanh niên phát triển kinh tế nông thôn.

Để thanh niên nông thôn dễ dàng hơn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, các chuyên gia cho rằng, cần có sự hài hòa lợi ích của 3 nhân tố là tổ chức tín dụng, tổ chức Đoàn thanh niên và cơ chế, chính sách của Nhà nước. Trong đó, vai trò ngân hàng chính sách rất quan trọng trong việc tăng cường sự hỗ trợ về vốn, cơ chế, chính sách, luật pháp, xúc tiến thương mại, giáo dục-đào tạo, tư vấn về thiết bị, công nghệ hiện đại... cho thanh niên nông thôn tiếp cận phát triển kinh tế.

Chính sách của Nhà nước cần tạo ra các thể chế phù hợp, phát triển thị trường khoa học-công nghệ, hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho thanh niên nông thôn, trang bị học vấn ở trình độ, tri thức cơ bản cho thanh niên. Tạo môi trường khuyến khích, hình thành, phát triển liên kết thanh niên địa phương; tăng cường liên kết, hợp tác theo chiều dọc, chiều ngang; xác lập quan hệ bạn hàng và quan hệ đối tác chiến lược nhằm phát triển sản xuất và bán hàng cho nhau.

Để thành công trong môi trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay, theo ông Hoàng Phi Long, chuyên gia về gia về tư vấn và đào tạo quản trị bán hàng, quản trị sản xuất và xúc tiến thương mại quốc tế (VCCI), những người muốn khởi nghiệp cần có các kỹ năng ủy thác, giao tiếp đàm phán, lập kế hoạch, xây dựng đội ngũ, lãnh đạo, bán hàng và marketing, phân tích nghiên cứu thị trường, quản lý tài chính, thời gian.

Bên cạnh đó, mỗi thanh niên nông thôn cần tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ, tiến tới nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị trong nước và quốc tế nếu có cơ hội. Cần đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững, sản xuất sạch, xanh, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng tới nhóm người yếu thế trong xã hội…

Nhật Nam

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-khoi-nghiep-cho-thanh-nien-nong-thon-102220803132742051.htm