Nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân để giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thuộc BĐBP Lai Châu đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động quần chúng, chủ động đưa cán bộ bám nắm địa bàn thực hiện nhiệm vụ chính trị. Các đồn Biên phòng đã tích cực đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân phù hợp tình hình thực tế địa bàn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Thu Lũm xuống bản tuyên truyền pháp luật cho người dân. Ảnh: Trí Minh

Chuyển biến tích cực về nhận thức chính sách, pháp luật của người dân

Trên đường đến bản Là Si, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, chúng tôi được Thiếu tá Lê Minh Chức, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thu Lũm cho biết: Thu Lũm là xã biên giới có vị trí chiến lược quan trọng của huyện Mường Tè và của tỉnh Lai Châu. Xã có 9 bản đều nằm sát đường biên giới, có trên 500 hộ dân, trên 2.490 nhân khẩu, đây là địa bàn chung sống của 3 dân tộc Hà Nhì, La Hủ và Dao.

Xác định công tác tuyên truyền, vận động là một trong những yếu tố quan trọng để đơn vị thực hiện thắng lợi công tác biên phòng, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ an ninh trật tự, chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia.

Trong buổi tuyên truyền về chống xuất, nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê tại bản U Ma, xã Thu Lũm, cán bộ Biên phòng đã dùng loa kéo, phát tờ rơi, tổ chức văn nghệ để bà con đến xem và nghe. Thiếu tá Phạm Minh Trí, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Thu Lũm chia sẻ: "Cùng với tuyên truyền về hệ lụy nguy hại của hành vi xuất, nhập cảnh trái phép, chúng tôi đã lồng ghép tuyên truyền về các văn kiện pháp lý bảo vệ biên giới. Do nắm được những đặc điểm tâm lý và phong tục, tập quán của bà con, chúng tôi lựa chọn nội dung tuyên truyền ngắn gọn, cụ thể và dễ hiểu nhất. Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn không còn hiện tượng vượt biên trái phép”.

Tiếp tục chuyến công tác, chúng tôi đến với Phong Thổ vào những ngày cuối tháng 9, trên những quả núi bạt ngàn màu xanh của cây rừng, chúng tôi còn chiêm ngưỡng được những thửa ruộng bậc thang vàng óng của mùa lúa chín. Tại thửa ruộng lúa chín vàng trĩu của mình, được cán bộ Biên phòng giới thiệu, chúng tôi nói chuyện với Sùng A Dê, ở bản Hang É, xã Pa Vây Sử đang cùng gia đình thu hoạch lúa. Được biết, đây là mùa lúa thứ hai mà gia đình A Dê có được niềm vui no đủ, vụ mùa bội thu sau nhiều năm vật lộn với khó khăn, đói nghèo.

Gặp chúng tôi, Sùng A Dê kể lại những tháng ngày khó khăn, đói nghèo của mình: "16 tuổi, tôi lấy vợ. Lần lượt 3 đứa con ra đời nên cái đói, cái nghèo bủa vây và bám riết lấy cuộc sống gia đình. Khi có người đến tận nhà bảo tôi không phải thờ cúng tổ tiên nữa, chỉ cần đi cầu nguyện sẽ có cái ăn, cái mặc, tuần nào cũng vậy, tôi và bà con trong bản cứ đi cầu nguyện mãi mà chẳng thấy lúa ngô, trâu bò đâu mà chỉ thấy đói nghèo cứ đeo bám lấy gia đình. Hai năm qua, được cán bộ Biên phòng tuyên truyền, vận động, tôi đã không đi cầu nguyện nữa, quay về thờ cúng tổ tiên và được cán bộ hướng dẫn trồng lúa, trồng rau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đời sống kinh tế ngày càng khá lên".

Thiếu tá Đinh Danh Cẩn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Dào San cho biết: Lợi dụng nhận thức còn hạn chế của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, kẻ xấu đã xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền đạo trái pháp luật và hệ quả là nhiều gia đình người Dao, Mông trên địa bàn nghe theo chúng. Bà con đã bỏ phong tục truyền thống của cha ông để lại, tin vào “cầu nguyện, sẽ có lúa, ngô, trâu, bò mà không cần làm việc cũng có ăn". Gia đình có người bị ốm, bệnh tật không cần đến trạm y tế khám và điều trị mà chỉ cầu nguyện, bệnh sẽ khỏi. Tình trạng trên đã dẫn tới nhiều hệ lụy trong cộng đồng.

Trước thực trạng này, đơn vị đã tổ chức lực lượng phối hợp cùng các đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân quay về với phong tục truyền thống, thờ cúng tổ tiên, ông bà. Cùng với đó, đơn vị còn cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ gia đình trồng lúa, trồng rau màu phát triển kinh tế. Đến nay, đã có nhiều hộ thoát đói nghèo, có của ăn, của để như gia đình A Dê.

Sát cánh cùng BĐBP bảo vệ biên giới

Theo báo cáo của Đồn Biên phòng Thu Lũm về công tác dân vận, năm 2023, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác bám, nắm tình hình địa bàn. Hiện, trên địa bàn đơn vị quản lý không có các nhóm đạo, không còn tình trạng tuyên truyền đạo trái pháp luật, an ninh trật tự địa bàn ổn định, được giữ vững.

Để có được điều này, Thiếu tá Phạm Minh Trí chia sẻ: Mô hình nhân dân tham gia tự quản đường biên, mốc giới do đơn vị và chính quyền địa phương phối hợp đã thu hút 7 tập thể và 30 cá nhân tham gia; có 9 tập thể với 45 cá nhân tham gia tự quản an ninh trật tự thôn, bản. Nhân dân tại 9 bản/520 hộ thuộc xã Thu Lũm đã ký cam kết thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới"...

Ông Chu Lòng Hừ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thu Lũm chia sẻ: Thời gian qua, cán bộ Biên phòng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động tham gia cùng BĐBP tuần tra, bảo vệ biên giới, nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại Thu Lũm được củng cố. Hiện nay, có 9 cán bộ đảng viên của đồn tham gia sinh hoạt tại 9 chi bộ xã, bản; 22 đảng viên đồn Biên phòng phụ trách 123 hộ gia đình ở khu vực biên giới... Nhờ vậy, người dân đã có ý thức chủ động quan sát, cảnh giác nếu thấy dấu hiệu bất thường, có người nhập cảnh trái phép chủ động báo với Biên phòng và cấp ủy, chính quyền xã.

Đối với ông Vàng A Da, Trưởng bản Pho 2, xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ, việc người dân thường xuyên tham dự những buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật do BĐBP tổ chức đã trở thành nền nếp và là một hoạt động sinh hoạt cộng đồng bổ ích. Ông bộc bạch: "Rất thường xuyên và đều đặn, chúng tôi được mời cùng BĐBP xuống bản tuyên truyền cho bà con chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, nói không với tệ nạn xã hội, như vậy mới có điều kiện phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình".

Hoàng Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nang-cao-nhan-thuc-phap-luat-cho-nhan-dan-de-giu-vung-chu-quyen-an-ninh-bien-gioi-post467786.html