Nâng cao nhận thức về khám sức khỏe tiền hôn nhân trong giới trẻ

Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 22.000 - 30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Trong số các dị tật, có các bệnh phổ biến như: Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác. Những dị tật này có thể phát hiện và can thiệp kịp thời, tránh hệ lụy nặng nề về sau khi thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn cũng như sàng lọc trước và sau khi em bé chào đời.

Tư vấn, khám sàng lọc tổng quát để tăng cường phát hiện, chẩn đoán và điều trị các bệnh trong cộng đồng cho người dân huyện Mường Lát.

Bà Nguyễn Thị Lộc, Trưởng Phòng Dân số, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, cho biết: Khám sức khỏe tiền hôn nhân có rất nhiều lợi ích, hạn chế được tỷ lệ mắc các dị tật bẩm sinh do di truyền từ cha mẹ, điển hình là bệnh tan máu bẩm sinh. Bên cạnh đó, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp điều trị kịp thời các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục; giúp các bác sĩ có thể đánh giá được khả năng sinh sản và hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến sinh sản một cách kịp thời. Tuy nhiên, tình trạng thờ ơ với khám sức khỏe tiền hôn nhân đang là hạn chế của số đông các bạn trẻ hiện nay. Trên thực tế nhiều người lâu nay vẫn còn tâm lý e ngại khám sức khỏe trước khi kết hôn, do sợ nếu phát hiện bệnh sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi, thậm chí có người còn cho là chỉ nghi ngờ nhau mới phải khám. Tất cả những suy nghĩ này vô hình chung đã tạo nên rào cản, khiến ý nghĩa của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân trở thành nỗi lo sợ, ám ảnh đối với nhiều bạn trẻ.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng, ý nghĩa thiết thực của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, những năm qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe cho các bạn trẻ, trong đó có mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”. Đến nay, mô hình đã mở rộng tại 46 xã thuộc 8 huyện là Bá Thước, Lang Chánh, Như Xuân, Thường Xuân, Đông Sơn, Hà Trung, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, thu hút hơn 1.700 người ở lứa tuổi vị thành niên và thanh niên tham gia sinh hoạt.

Để mô hình phát huy hiệu quả, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện hướng dẫn các trạm y tế phối hợp với các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là hội phụ nữ và đoàn thanh niên thành lập câu lạc bộ làm nơi tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, mô hình còn tổ chức khám miễn phí cho các cặp đôi chuẩn bị kết hôn, đặc biệt, ưu tiên những đối tượng thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, các cặp đôi sẽ được khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm viêm gan B, được tư vấn nếu cần khám chuyên sâu hơn về sức khỏe sinh sản (SKSS). Nhờ đó, các mô hình đã thực sự trở thành cầu nối, giúp các bạn trẻ có điều kiện giao lưu, trao đổi, tư vấn về những vấn đề liên quan đến SKSS/KHHGĐ, tình bạn khác giới, tình yêu, tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và các vấn đề cần biết trước khi kết hôn.

Chị Nguyễn Thị Mai, xã Bình Lương (Như Xuân) chia sẻ, qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ sức khỏe tiền hôn nhân, nói chuyện chuyên đề và tư vấn kiến thức về giới, SKSS, hôn nhân gia đình..., tôi đã tích lũy thêm nhiều kiến thức về chăm sóc SKSS và sự cần thiết của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Do đó, khi chuẩn bị kết hôn đã chủ động đề nghị bạn trai cùng đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, được biết: Đây là mô hình thiết thực, giúp nhiều bạn trẻ có cơ hội tiếp cận kiến thức về chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân. Đồng thời mô hình cũng đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác DS-KHHGĐ, chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho những đối tượng trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên. Mô hình đã tổ chức hàng trăm buổi nói chuyện chuyên đề, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia; tổ chức hội nghị tuyên truyền về SKSS, sức khỏe tiền hôn nhân cho ban chỉ đạo công tác dân số huyện, xã và cán bộ phụ trách công tác DS-KHHGĐ xã thuộc các huyện triển khai mô hình, trung tâm y tế phối hợp với ban DS-KHHGĐ các xã, thị trấn tổ chức khám sức khỏe, tư vấn về nguy cơ sinh con bị khuyết tật, dị tật cho các cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn; xét nghiệm viêm gan B và siêu âm cho các cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn; thành lập các câu lạc bộ sức khỏe tiền hôn nhân và duy trì sinh hoạt mỗi quý một lần để trao đổi kiến thức về tình yêu nam, nữ lành mạnh, tình dục an toàn, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, các biện pháp tránh thai phù hợp, nạo phá thai an toàn... Thông qua các buổi sinh hoạt đã giúp các bạn trẻ nhận thức rõ hơn về những lợi ích từ việc chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, nhiều bạn chủ động tìm đến cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng sức khỏe của bản thân trước khi kết hôn.

Thời gian tới, cùng với việc triển khai các hoạt động của mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tiếp tục tập trung các nguồn lực, thực hiện hiệu quả các đề án nâng cao chất lượng dân số, xây dựng và củng cố mạng lưới cung cấp thông tin, tư vấn và dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGÐ để ngày càng có nhiều thanh niên biết và tìm đến với mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Từ đó, trang bị tốt các kiến thức cho bản thân về tình yêu, hôn nhân, gia đình, chăm sóc SKSS... tạo dựng cho bản thân và gia đình một cuộc sống hạnh phúc.

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/nang-cao-nhan-thuc-ve-kham-suc-khoe-tien-hon-nhan-trong-gioi-tre/138331.htm