Nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường

Đó là thông điệp của triển lãm 'We are seeds of change' vừa tổ chức tối 12/5 tại Hà Nội. Triển lãm do UNESCO cùng Touch Vietnam và các đơn vị đồng hành: Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Touch Blue, CLB RMX Art, Coong Media cùng thực hiện.

 Tranh của họa sĩ nhí Vũ Thị Phương Anh - Lớp 6A3, trường THCS Gia Quất - 1 trong số gần 200 bức tranh chủ đề môi trường của học sinh các trường ở Hà Nội được trưng bày tại triển lãm.

Tranh của họa sĩ nhí Vũ Thị Phương Anh - Lớp 6A3, trường THCS Gia Quất - 1 trong số gần 200 bức tranh chủ đề môi trường của học sinh các trường ở Hà Nội được trưng bày tại triển lãm.

Để thông điệp đó thực sự đi vào cuộc sống thì cần sự chung tay của cả cộng đồng mỗi ngày. Trong đó, nâng cao tư duy của từng cá nhân, đặc biệt lứa tuổi thanh thiếu niên là một trong những giải pháp bền vững.

Sản phẩm đĩa lá ép từ lá tra khô và túi làm từ các mảnh lưới thừa rất thu hút mọi người tham gia triển lãm.

Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên toàn quốc là khoảng 64.658 tấn/ngày (khu vực đô thị là 35.624 tấn/ngày và khu vực nông thôn là 28.394 tấn/ngày). "Chúng ta là những hạt mầm thay đổi" mang đến hy vọng về một thế giới xanh hơn, tươi đẹp hơn. Chương trình như một show diễn nghệ thuật kết hợp. Các thông điệp về ô nhiễm rác thải, bảo vệ môi trường được các họa sĩ nhí là học sinh của các trường THCS tại Hà Nội thể hiện trong khoảng 200 bức tranh, các nghệ sĩ, họa sĩ sáng tạo, sắp đặt, trình diễn.

"Chuỗi hoạt động "We are seeds of change" là một trong những hoạt động hưởng ứng chương trình "Thành phố Sáng tạo" của Thành phố Hà Nội. Đây là một sân chơi cho mọi lứa tuổi, nơi mỗi cá nhân có thể đóng góp sự sáng tạo của mình để tạo nên những tác phẩm truyền tải những thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường", bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa - Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, chia sẻ.

Nhiếp ảnh gia Trương Đại Dương (giữa) với những bức ảnh cảnh báo ô nhiễm môi trường, khẳng định "Ai cũng có thể thay đổi môi trường từ những hành động nhỏ. Mỗi người có thêm một chút ý thức, lựa chọn các giải pháp bền vững thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần là cách để bảo vệ môi trường hữu hiệu. Thậm chí, đổ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh chung cũng là những hành động nhỏ quan trọng".

Chị Thiên Bình, sáng lập Touch Blue, bày tỏ: "Ô nhiễm nhựa đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng với môi trường và sinh vật biển. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội toàn cầu. Việc nâng cao ý thức của người dân là vấn đề rất cấp thiết. Chúng ta chỉ có một hành tinh, một ngôi nhà trái đất, hãy hành động để lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường".

"Em hy vọng những bức tranh về môi trường của em sẽ giúp mọi người thêm yêu thiên nhiên và môi trường. Khi chúng ta yêu thì chúng ta sẽ có nhiều ý thức hơn để làm trong lành môi trường sống của chúng ta", họa sĩ nhí Lương Bảo Hiền, học sinh lớp 5, chia sẻ suy nghĩ của mình.

Họa sĩ nhí Hồ Nguyễn Bảo Anh, 7 tuổi, học sinh lớp 2A6, trường PTLC Vinschool the Harmony cũng chung suy nghĩ đó: "Bức tranh Hãy bảo vệ biển này em vẽ trong 1 tiếng nhưng em đã nghĩ suốt 2 ngày. Em nghĩ về biển nhiều rác thải, nhiều cá chết. Em muốn mọi người xem tranh xong sẽ muốn bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật dưới nước".

Thảo Chi

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nang-cao-nhan-thuc-va-su-tham-gia-cua-cong-dong-trong-bao-ve-moi-truong-2023051308341424.htm