Nâng cao nhận thức, trách nhiệm

Những ngày gần đây, nỗi lo lắng về chất lượng bữa ăn bán trú ở trường học lại dấy lên khi xảy ra vụ việc hàng trăm học sinh Trường Hội nhập quốc tế iSchool Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) bị ngộ độc thực phẩm sau khi dùng bữa trưa tại trường, trong đó có 1 học sinh đã tử vong. Không lo sao được, bởi nếu bữa ăn bán trú không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, không đủ dinh dưỡng… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thể chất, tinh thần của trẻ đang độ 'tuổi ăn, tuổi lớn'…

Thực tế, vấn đề an toàn thực phẩm trong bữa ăn học đường luôn được ngành Giáo dục, các nhà trường và đặc biệt là các bậc phụ huynh quan tâm. Ngay từ đầu mỗi năm học, các nhà trường đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện các điều kiện tổ chức bữa ăn bán trú; đồng thời phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện công tác này với quy trình chặt chẽ, nhằm mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn thực phẩm và chất lượng dinh dưỡng bữa ăn bán trú cho học sinh.

Tuy vậy, với những gì xảy ra trên thực tế, dù chỉ là những vụ việc hy hữu, nỗi lo mất an toàn thực phẩm trong bữa ăn bán trú vẫn còn đó. Những lo lắng, bức xúc của các phụ huynh Trường Hội nhập quốc tế iSchool Nha Trang trong những ngày này cho chúng ta thấy tất cả điều đó…

Vấn đề cần đặc biệt quan tâm hiện nay với bữa ăn bán trú là phải kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Với những quy định hiện hành, các nhà trường, nhất là những người tổ chức bữa ăn cần tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Nói cách khác, quy trình an toàn vệ sinh bếp ăn bán trú trường học phải bắt đầu từ người đầu bếp, với ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Tiếp đến, nguyên liệu chế biến bữa ăn phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đã được kiểm dịch, kiểm định và cần sử dụng, bảo quản đúng cách.

Các ngành chức năng, đặc biệt là chính quyền các địa phương, với vai trò, trách nhiệm của mình cần tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục. Qua đó chấn chỉnh, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Cùng với đó, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của học sinh để nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh.

Một vấn đề nữa rất cần quan tâm là tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền từ nguồn nước; thường xuyên huy động đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh tham gia vệ sinh khuôn viên sân trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải xung quanh sân trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học; duy trì hiệu quả các hoạt động bảo dưỡng công trình nước sạch, vệ sinh trong các cơ sở giáo dục, bảo đảm việc vận hành ổn định, an toàn, không ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt của học sinh.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chăm sóc học sinh, bao gồm việc tổ chức tốt bữa ăn bán trú trường học là thực hiện mục tiêu cao cả “vì tương lai con em chúng ta”.

Bắc Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1048370/nang-cao-nhan-thuc-trach-nhiem