NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA

Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố cho chúng ta cái nhìn lạc quan về đà đi lên của nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể là trong 141 nền kinh tế được xếp hạng năng lực cạnh tranh (chiếm 99% GDP thế giới) thì Việt Nam đã được thăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67), tăng 3,5 điểm (từ 58 điểm lên 61,5 điểm) cao hơn điểm trung bình toàn cầu (60,7 điểm). Việt Nam là quốc gia có mức tăng hạng cao nhất thế giới trong năm 2019. Đáng lưu ý là năm nay, ngoại trừ Singapore và Việt Nam, các nước còn lại trong khu vực ASEAN đều giảm điểm hoặc giảm bậc.

Cùng với việc được đánh giá cao vì nằm trong nhóm nước có nguy cơ khủng bố thấp nhất thế giới và lạm phát ổn định nhất thế giới, thì kết quả cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng đã phản ánh nỗ lực liên tục trong những năm gần đây của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, về thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Những cải cách nổi bật được quốc tế ghi nhận là cắt giảm, đơn giản hóa ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; thay đổi phương thức quản lý nhà nước trong hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành, chuyển mạnh sang hậu kiểm; đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và giao dịch không dùng tiền mặt; cải cách thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; giảm chi phí doanh nghiệp...

 Ảnh minh họa: TTXVN.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Tuy vậy, để có thể tiếp tục tiến lên nửa trên của bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh thì đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc. Bởi vì, ở nửa trên bao gồm các quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam. Thực tế thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong ASEAN.

Thời gian qua, bất ổn địa chính trị và căng thẳng thương mại gia tăng đang kéo theo sự bấp bênh và có thể dẫn tới sự giảm tốc kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, theo đánh giá của quốc tế thì một số quốc gia ở Đông Nam Á như Singapore và Việt Nam đang hưởng lợi từ sự chuyển hướng của các dòng chảy thương mại. Nhờ đó, năm nay, Việt Nam thu hút thêm được nhiều vốn đầu tư nước ngoài, đứng thứ 26 thế giới về chỉ số quy mô thị trường. Thế nhưng, Việt Nam cũng chưa tận dụng được triệt để sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư và chuỗi sản xuất quốc tế. Chúng ta chưa thu hút được những dự án lớn, những nhà đầu tư “cá voi”, “đại bàng”. Mà để “cá voi”, “đại bàng” tới thì phải có “bể” lớn, “ổ” to. Nghĩa là các bộ, đặc biệt các địa phương phải tích cực tạo ra mặt bằng, cải thiện hạ tầng, tạo thuận lợi về thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Cùng với đó, phải có nguồn nhân lực dồi dào đã qua đào tạo. Một tổ hợp sản xuất công nghệ cao của tập đoàn toàn cầu có thể cần tới cả triệu nhân lực về công nghệ.

Trong lúc đó, nhìn tổng thể, dù đã được cải thiện nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn 8/12 chỉ số trụ cột hiện ở thứ hạng thấp hoặc rất thấp. Chỉ số kỹ năng của nhân lực của Việt Nam còn ở mức rất thấp (xếp thứ 93); chỉ số thể chế xếp thứ 89; chỉ số năng lực đổi mới sáng tạo cũng xếp thứ 76. Thực tế này đòi hỏi trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện quyết liệt, thực chất, toàn diện hơn nữa để tạo lập thể chế, chính sách vượt trội nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.

Có nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế một cách vững chắc thì mới mang lại sự thịnh vượng cho đất nước. Điều này đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-quoc-gia-593224