Nâng cao tính tự chủ và năng lực của cộng đồng

'Cơ chế đặc thù'- là một nội dung mới của Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 được quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 2/12/2016. Mặc dù mơíđược triển khai thực hiện ở một số địa phương nhưng cơ chế này đang cho thấy tác dụng tích cực trong việc nâng cao tính tự chủ và năng lực của cộng đồng.

Những câu chuyện thực tế

Theo Nghị định số 161, UBND các xã sẽ được trực tiếp “trao quyền” thực hiện một số dự án nhóm C có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, phần còn lại do nhân dân đóng góp.

Làm kênh mương tại xã Cao Tân, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn bằng nguồn vốn Chương trình 135

Áp dụng Nghị định 161, năm 2017, UBND huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã giao cho xóm Sáng Trong (xã Đú Sáng) 90 triệu đồng từ nguồn vốn 135 để xây dựng hệ thống mương dẫn nước. Sau khi được tập huấn về các thủ tục, hồ sơ, năng cao năng lực, người dân xóm Sáng Trong đã chung tay xây dựng con mương có chiều dài 140 mét đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra. Nhờ có con mương dẫn nước mới, nhu cầu tưới tiêu cho 60 héc-ta ruộng của xóm Sáng Trong và 3 xóm lân cận đã được giải quyết.

Giống như huyện Kim Bôi, năm 2017, UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã giao vốn 135 để thôn Kon Hia III, xã Đắk Rô Ông chủ động xây dựng nhà rông cho thôn. Trong quá trình triển khai xây dựng nhà rông, mọi người dân trong thôn đều được tham gia, từ thiết kế, chuẩn bị nguyên liệu, đến dựng nhà. Sau một thời gian ngắn, ngôi nhà rông xây dựng theo đúng truyền thống của người Xê Đăng đã được hoàn thành trong niềm vui khôn tả của người dân thôn Kon Hia III…

Kết quả thực hiện nhiều công trình ở các thôn, xã đang cho thấy, việc áp dụng cơ chế đặc thù không chỉ phát huy tính tự chủ mà còn thu hút đồng thuận và sự đóng góp của người dân. Trong đó, nhờ phân cấp và trao quyền, chi phí trung gian đã giảm đi trông thấy, hiệu quả đầu tư hỗ trợ của nhà nước tăng rõ rệt. Trường hợp công trình đường liên thôn ở xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là một ví dụ. Từ nguồn vốn 135 và sự chung tay của người dân, con đường liên thôn đã hoàn thành, giúp 300 hộ dân ở 3 thôn đi lại và vận chuyển hoa quả thuận lợi hơn rất nhiều, trong khi chi phí thực hiện công trình giảm được tới 30%.

Phía sau “cơ chế đặc thù”

Là người có nhiều năm gắn bó với công tác giảm nghèo, ông Hoàng Xuân Thành – Chuyên gia nghiên cứu về giảm nghèo và các vấn đề về phát triển tại Việt Nam – cho biết: Trao quyền bản chất là sự chuyển giao quyền lực từ các cấp cao hơn xuống các xã, thôn, cộng đồng bản và người dân. Kèm theo trao quyền là quyết định sử dụng các nguồn lực của Chương trình 135 và đóng góp của cộng đồng.

Thực tế, không thể phủ nhận tác động tích cực khi áp dụng cơ chế phân cấp và trao quyền. Tuy nhiên, kết quả khảo sát 4 tỉnh: Hà Giang, Hòa Bình, Kon Tum, Bắc Giang mới đây cho thấy: Đến nay, do nhiều yếu tố, chính sách phân cấp và trao quyền vẫn chưa thực sự đạt như kỳ vọng cả ở cấp Trung ương và cấp địa phương.

Đại sứ Ireland tại Việt Nam thị sát công trình đường giao thông tại ấp Giồng Ông Thìn, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh

Báo cáo giữa kỳ thực hiện phân cấp đầu tư Chương trình 135 của 39/46 tỉnh có xã/thôn 135 cho thấy, kết quả phân cấp khá tích cực. Tuy nhiên, chuyên gia Hoàng Xuân Thành khẳng định, kết quả báo cáo là chưa thực chất. Bởi lẽ, kết quả khảo sát ở huyện Kim Bôi và Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) chỉ rõ: Năm 2017, tất cả các xã của 2 huyện này đều “ủy quyền” cho Ban Quản lý cấp huyện làm chủ đầu tư do những bất cập về áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù, lo ngại về năng lực đáp ứng thủ tục hồ sơ công trình cấp xã… Đây cũng là nguyên nhân để cơ chế phân cấp và trao quyền chưa được nhiều địa phương quan tâm, chú trọng.

Theo ông Võ Văn Bảy – Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 của Ủy ban Dân tộc: Những địa phương nào thực hiện tốt phân cấp trao quyền thì năng lực của đội ngũ cán bộ được nâng lên trông thấy, việc thực hiện các chính sách sau đó cũng hiệu quả hơn hẳn. Tuy nhiên, để cơ chế phân cấp và trao quyền đạt mục tiêu đặt ra, phải tăng cường nâng cao năng lực cho cơ sở, cộng đồng và người dân một cách thực chất, theo hướng vừa học vừa làm, gắn với từng công trình, dự án cụ thể. Quan trọng nhất là làm sao để năng lực của cộng đồng được nâng lên qua thực tiễn triển khai chứ không phải qua tập huấn, đào tạo.

HM

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nang-cao-tinh-tu-chu-va-nang-luc-cua-cong-dong-111035.html