Nâng cao năng suất lao động tại Việt Nam: Cần khuyến khích các mô hình kinh tế mới

Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nêu quan điểm rằng, cần có cơ chế khuyến khích những mô hình kinh tế mới trên nền tảng của cuộc cách mạng số nhằm nâng cao năng suất lao động Việt Nam.

Sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia

Thời gian qua, thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, NSLĐ của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN.

Cụ thể, với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động); tính theo giá so sánh, tăng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016-2018, NSLĐ tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, NSLĐ tăng bình quân 4,88%/năm…

Tính theo sức mua tương đương (PPP 2011), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 4,8%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của nhiều nước trong khu vực. Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến cho mức năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chẳng hạn, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ. Với xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, việc thu hẹp khoảng cách tương đối về thu nhập bình quân và năng suất lao động của Việt Nam với các nước thời gian qua là một thành tựu đáng ghi nhận nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối về giá trị năng suất lao động so với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực nhưng còn chậm. Các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất động lực hay huyết mạch của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, du lịch của nước ta còn chiếm tỷ trọng thấp.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, đối với một quốc gia, tăng trưởng GDP nếu chỉ dựa trên tăng việc làm giản đơn, trình độ công nghệ và tay nghề lao động thấp thì thường không cao và thiếu bền vững. Trong khi tăng trưởng GDP theo hướng tăng năng suất lao động tuy là thách thức lớn (nhất là đối với một nước mà đội ngũ lao động có tư duy nông nghiệp lâu đời và tỷ lệ lao động qua đào tạo không cao như Việt Nam), nhưng đây lại là hướng đi có tiềm năng để tạo ra tăng trưởng cao, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng: Trong bối cảnh tự do hóa thương mại và Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển, đây vừa là cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế, nhưng cũng đưa đến nguy cơ Việt Nam dễ “bị bỏ lại xa hơn” các quốc gia trên thế giới nếu không có định hướng phát triển đúng và giải pháp hiệu quả. Một trong những điểm nhấn căn bản để thúc đẩy tăng trưởng, chính là cải thiện năng suất lao động.

Vì thế, đại diện Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia, trong đó thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam. Cử các đoàn sang học tập kinh nghiệm của Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc để áp dụng vào Việt Nam.

Ngoài ra, khu vực doanh nghiệp chiếm vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế; nâng cao năng suất lao động khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các mô hình kinh doanh mới cần được khuyến khích

Đóng góp quan điểm về giải pháp nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đưa ra báo cáo cho rằng cần có cơ chế khuyến khích những mô hình kinh tế mới trên nền tảng của cuộc cách mạng số nhằm nâng cao năng suất lao động sẽ tạo cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh, qua đó đạt được những mục tiêu phát triển của mình.

Theo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, thế giới hiện nay đang bước vào kỷ nguyên số. Nhờ cuộc cách mạng số - nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - nên có sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa thế giới thực và không gian số. Hiện có khoảng 20 tỷ vật thể và 4,5 tỷ người đã được kết nối qua internet. Dự kiến đến năm 2025 sẽ có khoảng 50 tỷ vật thể và và hơn 6 tỷ người sẽ được kết nối. Internet kết nối vạn vật giúp dữ liệu lớn bùng nổ. Đây chính là mảnh đất màu mỡ giúp cho các mô hình kinh tế mới ngày càng nở rộ.

Thực tế cho thấy, các mô hình kinh tế mới dựa vào internet và công nghệ số (kinh tế chia sẻ; thương mại điện tử; thanh toán điện tử,…) đang phát triển trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và tác động mạnh mẽ đến thế giới đương đại nhờ tạo ra những phương thức sản xuất, kinh doanh mới ưu việt hơn các phương thức truyền thống. Sự lan tỏa của các mô hình này đang phá vỡ cơ cấu cũng như phương thức sản xuất kinh doanh truyền thống trong nhiều ngành của nền kinh tế, giúp tăng năng suất lao động, hiệu quả cũng như gia tăng chất lượng, giảm đáng kể giá cả để qua đó nâng cao phúc lợi của người dân.

Đến nay chưa có một nghiên cứu thực chứng về tác động của các mô hình kinh doanh mới này đến năng suất lao động trong toàn nền kinh tế song các nghiên cứu đơn lẻ đã đưa ra một số bằng chứng về sự tác động tích cực của chúng đối với năng suất lao động trong một số lĩnh vực hay doanh nghiệp có sự áp dụng các mô hình kinh doanh mới này. Bởi vậy các mô hình kinh doanh mới cần được khuyến khích phát triển, cụ thể:

Thứ nhất, thúc đẩy ứng dụng điện toán đám mây nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt cần khuyến khích các doanh nghiệp thuần Việt cung cấp các dịch vụ này, giảm thiểu việc nguồn tài nguyên số hết sức quý báu hiện nay chủ yếu do các tập đoàn lớn của nước ngoài nắm giữ.

Thứ hai, thúc đẩy thương mại điện tử để giúp tăng cường sự kết nối giữa các nhà sản xuất với người mua, dỡ bỏ rào cản địa lý ở rất nhiều lĩnh vực, tạo thêm cơ hội tham gia vào quá trình tăng trưởng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp các doanh nghiệp này cắt giảm chi phí, tăng năng suất lao động. Thúc đẩy tài chính kỹ thuật số nhằm cắt giảm chi phí giao dịch và phát triển tài chính bao trùm. Tương tự như trên, cần có chiến lược để các doanh nghiệp thuần Việt gia tăng thị phần trong lĩnh vực này.

Thứ ba, đẩy nhanh quá trình số hóa trong kết nối trong nội bộ Nhà nước, giữa Nhà nước với doanh nghiệp và với người dân để hướng tới Chính phủ số hiệu quả.

Thứ tư, khuyến khích các thử nghiệm thể chế để mở đường cho các ngành kinh tế mới, các mô hình kinh doanh mới sáng tạo.

Cũng như ở nhiều nước trên thế giới, những mô hình, phương thức kinh doanh mới gắn với cuộc cách mạng số và các công nghệ đột phá khác của cách mạng công nghiệp 4.0… vẫn còn thiếu các thể chế phù hợp. Đối với một số lĩnh vực, phương thức mới này cần áp dụng các mô hình thử nghiệm thể chế, chính sách (sandbox) với thời gian, không gian cụ thể. Đây chính là những phòng thí nghiệm thể chế đóng vai trò hết sức quan trọng trước khi đưa các thể chế, chính sách mới áp dụng trên diện rộng, qua đó giúp tăng năng suất lao động trong toàn bộ nền kinh tế.

Bảo Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nang-cao-nang-suat-lao-dong-tai-viet-nam-can-khuyen-khich-cac-mo-hinh-kinh-te-moi-d162701.html