Nâng cao tính cạnh tranh, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 7/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Quốc hội cũng nghe trình bày Tờ trình về việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu; Báo cáo thẩm tra việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu; dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Giá (sửa đổi); dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Công khai, minh bạch trong quản lý phương tiện giao thông

Sáng 7/11, trình bày Tờ trình dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 Chương, 98 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 2 điều, bãi bỏ 12 điều.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, việc sửa đổi Luật là nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; cắt bỏ một số thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian không cần thiết; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân định rõ trách nhiệm trong đấu thầu; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; phòng chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột quy định tại Điều 4 còn một số mặt chưa hợp lý. Dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ dẫn đến phạm vi việc miễn, giảm khá rộng, thời gian áp dụng lại khá dài. Do đó, sẽ dẫn đến tâm lý thiếu công bằng đối với các địa phương khác trong cả nước. Việc này cũng dẫn đến chuyển giá trốn thuế nếu không kiểm soát một cách chặt chẽ. Tác động ưu đãi này có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, dễ thu hút nguồn lực đầu tư giữa các địa bàn trong khu vực Tây Nguyên, tạo kẽ hở cho chuyển giá nội địa của một số doanh nghiệp.

Trình bày Tờ trình về việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện in bị chú bổ sung thông tin về “nơi sinh” vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân. Phía nước ngoài chấp thuận việc in bổ sung thông tin vào hộ chiếu cho công dân, tuy nhiên các nước đề nghị Việt Nam sớm bổ sung thông tin “nơi sinh” vào trang nhân thân. Trước tình hình trên, Chính phủ nhận thấy việc nghiên cứu bổ sung thông tin “nơi sinh” vào trang nhân thân trong hộ chiếu là cần thiết, cần sớm thực hiện. Việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào trang nhân thân trên hộ chiếu sẽ tạo thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực, nhập cảnh, cư trú, làm các thủ tục liên quan ở các nước có yêu cầu in thông tin nơi sinh trong hộ chiếu; việc bổ sung cũng không làm phát sinh thêm thủ tục, chi phí.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho rằng, việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu sẽ bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp ổn định, lâu dài cho công dân Việt Nam khi thực hiện hoạt động nhập cảnh tại các nước. Việc này không làm phát sinh thủ tục hành chính, không gây tốn kém cho công dân. Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với Tờ trình của Chính phủ đề xuất Quốc hội “đưa nội dung trên vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV” và cho rằng việc bổ sung bảo đảm về hình thức văn bản, thể hiện quyết định của Quốc hội.

Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết "Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá". Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) cho rằng, việc này nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước về quản lý phương tiện giao thông; đáp ứng mong mỏi người dân; hài hòa lợi ích cá nhân, doanh nghiệp và nhà nước. Đại biểu cho biết, Nghị quyết đưa ra mức giá khởi điểm chung là 40 triệu đồng, không phân biệt vùng. Đây là quy định hợp lý, đảm bảo công bằng cho người đấu giá trên mọi miền Tổ quốc. Quy định về cấp quyền đăng ký phù hợp, đảm bảo lợi ích của người dân, tuy nhiên cần có sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn, đảm bảo thuận tiện cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Giải trình các vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Trên cơ sở các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ Công an sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến về một số nội dung chính như: tên gọi Nghị quyết, phạm vi thí điểm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, biển số xe được đưa ra đấu giá, giá khởi điểm, tiền đặt trước, việc quản lý, sử dụng tiền thu được thông qua đấu giá, quy trình thủ tục đưa ra đấu giá… "Bộ sẽ tiếp thu nghiêm túc, nghiên cứu kỹ lưỡng để báo cáo lên Chính phủ, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội để tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cử tri, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, báo cáo Quốc hội thông qua theo đúng quy định của pháp luật", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Xây dựng cơ sở dữ liệu cập nhật thường xuyên giá hàng hóa, dịch vụ

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Ninh Bình, Hưng Yên, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chiều 7/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Giá (sửa đổi); dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu.

