Nâng cao năng lực dự báo bão của Việt Nam

Năm 2018, công tác dự báo bão của Việt Nam đã có tiến bộ khi có thể dự báo bão trước đến 5 ngày và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trước 3 ngày, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, tránh bão. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV), Bộ Tài nguyên và Môi trường xung quanh vấn đề này.

Ông Lê Thanh Hải.

Phóng viên (PV): Từ năm 2018, việc cảnh báo bão và ATNĐ sớm hơn so với trước đây, ông có thể nói rõ hơn về việc này?

Ông Lê Thanh Hải: Từ năm 2018, nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã nâng khả năng dự báo bão lên 5 ngày, với ATNĐ là 3 ngày. Tuy đó là bước tiến không nhỏ, nhưng tôi xin nhấn mạnh là việc dự báo sớm thường mang tính chất tham khảo để chuẩn bị và định hướng cho công tác phòng, tránh đạt hiệu quả tốt nhất; độ tin cậy của ngày thứ nhất (trước 1 ngày) là cao nhất với độ lệch của bão từ 0 đến 80km, ngày thứ hai từ 200 đến 240km và ngày thứ ba là khoảng từ 360km trở lên… Tuy nhiên, với mạng lưới quan trắc đang dần được hiện đại hóa cùng sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia thuộc Ủy ban Bão quốc tế thì chúng ta vẫn có thể xác định khá chính xác thời gian, hướng đi và vị trí bão có thể đổ bộ vào. Điều này giúp công tác di dời con người, tài sản kịp thời cũng như tránh lãng phí nếu bão không vào vị trí đó.

PV: Ông đánh giá thế nào về công nghệ dự báo bão của Việt Nam so với khu vực và thế giới?

Ông Lê Thanh Hải: Công nghệ dự báo bão của Việt Nam đang dần tiệm cận với trình độ khu vực và quốc tế. Thời gian qua, Việt Nam đã tiếp cận được nhiều công nghệ mới, mô hình số kết hợp với các kỹ thuật viễn thám, vệ tinh, radar... tạo nên chuỗi số liệu rất tốt về khí tượng, thủy văn. Hiện tại, chúng ta cũng đang thực hiện một số dự án như đặt các thiết bị đo vô tuyến thám không, các radar thời tiết tại một số tỉnh có bờ biển. Ngoài ra, năm nay Tổng cục KTTV đưa vào sử dụng hệ thống quan trắc định vị sét với 18 trạm trên cả nước. Radar thời tiết có thể thu thập dữ liệu và đưa ra cảnh báo chính xác hơn về lượng mưa, hướng đi của bão... Hay cùng với đó là triển khai các máy đo mưa bán tự động SL3. Mục tiêu của loại máy này là để xác định lượng mưa, cường độ mưa và các số liệu sẽ được cập nhật theo thời gian thực.

PV: Dự báo được cường độ bão là yếu tố rất quan trọng. Hiện nay, năng lực dự báo cường độ bão của Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải: Ở một số nước phát triển, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã sử dụng tên lửa, máy bay quân sự hay máy bay không người lái bay xuyên qua bão hoặc trên tầng bình lưu để thu thập số liệu về từng cơn bão. Các phương tiện này sẽ thả những thiết bị đo có gắn dù vào cơn bão gọi là drop sensor (cảm biến rơi), trong quá trình rơi các cảm biến sẽ thu thập dữ liệu và gửi về trung tâm. Tất cả những dữ liệu quan trắc đó sẽ được đưa vào mô hình dự báo để thực hiện đánh giá các chỉ số của cơn bão. Trong đó, nếu xác định được trị số khí áp thì sẽ biết được độ mạnh, yếu của bão. Phần lớn các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam chưa đủ công nghệ để làm được điều này. Chúng ta vẫn đang sử dụng phương pháp phỏng đoán, căn cứ vào hình dạng vòng xoáy của mắt bão để ước lượng trị số khí áp nên việc dự báo chỉ đạt độ chính xác nhất định trong khoảng 48 tiếng trước khi bão đổ bộ.

Quan trắc viên Trạm Thủy văn Đầu Đẳng (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) chuẩn bị thiết bị đo lưu lượng dòng chảy trên sông. Ảnh: Hoài An

PV: Xin ông cho biết định hướng công tác dự báo bão của Việt Nam thời gian tới?

Ông Lê Thanh Hải: Việt Nam đã có chiến lược phát triển, hiện đại hóa ngành KTTV. Trong đó, Tổng cục KTTV phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương thực hiện những diễn đàn trao đổi, xây dựng cơ chế phối hợp để Việt Nam tiếp nhận được công nghệ mới và thực hiện phân cấp từ Trung ương đến địa phương nhằm làm tốt hơn công tác dự báo. Thời gian tới, chúng ta sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác song phương trong khuôn khổ hợp tác quốc tế với Hàn Quốc, Nhật Bản, Phần Lan... để tiếp thu công nghệ mới. Hiện Việt Nam đang tiếp nhận các khoản hỗ trợ không hoàn lại của Hàn Quốc để xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và dự báo KTTV khu vực Đông Bắc. Bên cạnh đó, Nhật Bản và Phần Lan cũng hỗ trợ chúng ta xây dựng hệ thống radar mới nhất và sẽ vận hành thử nghiệm trong giai đoạn 2018-2020. Tôi tin rằng với sự phát triển của công nghệ radar, viễn thám, công nghệ vệ tinh truyền thống, nguồn nhân lực cùng sự trao đổi thông tin dữ liệu... chất lượng dự báo bão của Việt Nam sẽ được cải thiện mạnh mẽ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

LÊ HIẾU (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nang-cao-nang-luc-du-bao-bao-cua-viet-nam-539358