Nâng cao năng lực thực hiện kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp tại Việt Nam

Theo Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) Phạm Phú Trường, kinh tế tuần hoàn giúp doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ các quy định (địa phương và quốc tế) như luật môi trường, luật carbon... thu hút nhà đầu tư và đem lại nhiều lợi ích kinh tế khác.

Từ ngày 30/6 - 2/7, tại Hà Nội, Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam) phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức "Khóa đào tạo Xây dựng năng lực kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp".

Toàn cảnh của chương trình đào tạo.

Toàn cảnh của chương trình đào tạo.

Tại chương trình đào tạo, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường Nguyễn Thế Chinh cho biết, khóa đào tạo Xây dựng năng lực kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp nằm trong Chương trình "Tăng cường năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2022".

Hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

"Khóa đào tạo có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Kinh tế tuần hoàn, hi vọng sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong việc định hướng, khuyến khích, chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam tiếp cận một cách khoa học với khái niệm kinh tế tuần hoàn", PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nói.

Chia sẻ tại Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman, cho hay: "Chúng tôi có rất nhiều đối tác đã bày tỏ thiện chí trong việc hỗ trợ về kỹ thuật, tri thức để giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn. Hi vọng rằng, những hoạt động của UNDP tại Việt Nam sẽ nhận được sự hưởng ứng tích cực, qua đó hướng tới mục tiêu chung, vì một hành tinh xanh”.

Ở một góc nhìn khác, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Chất thải, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thành Yên cho rằng: “Chúng ta đã quá quen thuộc với đội ngũ "đồng nát", họ thu gom phế liệu và hỗ trợ rất nhiều trong việc tái chế chúng. Hoạt động này là ví dụ đơn giản nhất cho kinh tế tuần hoàn, và điều mà chúng ta cần làm là nâng tầm khái niệm này lên và đưa nó đến với mọi người dân, mọi doanh nghiệp, hướng tới nền kinh tế xanh", ông Nguyễn Thành Yên bày tỏ”.

Đại biểu lắng nghe phần tham luận về kinh tế tuần hoàn trong chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) Phạm Phú Trường cho biết, kinh tế tuần hoàn với ý tưởng chủ đạo dựa trên việc giữ các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nền kinh tế càng lâu càng tốt, tạo thành một sự chuyển đổi hoàn toàn từ phương thức hiện tại là “chế tạo, sử dụng và thải bỏ” sang một phương thức mới là “chế tạo, sử dụng, tái sử dụng, tái chế hoặc sửa chữa”.

Theo đó, phương thức này xem chất thải là "nguyên liệu trong quá trình chuyển đổi" có giá trị sử dụng được cho các mục đích khác và giảm thiểu việc quay trở lại môi trường; để tìm các nguồn tài nguyên mới để phát triển các sản phẩm đó. Kinh tế tuần hoàn là một khuôn khổ giải pháp hệ thống nhằm giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, chất thải và ô nhiễm.

Khảo sát của McKinsey năm 2011 về hoạt động kinh doanh bền vững cho thấy 33% doanh nghiệp (tăng 19% so với năm trước) đang tích hợp phát triển bền vững để cải thiện hiệu quả hoạt động và cắt giảm chi phí, từ đó giảm thiểu chi phí và tăng năng suất. Bởi vậy, các doanh nghiệp phát triển bền vững bằng cách áp dụng kinh tế tuần hoàn sẽ cải thiện hình ảnh thương hiệu và cung cấp cho các doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh.

Quang Linh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-nang-luc-thuc-hien-kinh-te-tuan-hoan-cho-cac-doanh-nghiep-tai-viet-nam-142445.html