Thảo luận dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), trước tình trạng thiếu thuốc, khó khăn trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế thời gian qua, đại biểu Nguyễn Tri Thức (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Ban soạn thảo cần có một chương riêng về đấu thầu y tế trong sửa đổi Luật Đấu thầu lần này. Theo đó, dự án Luật hiện tại có việc đấu thầu thuốc, còn 2 mục rất lớn trong ngành Y tế là vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế chưa được quy định rõ; đồng thời, đề xuất phân biệt các mặt hàng y tế với hàng hóa thông thường, phải có định nghĩa riêng bởi hàng hóa y tế là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan tới sức khỏe người bệnh.

Về một số quy định trong dự án Luật Đấu thầu, đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) cho rằng, xây dựng giá để đưa ra đấu thầu rất quan trọng, phải sát với giá thị trường trước khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu. Từ thực tế nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đều được đấu thầu tại hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương và đều phải “làm đi, làm lại” các quy trình giống nhau, mất rất nhiều thời gian, đại biểu Phạm Đức Ấn đề nghị có phương án xây dựng cơ sở dữ liệu cập nhật thường xuyên giá các loại hàng hóa, dịch vụ này làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị, địa phương có căn cứ đấu thầu, rút ngắn được thời gian, quy trình, thủ tục.

Đại biểu Phạm Đức Ấn cũng cho rằng, đối với trường hợp đấu thầu theo giá quy định, thực tế thời gian qua tình hình có những biến động khó lường khiến giá cả biến động, vượt quá giá trúng thầu khiến nhiều dự án giao thông, xây dựng bị đình trệ, chậm triển khai. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có thêm quy định đối với những trường hợp bất khả kháng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm tiến độ các dự án.

Thảo luận về việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu, đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương), việc bổ sung nơi sinh vào hộ chiếu mới để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam là việc làm rất cần thiết. Đại biểu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ đề xuất bổ sung nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Về lâu dài, để giải quyết căn cơ, đại biểu Vũ Huy Khánh đề nghị Chính phủ nghiên cứu, có giải pháp toàn diện về bổ sung thông tin nơi sinh trong tất cả loại giấy tờ xuất nhập cảnh như quy định của Luật Xuất nhập cảnh.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu ý kiến. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Góp ý dự án Luật Giá (sửa đổi), theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội), với tốc độ phát triển nhanh của thị trường, công cụ Quỹ bình ổn giá đang bộc lộ nhiều hạn chế vì về bản chất, quỹ này hoạt động trên cơ chế “tiền từ túi này sang túi khác”, người dân ứng tiền trước để sử dụng vào thời gian sau. Công cụ Quỹ bình ổn giá quá chậm so với tốc độ của thị trường, vì vậy hiệu quả điều chỉnh của quỹ không cao, Quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay là một ví dụ. Mặt khác Quỹ bình ổn giá được hình thành từ nguồn tiền đóng góp của người dân nhưng việc quyết định sử dụng lại do cơ quan nhà nước thực hiện, người dân không tiếp cận được thông tin về việc sử dụng quỹ cho nên thiếu tin tưởng vào sự minh bạch, hiệu quả trong vận hành quỹ. “Dự thảo Luật Giá nên bỏ quy định về Quỹ bình ổn giá”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị.

Tương tự, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nội dung dự án Luật Giá (sửa đổi) vẫn rơi vào tình trạng giống Luật Giá hiện hành và băn khoăn về việc hoàn thành mục tiêu khi xây dựng Luật Giá. “Xây dựng luật giá để phòng ngừa, giải quyết những trường hợp giá cả bất định trên thị trường do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhà nước tiến hành điều tiết. Nhưng quay đi quay lại vẫn là lựa chọn một số mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp kê khai giá, nhà nước đánh giá giá đó có hợp lý hay không. Nếu hợp lý, doanh nghiệp sẽ niêm yết giá đó để bán. Đây là cách Luật Giá hiện hành đang thực hiện”, đại biểu nêu và đề nghị phải xem xét kỹ lại bởi với cách hoạt động này "vốn chưa hợp lý".

Diệp Trương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/nang-cao-tinh-canh-tranh-khac-phuc-tinh-trang-dau-thau-hinh-thuc-20221107201447636.htm