Nâng cao tính ứng dụng của đề tài khoa học

Nhờ áp dụng cơ chế đặt hàng và đầu tư có trọng điểm, kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án khoa học sau khi nghiệm thu ngày càng được ứng dụng vào thực tế nhiều hơn, đem lại hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Ứng dụng có hiệu quả

Trước đây, khi có sự cố xảy ra trên lưới điện trung áp, khâu phát hiện điểm xảy ra sự cố đều phải thực hiện thủ công, tập hợp nhiều nhân lực đến hiện trường tìm và cách ly điểm sự cố ra khỏi hệ thống để sửa chữa, mất nhiều thời gian. Từ khi Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (KHPC) tự nghiên cứu, chế tạo lắp đặt thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung áp, bộ phận chuyên trách đã phát hiện sớm điểm sự cố, nhanh chóng khoanh vùng và cô lập khu vực bị sự cố, từ đó rút ngắn thời gian xử lý. Nghiên cứu này giúp ngành Điện không phải mua thiết bị ngoại nhập với giá thành cao nên tiết kiệm chi phí. Hiện nay, thiết bị được Trung tâm Kỹ thuật đo lường tiêu chuẩn 2 và 3 kiểm định, thử nghiệm đạt yêu cầu, được lắp đặt tại các điện lực trên địa bàn tỉnh và thương mại hóa ra thị trường. Đây là kết quả của một nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH-CN) thực hiện dưới hình thức dự án sản xuất thử nghiệm “Chế tạo thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung áp” do UBND tỉnh đặt hàng cho KHPC nghiên cứu.

Nhân viên Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa lắp thiết bị cảnh báo sự cố trên lưới điện.

Được nghiệm thu vào tháng 9-2015, sau một thời gian được giao quyền sở hữu, đề tài “Nghiên cứu tính hiệu quả và an toàn của bóng phủ thuốc Paclitaxel điều trị tổn thương mạch máu nhỏ và tái hẹp trong stent mạch vành” của PGS.TS - bác sĩ Huỳnh Văn Thưởng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được ứng dụng rộng rãi trong ngành Y tế. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số bệnh viện khác như: Nhân dân Gia Định, Bạch Mai… đều sử dụng bóng phủ thuốc trong điều trị, giúp giảm 50% kinh phí so với điều trị thông thường cho bệnh nhân, rút ngắn thời gian điều trị.

Đề tài “Ứng dụng quy trình kỹ thuật trồng táo theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh” của kỹ sư Bùi Văn Binh - Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao, qua thời gian thực hiện, sản phẩm táo thu được tươi, sạch bệnh, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, lợi nhuận tăng 84,5 triệu đồng/ha so với vườn táo truyền thống. Đến nay, trên địa bàn xã đã có một số hộ trồng táo tham gia sản xuất theo hướng VietGap. Theo các hộ gia đình, năng suất táo tăng khoảng 10% so với cách trồng truyền thống, sản phẩm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Ngoài các đề tài trên, hiện nay còn có một số đề tài được ứng dụng thực tế mang lại hiệu ứng tốt như: “Lịch sử giáo dục cách mạng ở Khánh Hòa giai đoạn 1945 - 1975”; “Trồng rau thủy canh theo mô hình vườn treo”…

Cần chú trọng phổ biến kết quả nghiên cứu

Theo ông Huỳnh Kỳ Hạnh, kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, có khoảng 80% đề tài, dự án sau khi nghiệm thu xong được đưa vào ứng dụng thực tế; trong đó có khoảng 20% ứng dụng có hiệu quả cao.

Hiện nay, trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hơn 20 đề tài, dự án khoa học được nghiệm thu kết quả. Hầu hết các đề tài, dự án của tỉnh đều được đặt hàng theo nhu cầu thực tiễn. Đầu mối đặt hàng là UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN). Sở KH-CN tiếp nhận đơn đặt hàng và thông báo rộng rãi cho các tổ chức KH-CN thực hiện tuyển chọn cơ quan chủ trì đề tài theo hình thức đấu thầu. Thế mạnh của cơ chế đặt hàng là các đề tài đã có hướng nghiên cứu cụ thể, có địa chỉ ứng dụng kết quả nghiên cứu, giúp khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, hay nghiên cứu xong không được ứng dụng.

Theo ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở KH-CN, qua 5 năm thực hiện theo cơ chế đặt hàng, tỷ lệ đề tài được đưa vào ứng dụng thực tế cao hơn trước. Song, vẫn còn có đề tài, dự án KH-CN ứng dụng vào thực tế còn chậm và hạn chế. Nguyên nhân một phần do việc phổ biến những kết quả của đề tài sau khi nghiệm thu chưa được quan tâm đúng mức; vẫn còn tình trạng khi nguồn hỗ trợ ban đầu không còn thì người dân bỏ mô hình và trở lại cách thức sản xuất cũ. Mặt khác, hoạt động KH-CN của tỉnh phần nào chưa có sự kết nối hiệu quả giữa nhà khoa học và DN, nông dân. Ngoài ra, các DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu là DN vừa và nhỏ nên việc tiếp cận kết quả nghiên cứu KH-CN gặp khó khăn, nhất là về kinh phí. Hiện nay, có một số lĩnh vực như: Y tế, thủy sản… việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khá nhanh và hiệu quả.

“Để từng bước khắc phục các hạn chế trên, thời gian tới, sở sẽ đẩy mạnh công tác khảo sát nhu cầu thực tế nhằm gắn kết nghiên cứu với sản xuất tại các sở, ngành, DN, khu công nghiệp. Đồng thời, mở rộng phạm vi đối tượng tham gia cơ chế đặt hàng. Trong bối cảnh ngân sách KH-CN còn hạn hẹp, cơ chế đặt hàng sẽ góp phần tăng chất lượng các nhiệm vụ KH-CN và tính thực tiễn, qua đó nâng cao khả năng ứng dụng các nhiệm vụ KH-CN. Về phía các sở, ngành, địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng kết quả KH-CN vào sản xuất; tăng cường kết nối đặt hàng các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm giống cây, con có năng suất, giá trị kinh tế cao, phù hợp với đặc thù từng địa phương”, ông Hạnh nói.

KHÁNH HÀ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/khoahoc-congnghe/201909/nang-cao-tinh-ung-dung-cua-de-tai-khoa-hoc-8130851/