Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật

Với năng lực, kĩ năng còn hạn chế, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên vẫn chưa đáp ứng được với mong muốn của người dân về việc tiếp cận thông tin kiến thức pháp luật đầy đủ, công khai và minh bạch.

Trong khuôn khổ Chương trình Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh châu Âu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc đồng tài trợ, ngày 20-12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Dự thảo báo cáo thực trạng năng lực của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật” với mục tiêu trao đổi và góp ý dự thảo Báo cáo để xác định thực trạng năng lực và nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ phổ biến giáo dục pháp luật.

Từ đó, phục vụ công tác nâng cao nhận thức pháp luật và đáp ứng nhu cầu pháp luật của các nhóm người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số và người nghèo.

Với tổng số đội ngũ khoảng 170.000 nhân sự theo số liệu thống kê năm 2018 của Bộ Tư pháp, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác phổ biến và giáo dục pháp luật. Báo cáo viên, tuyên truyền viên là cầu nối giữa pháp luật, chính sách và người dân.

TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật phát biểu tại hội thảo

TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật phát biểu tại hội thảo

Với đội ngũ đông đảo này, việc tìm hiểu thực trạng năng lực, đồng thời, nâng cao năng lực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh các tiêu chuẩn về điều kiện, năng lực còn quy định khá chung chung. Các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ này còn hạn chế về số lượng, chương trình, nội dung, hình thức tập huấn chưa có nhiều đổi mới.

TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng: “Khi nhắc đến hạn chế của công tác phổ biến giáo dục, pháp luật, một trong những lý do hay được nhắc đến là nguồn lực con người. Mặc dù đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có sự gia tăng về số lượng, nhưng thực tế, đội ngũ này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Theo tinh thần Luật phổ biến giáo dục pháp luật, thông tin pháp luật phải đến với người dân một cách chính xác, đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời. Nhưng rõ ràng, với năng lực, kĩ năng còn hạn chế, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên vẫn chưa đáp ứng được với mong muốn của người dân về việc tiếp cận thông tin kiến thức pháp luật đầy đủ, công khai và minh bạch.

Nhận thức rất rõ về thực trạng này, chúng tôi chủ trương hướng đến việc xây dựng các chương trình nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên theo hướng chuyên sâu, chuyện biệt và chuyên nghiệp.”

Phát biểu tại hội thảo, ông Nicholas Booth, Cố vấn chương trình Tiếp cận Công lý và Quyền con người, Văn phòng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNDP cho rằng, cần trang bị cho nhóm đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên để hỗ trợ người dân vượt qua những rào cản, thu hẹp những khoảng cách mà các nhóm đối tượng yếu thế gặp phải trong việc tiếp cận thông tin pháp luật và tư pháp.

Các chuyên gia pháp lý bàn về nâng cao năng lực cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật

“Chúng ta cần tạo ra những chương trình tập huấn cho báo cáo viên, tuyên truyền viên để đội ngũ này giúp người dân cảm thấy kiến thức pháp luật gần gũi với đời sống hàng ngày, để người dân nhớ hơn và tạo ra một không gian học hỏi, trao đổi về các kiến thức pháp luật”, ông Nicholas Booth nói.

Ví dụ, thay đổi phương pháp giáo dục pháp luật truyền thống bằng việc sử dụng hình thức diễn kịch đóng vai, phiên tòa giả định, trò chơi hóa kiến thức pháp luật, và quan trọng nhất, là nghiên cứu thêm các phương thức để giúp người dân tham gia vào việc góp ý và xây dựng hệ thống pháp luật, như việc khảo sát mong muốn và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân…

Trình bày tóm tắt về báo cáo, GS. TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh Tế ASEAN, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, đồng thời là Trưởng nhóm Nghiên cứu, đã chia sẻ các khuyến nghị về nâng cao năng lực của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật như: Hoàn thiện thể chế về phổ biến giáo dục pháp luật cho các nhóm người yếu thế; Các giải pháp đối với thiết chế phi chính thức hướng tới việc nâng cao hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật cho các nhóm người yếu thế.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nang-cao-nang-luc-cho-doi-ngu-bao-cao-vien-tuyen-truyen-vien-phap-luat-174280.html