Nâng cao tính đảng để người không hỏng việc, Đảng chóng phát triển

Trong tác phẩm 'Sửa đổi lối làm việc' xuất bản năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: 'Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên.

Tính đảng là gì?

Một là: Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết.

Hai là: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn.

Ba là: Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau…”.

Hiểu khái quát theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên kém tính đảng sẽ làm hỏng việc, đồng thời khiến tổ chức Đảng chậm phát triển.

Tính đảng, chính là sự định hướng suy nghĩ, hành động cho mỗi cán bộ, đảng viên theo mục đích và phương pháp nào cho đúng, cho tốt.

Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích gì khác. Bởi thế, theo Hồ Chí Minh, “nguyên tắc cao nhất của Đảng” là “Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau”.

Để giúp cán bộ, đảng viên hiểu sâu sắc về mối quan hệ lợi ích của cá nhân với lợi ích của Đảng, Người cũng chỉ rõ: “Đảng viên và cán bộ cẩn thận giữ gìn sức khỏe của mình để làm việc. Ham học tập để nâng cao trình độ của mình. Làm đúng cần, kiệm, liêm, chính để dân tin, dân phục, dân yêu. Những lợi ích cá nhân đó rất chính đáng. Đảng mong cho đảng viên và cán bộ như thế.

Song ngoài ra, như ham muốn địa vị, tìm cách phát tài, ra mặt anh hùng, tự cao tự đại, v.v... Đó là đều trái với lợi ích của Đảng”.

Về phương pháp tư duy, cách thức hành động, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rất rõ những điều nên tránh trong quá trình rèn luyện tính đảng:

“Vì kém tính đảng mà có những bệnh sau này:

Bệnh ba hoa,

Bệnh chủ quan,

Bệnh địa phương,

Bệnh hình thức,

Bệnh ham danh vị,

Bệnh ích kỷ,

Bệnh thiếu kỷ luật,

Bệnh hủ hóa,

Bệnh cẩu thả (gặp sao hay vậy),

Bệnh thiếu ngăn nắp,

Bệnh xa quần chúng,

Bệnh lười biếng.

Mắc phải một trong mười hai bệnh đó tức là hỏng việc”.

Tính đảng chính là con đường “tu thân” của mỗi người, là cách thức để làm nên một tổ chức vững mạnh!

Tiếc rằng, mặc dù Đảng ta thường xuyên quan tâm tiến hành xây dựng chỉnh đốn Đảng, song 73 năm qua, những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra năm nào, giờ vẫn còn tồn tại, đồng thời còn có thêm những căn bệnh mới phức tạp hơn.

Không chỉ “bệnh ba hoa” vẫn còn đó, mà xuất hiện thêm những bệnh khác như: Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác… Thậm chí nói và viết không đúng với đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Không chỉ đơn giản là “thiếu kỷ luật”, mà giờ đây đã xuất hiện không ít cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao lợi dụng nhiệm vụ chức trách được giao để chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của pháp luật để trục lợi.

Không chỉ “ham danh vị” mà giờ đây còn xuất hiện bệnh “ham tiền bạc” để rồi kết nối danh vị với tiền bạc đẻ ra bệnh chạy chức quyền mà phía sau đó là hệ lụy làm biến dạng tư cách, đạo đức cán bộ, đảng viên, thậm chí đẩy không ít người vào vòng lao lý.

Không chỉ “bệnh ích kỷ”, “bệnh địa phương”, giờ đây xuất hiện những bệnh mới tinh vi, phức tạp hơn như bệnh bè cánh, “nhóm lợi ích”… gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu sức mạnh tổ chức.

V.v…

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Nhiều tổ chức Đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác…”.

Kém về tính đảng, không chỉ kéo theo “hỏng người”, mà còn gây “hỏng việc” của tổ chức, tổn hại thanh danh của Đảng; và sâu xa hơn, còn tác động tiêu cực tới đạo đức xã hội. Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng” (ngày 26-4-2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội…, trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự”.

Kém tính đảng liên quan tới nhiều căn bệnh. Nếu không kịp thời chữa bệnh, hậu quả sẽ khôn lường.

Làm thế nào để nâng cao tính đảng cho cán bộ, đảng viên?

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy. Có như thế Đảng mới chóng phát triển”.

Phê bình và tự phê bình, trước hết, cần tiến hành trên cơ sở nguyên tắc cao nhất của Đảng là đặt lợi ích chung lên trên hết, trước lợi ích cá nhân. Trong tư duy, hành động, cần kiên trì rèn luyện để tránh không mắc phải những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ ra.

Tự phê bình và phê bình tiến hành trên cơ sở lý tưởng cao đẹp của Đảng, điều này đồng nghĩa phải không ngừng trau dồi công tác học tập, nghiên cứu lý luận để thấu suốt, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, một biện pháp đơn giản và dễ thực hiện nhất là kiên trì học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để tạo kết quả mới từ những việc nhỏ nhất.

Với tổ chức Đảng, thực hiện tốt ba việc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Phải nghiêm ngặt kiểm tra để kiên quyết thực hành các nghị quyết của Đảng; phải lập tức sửa chữa những cá nhân, tập thể sai lầm; phải kiên quyết thực hành kỷ luật Đảng.

Nâng cao tính đảng, không gì khác hơn là giúp hoàn thiện bản thân, làm trong sạch tổ chức Đảng; để Đảng ta “chóng phát triển” như lời Bác dạy.

Long Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chong-tu-dien-bien/977257/nang-cao-tinh-dang-de-nguoi-khong-hong-viec-dang-chong-phat-trien