Nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh

ĐBP - Nhằm góp phần xây dựng ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh; phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập vào môi trường học đường, ngành giáo dục và đào tạo huyện Điện Biên đã thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực.

Một cảnh trong tiểu phẩm “Lời ru, buồn ơi là buồn” của Chi đoàn 10A3 và 11B7, Trường THPT huyện Điện Biên trong chương trình ngoại khóa “Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên” năm học 2022 - 2023.

Tại buổi sinh hoạt ngoại khóa đầu năm học 2022 - 2023, Trường THPT huyện Điện Biên tổ chức diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”. Buổi sinh hoạt diễn ra trong không khí cởi mở, các thầy cô giáo cùng học sinh trao đổi, thảo luận thẳng thắn các vấn đề: Thế nào là bạo lực học đường; nhận diện các dạng bạo lực qua các ví dụ cụ thể, có thật, hậu quả của từng sự việc để học sinh hình dung ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề bạo lực học đường... Đồng thời phổ biến các kỹ năng phòng, chống bạo lực qua các tình huống cụ thể như: Kỹ năng xử lý trong trường hợp tiền bạo lực (cách hóa giải mâu thuẫn, giảm căng thẳng); kỹ năng xử lý khi bạo lực xảy ra, cách bảo vệ cơ thể, tìm kiếm sự trợ giúp… Ban tổ chức còn chú trọng phổ biến luật pháp thông qua phần câu hỏi giao lưu có thưởng với học sinh để giúp học sinh ý thức được việc xâm phạm thân thể, tinh thần người khác là vi phạm luật pháp. Qua đó giúp học sinh nhận thức rõ hơn về giá trị của tình bạn và xác định rõ trách nhiệm của bản thân trong quan hệ bạn bè, ý nghĩa quan trọng của tình bạn đối với việc hình thành nhân cách của mỗi cá nhân.

Em Lò Thị Mai, học sinh lớp 12C chia sẻ: Thông qua các buổi ngoại khóa, truyền thông do trường tổ chức chúng em đã được tiếp thu những kiến thức mà lâu nay chúng em chưa biết đến và chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết để bước vào cuộc sống.

Chị Nguyễn Lan Anh, Bí thư Đoàn trường cho biết: Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, Đoàn trường cùng với các tổ bộ môn lựa chọn nhiều hình thức tuyên truyền PBGDPL thông qua các buổi chào cờ, giờ sinh hoạt lớp, các giờ học ngoại khóa, trên website của trường, qua tin nhắn SMS... Định kỳ, trường lựa chọn các chủ đề như: Phòng chống tác hại thuốc lá; phòng cháy, chữa cháy; phòng chống bạo lực học đường; nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ... để lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho giáo viên và học sinh. Hình thức thực hiện sinh động, dễ tiếp thu như xây dựng tiểu phẩm sân khấu hóa do chính học sinh thể hiện, đưa vào bài giảng giáo dục kỹ năng sống, các giờ ngoại khóa... từ đó các em được rèn luyện, trưởng thành và nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân.

Để giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn giao thông, vào dịp đầu năm học, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an huyện Điện Biên) đã phối hợp với 39 trường học trên địa bàn tổ chức hàng trăm lượt tuyên truyền, PBGDPL, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn; phòng, chống ma túy học đường; phòng chống mua bán người cho hàng nghìn học sinh cũng như cán bộ, giáo viên. Đa dạng hình thức tuyên truyền, nội dung phong phú sát với thực tiễn đã giúp học sinh cảm thụ nhanh và nhớ lâu hơn. Về phía giáo viên, khi được nghe lực lượng cảnh sát giao thông phổ biến cũng nắm bắt rõ hơn các quy định pháp luật về an toàn giao thông để lồng ghép vào công tác giảng dạy.

Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tự giác tìm hiểu, thực hành pháp luật cho cán bộ, giáo viên và học sinh, hàng năm ngành giáo dục và đào tạo huyện Điện Biên chỉ đạo các trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL. Các nhà trường đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và gia đình học sinh trong công tác tuyên truyền, giáo dục, chủ động phòng ngừa kết hợp với đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 100% trường học đã xây dựng kế hoạch PBGDPL và kịp thời phổ biến các quy định pháp luật đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh. Tích cực phối hợp với các cấp Đoàn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, PBGDPL cho học sinh; xây dựng các mô hình câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật, các “Tủ sách pháp luật” trong trường học; phát huy hiệu quả của “Hòm thư góp ý”, “Hòm thư tố giác tội phạm”, website của nhà trường, mạng xã hội facebook... để thu thập nhanh các thông tin, phối hợp xử lý kịp thời.

Bài, ảnh: Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phap-luat/203855/nang-cao-nhan-thuc-phap-luat-cho-hoc-sinh