Nâng cao nhận thức về năng suất chất lượng cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh mới, hợp tác quốc tế thông qua hàng loạt các FTA được ký kết và sự tác động to lớn của cuộc CMCN 4.0 sẽ là một thách thức mới của doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, nâng cao nhận thức về NSCL trong điều kiện mới sẽ giúp doanh nghiệp nhận diện dễ dàng hơn về những rào cản trong bước đường nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhờ các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức về năng suất chất lượng (NSCL) từ Chương trình quốc gia về năng suất chất lượng, nhiều doanh nghiệp đã có sự thay đổi trong quản trị, điều hành cũng như nhãn quan chiến lược về năng suất chất lượng, qua đó giúp doanh nghiệp tiếp cận những hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, cải thiện đáng để hiệu quả sản xuất và kinh doanh.

Doanh nghiệp Việt Nam đã có sự thay đổi nhận thức đáng kể trong hoạt động NSCL

Doanh nghiệp Việt Nam đã có sự thay đổi nhận thức đáng kể trong hoạt động NSCL

Hiện Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, gần đây là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do VN- EU (EVFTA); Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA. Tham gia các hiệp định kinh tế quốc tế trên, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức của việc tăng cường năng lực cạnh tranh và cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2019 với kỳ vọng mang lại động lực phát triển mới cho nhiều ngành kinh tế cũng như xuất khẩu. Hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.

Các hiệp định FTA với các nước sẽ giúp cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Việt Nam cũng có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn. Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam –EU (EVFTA) vừa có hiệu lực vào 1/8/2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt nam có cơ hội thâm nhập vào thị trường EU, nhưng đồng thời đối mặt với thách thức các hàng hóa của Việt Nam phải tuân thủ nhiều hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt, nhất là các mặt hàng đòi hỏi trình độ công nghệ cao.

Với sự hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng này, chắc chắn CMCN4.0 sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế của Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định rằng CMCN 4.0 sẽ đem lại cơ hội cho Việt Nam thu hẹp dần khoảng cách về năng suất với các nước. Tuy nhiên, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi nền sản xuất công nghiệp dựa vào gia công và tăng cường lao động đang chiếm phần lớn trong trong các doanh nghiệp sản xuất.

Để giúp doanh nghiệp Việt Nam khai thác lợi thế cũng như hạn chế bất lợi khi tham gia sâu vào các hiệp định thương mại quốc tế, bảo đảm được sự phát triển bền vững của nền kinh tế, tự thân các doanh nghiệp cần phải tập trung nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn cho chiến lược và mục tiêu dài hạn, Nhà nước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh; nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, trong đó có việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về năng suất chất lượng trong bối cảnh mới.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng tại Việt Nam. Từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp, người tiêu dùng về năng suất chất lượng. Thông qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và từng bước làm chủ các công nghệ quản lý tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Năng lực quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam được nâng lên rõ rệt đang dần thu hẹp khoảng cách về trình độ quản lý giữa doanh nghiệp Việt Nam so với trình độ quản lý của các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo cho sự phát triển và hội nhập thành công của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Qua 10 năm triển khai trên phạm vi toàn quốc, Chương trình đã đóng góp tích cực đưa sản phẩm, hàng hóa Việt Nam thay đổi một bước lớn về chất lượng. Nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình, chỉ tính riêng trong khuôn khổ các dự án do Bộ KH&CN chủ trì thực hiện, đã có khoảng 15.000 lượt doanh nghiệp được phổ biến, đào tạo, hướng dẫn trực tiếp áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng.

Nhờ được hỗ trợ xây dựng, triển khai các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng, nhiều doanh nghiệp đã giảm thiểu các lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng,... góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, chất lượng SPHH thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, cải thiện hình ảnh, thương hiệu và tính cạnh tranh qua đó khẳng định chỗ đứng của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng của nền kinh tế.

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, trong kế hoạch dự kiến của Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2030, công tác truyền thông nâng cao nhận thức về năng suất chất lượng sẽ tiếp tục được triển khai thông qua các hoạt động như: thiết lập báo cáo năng trong suất quốc gia thường niên; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm cải tiến năng suất, đổi mới sáng tạo và áp dụng phương pháp quản trị doanh nghiệp phù hợp với những thay đổi trong bối cảnh CMCN 4.0;

Duy trì và nâng cấp cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin, chia sẻ kiến thức về năng suất chất lượng; giới thiệu các phần mềm hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng... Đặc biệt sẽ chú trọng vào tổ chức các cuộc thi cải tiến năng suất, các hoạt động khen thưởng, tôn vinh tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong phong trào năng suất chất lượng để tạo động lực cho phong trào năng suất phát triển.

Bảo Anh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nang-cao-nhan-thuc-ve-nang-suat-chat-luong-cho-doanh-nghiep-trong-boi-canh-moi-d177112.html