Nâng cao năng lực lãnh đạo của đảng bộ cấp huyện trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí

NGUYỄN HỒNG TRÀ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ. Các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất với đảng bộ, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở những chủ trương, định hướng thực hiện các quy định về PCTN, lãng phí, tiêu cực của Trung ương và của tỉnh, góp phần làm cho công tác PCTN, lãng phí trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh có những chuyển biến tích cực cả trong nhận thức và hành động.

Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc

Với tinh thần nghiêm túc và thẳng thắn, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nhận định sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng của tỉnh đối với công tác PCTN, lãng phí thời gian qua vẫn còn những hạn chế. Kết quả công tác PCTN, lãng phí chưa tương xứng với quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong tỉnh. Công tác thông tin về PCTN, lãng phí đến với nhân dân chưa đầy đủ nên còn sự hoài nghi về ý nghĩa, kết quả tích cực của công tác PCTN, lãng phí. Các cơ chế, chính sách đến với người dân còn nhiều bất cập trong thực hiện. Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế. Tính nghiêm minh của pháp luật chưa cao. Nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội…

Những hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác PCTN, lãng phí một phần là do năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN, lãng phí còn hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN, lãng phí chưa được quan tâm thường xuyên. Năng lực chuyên môn, tinh thần gương mẫu, tích cực, đi đầu trong PCTN, lãng phí của một số đảng viên chưa cao. Trong công tác cán bộ, một số đảng bộ chưa thực sự quyết liệt, nghiêm túc và có biện pháp hữu hiệu để thanh lọc, loại bỏ những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, có biểu hiện thoái hóa, biến chất, tiêu cực...

Cùng với chủ trương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí được Đảng ta đặt ra từ Hội nghị Trung ương 3 khóa X, với mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”, đến nay, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy, công tác PCTN, lãng phí của tỉnh đã có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị trong sạch, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh ủy đã đề ra nhiều giải pháp để phòng ngừa tham nhũng, rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng tồn đọng, phức tạp, kéo dài; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực; kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp tình hình thực tế ở địa phương, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực

Bên cạnh kết quả đạt được, việc tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, tổ chức ở cấp huyện, thị xã, thành phố còn rất hạn chế. Khi bàn về xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng cụ thể thì nhiều nơi, nhiều lúc rất băn khoăn, lúng túng, ngại xử lý. Nhiều ý kiến tích cực, quyết liệt đấu tranh PCTN, lãng phí không được sự đồng tình ủng hộ ngay từ trong nội bộ. Cơ quan, đơn vị, địa phương có cán bộ, đảng viên tố cáo tham nhũng bị nhìn nhận là nội bộ có vấn đề, mất đoàn kết. Cán bộ, đảng viên đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực bị nhìn nhận là đối tượng tranh giành, kèn cựa địa vị, cá biệt còn biểu hiện cách đối xử với người tố cáo tham nhũng là “bới lông tìm vết”, xem người tố cáo, phát hiện có sơ hở, vi phạm là trù dập, qua đó luôn có thành kiến tìm cách hạ uy tín người tố cáo.

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN, lãng phí tuy có nhiều đổi mới, phát huy vai trò tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị trong PCTN, lãng phí nhưng nhiều cán bộ, đảng viên và người đứng đầu vẫn còn suy nghĩ cho rằng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, gây mất ổn định tình hình địa phương, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để phục vụ “lợi ích nhóm”.

Thực tế đây là việc rất khó vì người đứng đầu có quyền quyết định toàn diện đối với các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do đó cán bộ, đảng viên có ý kiến khác với người đứng đầu có thể bị cho là chống đối, cản trở sự phát triển của đơn vị, địa phương. Vì vậy, việc phát hiện tham nhũng chủ yếu thông qua công tác kiểm tra đảng nhưng thực tế hiệu quả còn rất hạn chế. Trong khi công tác kiểm soát việc thực thi quyền lực của người đứng đầu rất khó khăn, chưa mang lại hiệu quả và chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ vị trí công tác của người phát hiện, tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Mặt khác, vẫn còn trường hợp cá biệt đoàn thanh tra, giám sát câu kết và bao che đến cùng đối với những vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được thanh tra, giám sát. Vì vậy, không tránh khỏi xuất hiện tư tưởng là chấp nhận tham nhũng và sống chung với tham nhũng, ảnh hưởng rất lớn đến việc tham gia phát hiện, tố cáo, đấu tranh của người dân đối với lĩnh vực này.

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong PCTN, lãng phí thời gian qua đã phát huy hiệu quả thiết thực.

PCTN, lãng phí được xác định là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài; là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vì tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực; hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường.

Nhận diện khó khăn, hạn chế

Nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh đã thực hiện giám sát chuyên đề 2.908 lượt tổ chức đảng và 2.099 đảng viên; kiểm tra 2.698 tổ chức đảng và 4.333 đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện, xem xét, xử lý các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Hiện “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân”, chưa nêu gương về đạo đức, lối sống và chưa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.

Việc công khai, minh bạch các hoạt động liên quan đến người dân, doanh nghiệp, trong quản lý tài chính, tài sản của Nhà nước, trong công tác cán bộ... vẫn còn nhiều hạn chế. Quyền tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp chưa được bảo đảm. Việc công khai, minh bạch về quy hoạch sử dụng đất, công khai giá đất; công khai dự phòng ngân sách; công khai đầu tư, mua sắm công; công khai công tác cán bộ, hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết luận thanh tra, các quyết định trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… còn những hạn chế.

Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức có nơi còn mang tính hình thức; trách nhiệm giải trình, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu tham nhũng còn chậm làm hạn chế khả năng đối phó, xử lý hành vi làm giàu bất hợp pháp, xử lý trách nhiệm của người vi phạm cộng với tình trạng quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, vi phạm quyền dân chủ của người dân ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu công khai, minh bạch và dân chủ làm cho tham nhũng tồn tại và phát triển, thậm chí xảy ra ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, nên việc đấu tranh, ngăn chặn và xử lý rất khó khăn.

Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chủ yếu xảy ra ở những người có chức vụ, quyền hạn, nên thường là những người có mối quan hệ sâu, rộng, có nhận thức, am hiểu pháp luật, được tiếp cận nhiều thông tin, có điều kiện kinh tế nên cấp dưới thì không dám tố cáo vì họ phải “im lặng” để giữ miếng cơm, manh áo trong cuộc sống hoặc nếu có nói cũng sẽ không có ai bảo vệ dẫn tới dễ bị coi là “kẻ bới vết tìm lông, là trung tâm làm mất dân chủ, mất đoàn kết nội bộ”; cùng cấp thì nể nang trong mối quan hệ không lỡ nói ra vì còn phải nhìn mặ nhau hằng ngày.

Mặt khác, quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp còn nhiều khoảng cách từ đó chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của quần chúng vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Bên cạnh đó, tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, lãng phí ở cấp huyện chủ yếu dựa vào cơ quan ủy ban kiểm tra và thanh tra nhà nước cấp huyện trong khi cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị này còn nhiều bất cập. Hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp huyện và UBND huyện định hướng, dẫn dắt toàn bộ hoạt động PCTN, lãng phí của hệ thống chính trị. Do đó, những tư tưởng, quan điểm, quyết sách, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN, lãng phí là những vấn đề có tính chất nền tảng nhất quán vì vậy nên còn hạn chế.

(Còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/89/143294/nang-cao-nang-luc-lanh-dao-cua-dang-bo-cap-huyen-trong-phong-chong-tham-nhung-lang-phi