Nâng cao quyền năng của phụ nữ tại nơi làm việc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Đó là chủ đề của Diễn đàn đa phương (MSF) 2019 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới-gia đình-phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) và Samsung Việt Nam cùng phối hợp tổ chức ngày 15-10 tại Hà Nội.

Vẫn tồn tại “khoảng tối” về bất bình đẳng với lao động nữ

Tại Việt Nam, số lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động đạt 22,3 triệu người, chiếm 45,6% lực lượng lao động. Theo bà Vũ Thu Hằng, chuyên gia nghiên cứu độc lập về giới, những tiến bộ công nghệ xung quanh đang thay đổi cách con người làm việc, giao tiếp và sinh hoạt hằng ngày; đồng thời thay đổi bản chất và cấu trúc của việc làm trong tất cả các ngành nghề, nhóm công việc. “Khái niệm “nơi làm việc” trở nên linh hoạt hơn”, bà Hằng cho hay.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi khẳng định dù còn một số rào cản nhưng không quá lo ngại về bất bình đẳng giới ở Việt Nam.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ, chuyên gia Vũ Thu Hằng nhấn mạnh, lao động nữ đang là một trong các đối tượng chịu tác động lớn nhất và chưa được đánh giá đầy đủ. Đây cũng là đối tượng yếu thế và dễ tổn thương hơn do không nhận được sự đối xử công bằng trong nhiều trường hợp và vì thế những đóng góp của họ với xã hội chưa được công nhận tương xứng và thích đáng.

Đồng quan điểm trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, bên cạnh những viễn cảnh tươi sáng đối với phụ nữ Việt Nam nhưng vẫn tồn tại “khoảng tối” về bất bình đẳng. Dù đánh giá Samsung là một doanh nghiệp FDI đối xử tốt nhất đối với lao động Việt Nam nói chung và lao động nữ nói riêng, nhưng ông Bùi Sỹ Lợi vẫn nhấn mạnh xu thế chung đầu tiên mà phụ nữ phải đối diện đó là gặp “cản trở trong tuyển dụng”. Thứ hai bị rào cản trong sử dụng, rào cản trong quá trình phân phối tiền lương. Hiện nay, tiền lương của lao động nữ vẫn thấp hơn lao động nam, thăng tiến chậm hơn… “Đây là những rào cản mà chúng tôi trăn trở để sửa Bộ luật lao động làm sao giảm bớt khoảng cách chênh lệch giữa nữ và nam”, ĐB Bùi Sỹ Lợi nhận định.

Tuy nhiên, ông Lợi cũng cho rằng, dù còn một số rào cản đối với phụ nữ, nhưng “chúng ta không nên quá lo lắng về bất bình đẳng giới tại Việt Nam bởi không có việc gì mà phụ nữ không làm được cả”.

Quan tâm tới lao động nữ là chính sách lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước

Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, thách thức và cả triển vọng mà CMCN 4.0 có thể đem lại cho đối tượng lao động nữ, cũng như doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Sự quy tụ đa dạng ý kiến và thảo luận sâu sắc từ các cơ quan quản lý, các chủ doanh nghiệp, các chuyên gia đầu ngành về kinh tế, kỹ thuật công nghệ, pháp luật, bình đẳng giới… đã góp phần đưa ra các giải pháp ban đầu, đa chiều đối với công tác hoạch định chính sách nhà nước và chính sách của doanh nghiệp, bao gồm thúc đẩy môi trường thuận lợi cho vai trò và tiếng nói của lao động nữ, xây dựng môi trường lao động an toàn và tôn trọng, tăng cường vai trò lãnh đạo nữ, cải thiện tiếp cận nguồn lực và cơ hội công bằng, cũng như vai trò chủ động của lao động nữ trong bắt kịp xu thế để vượt lên trong bối cảnh công việc 4.0... Các thực hành được các bên chia sẻ tại Diễn đàn cũng đem lại các gợi mở về những hành động thiết thực giúp lao động nữ hội nhập và phát huy tốt hơn trong kỷ nguyên số, nơi thách thức trong nhiều trường hợp cũng đồng thời là cơ hội, không chỉ với các bên có trách nhiệm mà còn đối với cả chính lao động nữ.

Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn đa phương (MSF) 2019.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhấn mạnh dành sự quan tâm xứng đáng tới phụ nữ nói chung, lao động nữ nói riêng là chính sách lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là một trong những trọng tâm hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Sự quan tâm đó thể hiện ở việc ban hành các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện và nâng cao điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần, bình đẳng giới, vị thế của lao động nữ tại nơi làm việc, hướng tới đảm bảo sự phát triển toàn diện, bền vững, phát huy đầy đủ giá trị cốt lõi, tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam, phẩm chất cần cù, thông minh, sáng tạo của lao động nữ.

Bài và ảnh: PHƯƠNG LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/nang-cao-quyen-nang-cua-phu-nu-tai-noi-lam-viec-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-4-0-597361