Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội vừa phê duyệt Đề án thí điểm 'Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại thỏa ước lao động tập thể, giai đoạn 2021-2022'.

Mục tiêu của Đề án là nhằm phát huy tối đa nội lực của tổ chức Công đoàn, trên cơ sở tăng cường vai trò của Công đoàn cấp trên hỗ trợ, đồng hành, hướng dẫn Công đoàn cơ sở, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng cũng như số lượng trong đối thoại, thương lượng tập thể tại doanh nghiệp; Chú trọng thương lượng về lương, thưởng, tăng cường vai trò của cơ chế 3 bên nhằm mang lại quyền lợi tốt hơn cho người lao động, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Theo đó, Liên đoàn Lao động Thành phố đề ra chỉ tiêu hàng năm có từ 70% trở lên số doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có tổ chức Công đoàn tổ chức Hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc; có 100% Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức được hội nghị đối thoại với công nhân viên chức lao động và tổ chức Công đoàn.

Liên đoàn Lao động Thành phố cũng đề ra chỉ tiêu có 75% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn xây dựng, thương lượng, ký kết và tổ chức giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại đơn vị (còn hiệu lực); phấn đấu có ít nhất 45% bản thỏa ước lao động tập thể đạt loại B trở lên, hàng năm ký được ít nhất 350 bản thỏa ước lao động tập thể mới, mỗi năm ký ít nhất 01 thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp theo ngành sản xuất kinh doanh hoặc nhóm doanh nghiệp; 100% số bản thỏa ước lao động tập thể được chấm điểm, xếp loại theo đúng hướng dẫn và được scan lên hệ thống “Thư viện thỏa ước lao động tập thể”.

Một buổi tập huấn kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể do Liên đoàn Lao động quận Ba Đình tổ chức. Ảnh minh họa.

Một buổi tập huấn kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể do Liên đoàn Lao động quận Ba Đình tổ chức. Ảnh minh họa.

Để thực hiện các chỉ tiêu trên, Liên đoàn Lao động Thành phố đề ra 5 nhóm giải pháp. Trong đó, Liên đoàn Lao động Thành phố sẽ xây dựng bộ tài liệu, giáo trình, chương trình đào tạo, tập huấn chuyên sâu về tổ chức Hội nghị người lao động, đối thoại, kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho các thành viên “Tổ tư vấn thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể” về đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đặc biệt về lĩnh vực tiền lương nhằm hỗ trợ thiết thực cho Công đoàn cấp trên cơ sở và Công đoàn cơ sở khi có nhu cầu.

Liên đoàn Lao động Thành phố cũng sẽ thường xuyên tập huấn nâng cao kỹ năng về đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể cho cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở và cán bộ Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp có từ 300 lao động trở lên cũng như các doanh nghiệp đã từng xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, các doanh nghiệp có mối quan hệ lao động phức tạp về đối thoại.

Cùng đó, Liên đoàn Lao động Thành phố sẽ tổ chức khảo sát, lập danh sách các doanh nghiệp cùng ngành nghề, thuận tiện về địa bàn, có điều kiện phù hợp để tiến hành thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành, nhóm doanh nghiệp; rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp đã thành lập Công đoàn cơ sở có từ 25 lao động trở lên, giao chỉ tiêu ký kết thỏa ước lao động tập thể đến từng đơn vị Công đoàn cấp trên cơ sở thực hiện.

Đặc biệt, Liên đoàn Lao động Thành phố cũng quyết định chi cơ chế tài chính hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân cán bộ Công đoàn trực tiếp thực hiện thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều mức phù hợp theo từng loại hình, chất lượng thỏa ước lao động tập thể được ký kết.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-nang-luc-doi-thoai-thuong-luong-ky-ket-thoa-uoc-lao-dong-tap-the-120500.html