Nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo: Hướng đi đúng đắn, bền vững!

'Tôi tin rằng trong 10 năm tới Việt Nam sẽ có năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn và đổi mới sáng tạo hơn. Đây là điều mà Chính phủ và đất nước các bạn luôn luôn hướng đến', ông Arsyoni Buana, Chuyên viên quản lý dự án cao cấp, Phòng Dịch vụ các nước thành viên, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) nhận định.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 36/QĐ/TTg Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030.

Với sự giúp đỡ tích cực từ Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) và sự quyết tâm từ phía Việt Nam, kế hoạch sẽ sớm được đưa vào triển khai trong thực tế, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nhằm làm rõ hơn những hỗ trợ của APO trong việc xây dựng Kế hoạch, cũng như những điểm cốt lõi của Kế hoạch này, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã có cuộc phỏng vấn với ông Arsyoni Buana, Chuyên viên quản lý dự án cao cấp, Phòng Dịch vụ các nước thành viên, APO.

Ông Arsyoni Buana, Chuyên viên quản lý dự án cao cấp, Phòng Dịch vụ các nước thành viên, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO)

Ông Arsyoni Buana, Chuyên viên quản lý dự án cao cấp, Phòng Dịch vụ các nước thành viên, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO)

Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) đã hỗ trợ cho bao nhiêu nước xây dựng các kế hoạch năng suất? Xin ông cho biết, kế hoạch năng suất của Việt Nam có điểm gì khác biệt so với kế hoạch năng suất của các quốc gia khác?

Dự án tư vấn chính sách nhằm giúp Việt Nam xây dựng Kế hoạch tổng thể về năng suất quốc gia được APO thực hiện theo một chương trình tương đối mới là Chương trình hỗ trợ triển khai chương trình quốc gia riêng của các nền kinh tế thành viên (SNP).

Mục đích chính của chương trình này là giúp các nền kinh tế thành viên triển khai các điều kiện tiên quyết về thể chế để trở nên năng suất và đổi mới sáng tạo hơn. Chương trình được bắt đầu từ năm 2018 và cho đến nay, đã có Campuchia, Fiji, Bangladesh, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Việt Nam thực hiện dự án tư vấn chính sách này.

Cách thức chúng tôi triển khai các dự án trên tương đối giống nhau nhưng trên thực tế do có sự đa dạng và khác biệt về mức độ phát triển, các thách thức và nhu cầu năng suất giữa các nền kinh tế thành viên nên cách thức triển khai đã được điều chỉnh để phù hợp với sự đa dạng và khác biệt đó.

Đối với Việt Nam, điểm khác biệt đặc biệt của dự án này là sự nhấn mạnh vào đổi mới sáng tạo. Mặc dù các nền kinh tế khác cũng có nhắc đến đổi mới sáng tạo nhưng kế hoạch tổng thể của Việt Nam có sự tập trung và nhấn mạnh hơn. Đối với APO, chúng tôi cho rằng đó là một hướng đi đúng đắn vì về lâu dài năng suất sẽ bị ảnh hưởng và quyết định bởi đổi mới sáng tạo. Một điểm khác biệt nữa mà chúng ta có thể thấy là Kế hoạch tổng thể về năng suất của Việt Nam được chính phủ phê duyệt để thực hiện. Tôi nghĩ rằng đây là trường hợp thành công mà mà chúng ta nên chia sẻ với thế giới và có lẽ nên nhân rộng ở khắp mọi nơi.

Trong quá trình Việt Nam xây dựng dự thảo Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, APO đã có hoạt động cụ thể nào để hỗ trợ cho Việt Nam? Quá trình hỗ trợ cho Việt Nam xây dựng kế hoạch, phía APO có gặp phải khó khăn nào hay không?

Hỗ trợ chính mà APO cung cấp cho dự án là cơ hội được làm việc với Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI). Chúng tôi đã quyết định làm việc với KDI là vì: 1) họ là một trong những tổ chức tư vấn hàng đầu trên toàn thế giới (dựa trên cuộc khảo sát gần đây do Đại học Pennsylvania thực hiện); 2) họ đến từ Hàn Quốc và Hàn Quốc có nhiều điều để chia sẻ về tăng cường phát triển kinh tế và cách thức họ đã làm cho nền kinh tế của họ trở nên đổi mới sáng tạo hơn.

Vì hai lý do này, chúng tôi đã quyết định làm việc với họ và ngay từ đầu APO, KDI, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các bên liên quan trong nước đã hợp tác hết sức chặt chẽ. Việc xây dựng kế hoạch tổng thể là một công việc tốn nhiều thời gian và công sức từ khâu lập kế hoạch dự án, phân tích, chẩn đoán và thẩm định kết quả. Nhưng cuối cùng chúng tôi đã làm được và tất cả là do có sự phối hợp tốt giữa các bên, đây là điều mà chúng tôi rất biết ơn KDI và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Chúng tôi cũng gặp một số thách thức tuy nhiên vì chúng tôi đã luôn luôn liên lạc và làm việc cùng nhau nên cuối cùng đã hoàn thành được mục tiêu hỗ trợ đặt ra.

Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg. Theo quan điểm của APO, Kế hoạch này sẽ mang lợi những lợi ích và thay đổi như thế nào cho Việt Nam trong 10 năm tới? Và trong thời gian tới, APO tiếp tục có những hỗ trợ ra sao để giúp Việt Nam triển khai thành công kế hoạch này?

Theo tôi, Kế hoạch tổng thể cung cấp cho Việt Nam một loạt các mục tiêu mang tính định lượng và định tính. Kế hoạch cũng giúp định hướng lại các nguồn lực, chiến lược và cung cấp một lộ trình triển khai. Trên thực tế, các yếu tố quyết định năng suất đồng thời cũng là các yếu tố quyết định phúc lợi xã hội, giúp cải thiện phúc lợi xã hội và mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Tôi cho rằng kế hoạch tổng thể sẽ giúp mang lại nhiều phúc lợi xã hội và thịnh vượng cho nền kinh tế tổng thể. Tôi tin rằng trong 10 năm tới Việt Nam sẽ có năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn và đổi mới sáng tạo hơn. Đây là điều mà Chính phủ và đất nước các bạn luôn luôn hướng đến.

Hiện tại, tôi cho rằng chúng ta cần tập trung vào việc triển khai Kế hoạch tổng thể vì như người ta thường nói, việc lập kế hoạch chỉ quyết định 15% thành công và phần còn lại sẽ tùy thuộc vào cách thức mà chúng ta triển khai công việc. APO sẽ luôn luôn là đối tác của Việt Nam trong hành trình nâng cao năng suất. Chúng tôi sẽ luôn song hành cùng Việt Nam trong quá trình triển khai và thậm chí là hơn thế nữa. Có lẽ chúng tôi sẽ có thêm hình thức hợp tác khác, một loại hỗ trợ khác theo hình thức chương trình trong nước và dành riêng cho Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Tùng

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nang-cao-nang-suat-dua-tren-nen-tang-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-huong-di-dung-dan-ben-vung-d183934.html