Nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra và chịu ảnh hưởng, tác động của bão, lũ, nắng hạn. Tính riêng những tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra và chịu ảnh hưởng 5 trận lốc, sét, mưa lớn và 1 cơn bão gây thiệt hại về tài sản và sản xuất. Trong đó, 5 trận lốc, sét, mưa lớn tại các huyện Như Xuân, Mường Lát, Quan Hóa, Thường Xuân, làm 1 người bị thương, 7 nhà, 44 ha lúa, 1 ha ngô bị thiệt hại và các tài sản khác, giá trị thiệt hại khoảng 407 triệu đồng. Cơn bão số 2 làm 3 nhà của huyện Nga Sơn bị tốc mái, 422 ha lúa, mạ bị ngập, 286,8 ha cây màu bị ngập, 4.813 cây bị đổ gãy, 16.800m2 nhà lưới tốc mái, 1 tàu cá bị chìm, ước thiệt hại về tài sản khoảng 6 tỷ đồng.

Xã Đa Lộc (Hậu Lộc) mở rộng diện tích rừng ngập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều xây dựng phương án chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai, chống ngập lụt, xâm nhập mặn. Tổ chức tập huấn, phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai cho người dân, lực lượng đê xung kích và cán bộ xã. Huy động nguồn lực củng cố hệ thống đê sông, đê biển và bảo đảm an toàn hồ chứa, các công trình dân sinh, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về khí tượng thủy văn, giám sát BĐKH phục vụ việc dự báo, cảnh báo sớm các loại hình thiên tai, các loại hình khí hậu cực đoan. Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH. Đáng chú ý, để chủ động ứng phó với BĐKH, ngày 9-9-2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3716/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương; đồng thời, xây dựng các nhóm giải pháp trọng tâm ứng phó với BĐKH.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức tập huấn, phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai cho hơn 5.000 lượt người dân, lực lượng canh đê xung kích và hơn 200 cán bộ cấp xã. Đầu tư xây dựng được 389 công trình đầu mối, gồm: 218 hồ chứa, 66 đập dâng, 1.055 trạm bơm tưới tiêu, 9 dự án, công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn kiên cố hóa 9.276 km kênh mương các loại. Về đê điều, đã đầu tư tu bổ, nâng cấp nhiều tuyến đê sông, đê biển xung yếu. Trong đó, đã tu bổ, kiên cố được 547,6 km đê sông, 36,1 km đê biển, các cống dưới đê đã sửa chữa, nâng cấp được 467 cống, kịp thời đưa vào sử dụng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Hiện, các tuyến đê Trung ương từ cấp III đến cấp I đã cơ bản bảo đảm cao trình mặt cắt chống lũ hiện tại, nhiều tuyến đê đã được cứng hóa mặt đê bảo đảm phòng, chống lụt bão. Ngoài ra, thực hiện lắp đặt 15 trạm đo mưa tự động để phục vụ cảnh báo sớm lũ lụt; xây dựng bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão.

Đối với công tác ứng phó với BĐKH, ngành nông nghiệp đã huy động các nguồn lực triển khai các dự án ứng phó với BĐKH, như: Dự án xử lý sạt lở bờ biển Sầm Sơn, dự án kè chống sạt lở và nạo vét tiêu thoát lũ Khu Kinh tế Nghi Sơn, dự án kè chống sạt lở bờ biển khu vực xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, dự án trồng, phục hồi rừng ven biển các huyện: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn, hoàn thành và đưa vào hoạt động hệ thống cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/moi-truong/nang-cao-nang-luc-phong-chong-giam-nhe-thien-tai-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau/143733.htm