Nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế tuyến xã, phường

Nhằm giúp y tế cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ 'gác cổng' của hệ thống y tế cũng như bảo đảm công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đã xây dựng và triển khai đề án 'Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019 - 2025'.

Thầy thuốc Trạm y tế xã Đồng Sơn, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) khám sức khỏe cho trẻ em.

Thầy thuốc Trạm y tế xã Đồng Sơn, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) khám sức khỏe cho trẻ em.

Hệ thống y tế Việt Nam có mạng lưới rộng khắp từ trung ương đến xã, phường, trong đó riêng tuyến xã, phường có hơn 11 nghìn trạm y tế. Theo đánh giá của Bộ Y tế, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng chất lượng công tác khám, chữa bệnh còn hạn chế, nhất là ở các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa do thiếu cán bộ y tế. Cả nước vẫn còn khoảng 20% tổng số xã chưa có bác sĩ, phải luân phiên bác sĩ từ tuyến huyện về khám, chữa bệnh một số ngày trong tuần để người dân dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng khám bệnh. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều trạm y tế xã năng lực chuyên môn của thầy thuốc còn yếu, chưa thực hiện hết danh mục kỹ thuật theo quy định, cho nên chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Khắc phục những hạn chế đó, đề án “Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019 - 2025” tập trung vào các giải pháp: Thí điểm thành lập phòng khám vệ tinh của một số bệnh viện quận, huyện, bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương đặt tại trạm y tế xã, phường, khu đông dân cư. Tổ chức đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật cấp bách để bổ sung danh mục kỹ thuật, phạm vi hoạt động chuyên môn cho người hành nghề tại các trạm y tế xã, phường, ưu tiên quản lý bệnh không lây nhiễm. Mặt khác, xây dựng mạng lưới trạm y tế xã, phường tiếp nhận kỹ thuật chuyển giao từ bệnh viện tuyến trên về khám, chữa bệnh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật để nâng cao chất lượng. Tổ chức các khóa đào tạo tại chỗ hoặc đào tạo từ xa (Hệ thống y tế từ xa - Telemedicine) hoặc đào tạo trực tuyến (e-learning), đào tạo giảng viên nội bộ (TOT) cho các bệnh viện tuyến dưới. Tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn tại y tế xã, phường tạo tiền đề cho việc tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ y tế theo ba cấp chuyên môn. Tổ chức hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn gắn với y tế học đường và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; phát triển mạnh hệ thống cấp cứu tại cộng đồng và trước khi vào bệnh viện.

Trọng tâm của đề án là nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường. Bảo đảm đến năm 2020, ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được ít nhất 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; đến năm 2025, phấn đấu tất cả các trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được ít nhất 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã.

Để triển khai hiệu quả đề án, Bộ Y tế giao 15 bệnh viện tuyến trung ương trực tiếp tham gia, có trách nhiệm cử cán bộ đi đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường. Xây dựng danh mục kỹ thuật, gói kỹ thuật thuộc 22 chuyên khoa, chuyên ngành có người thường xuyên khám, chữa bệnh ở tuyến xã, phường: Nội; ngoại, phục hồi chức năng; y học cổ truyền, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu, phụ sản, nội tiết, nhi, lao, tâm thần... Đối với các bệnh viện tuyến trên, trung tâm y tế huyện có trách nhiệm cử cán bộ chuyên môn xuống đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường. Một bệnh viện tuyến trên có thể cử cán bộ giúp đỡ nhiều trạm y tế xã, phường. Ngược lại, một trạm y tế xã, phường có thể nhận cán bộ của nhiều bệnh viện tuyến trên về chuyển giao.

Về phía Sở Y tế các tỉnh, thành phố, lập danh sách các trung tâm y tế có trạm y tế xã, phường cần tiếp nhận cán bộ đi chuyển giao từ các bệnh viện tuyến trên; thẩm định, phê duyệt bổ sung danh mục kỹ thuật khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường khi có cán bộ tuyến trên xuống khám bệnh, chữa bệnh. Bố trí nhân lực tại các trạm y tế xã, phường bảo đảm việc tiếp nhận chuyên môn, đào tạo từ các cán bộ bệnh viện tuyến trên. Đồng thời phối hợp với cơ quan bảo hiểm y tế đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu từ 5.000 đến 10 nghìn người tại mỗi cơ sở trạm y tế xã, phường. Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh; chỉ đạo việc cung ứng thuốc đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế về danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán… Đối với, các trung tâm y tế tuyến quận, huyện, tập trung rà soát, đề xuất yêu cầu sát với thực tế, để các bệnh viện tuyến trên đáp ứng hiệu quả các yêu cầu đề ra trên cơ sở có tham khảo kết quả công tác chỉ đạo tuyến trước đây. Thống nhất với các bệnh viện tuyến trên kế hoạch về số lượng cán bộ, chuyên khoa, thời gian và các nội dung liên quan.

LÊ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tin-tuc/item/40362202-nang-cao-nang-luc-chuyen-mon-cho-y-te-tuyen-xa-phuong.html