Nâng cao trách nhiệm của BĐBP trong quản lý, bảo vệ rừng

Thực trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép ở khu vực biên giới (KVBG) các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước thời gian qua vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, hiện có hơn 12.600m3 gỗ được tập kết ở phía ngoại biên đối diện với các tỉnh Tây Nguyên. Số gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ này đang 'chờ' để vận chuyển trái phép vào Việt Nam tiêu thụ.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp, BĐBP Gia Lai tuần tra biên giới phối hợp quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Thái Kim Nga

Gỗ lậu “chờ vượt biên”

Từ đầu 2015 đến giữa năm 2017, lợi dụng chủ trương chuyển đổi đất rừng sang trồng cây công nghiệp và dự án làm đường tuần tra biên giới của Lào và Cam-pu-chia, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã lập các hợp đồng khai thác gỗ với số lượng lớn vận chuyển tập kết sát biên giới, sau đó dùng mọi thủ đoạn tinh vi vận chuyển gỗ về Việt Nam tiêu thụ.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trong khi các lối mở trên biên giới chưa được địa phương hoàn chỉnh các văn bản xin ý kiến đề nghị thành lập theo quy định tại Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21-11-2014 của Chính phủ về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền thì chỉ trong quý I năm 2017, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Kon Tum đã nhập khẩu 70.527m3 gỗ.

Phát hiện ra “lỗ hổng” này, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kịp thời có biện pháp xử lý bằng cách chỉ đạo địa phương tạm dừng ngay hoạt động thí điểm nhập khẩu gỗ của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Kon Tum. UBND tỉnh Kon Tum cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện biên giới Sa Thầy và Ia H’Drai phối hợp với BĐBP tỉnh rào lấp các đường mòn vận chuyển gỗ qua biên giới, đồng thời san ủi các bãi tập kết gỗ để trả về nguyên trạng như trước đây.

Trong khi đó, trên tuyến biên giới tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, bằng nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động, các chủ đầu nậu gỗ lậu vẫn rình rập tuồn gỗ về Việt Nam tiêu thụ. Mới đây nhất, vào ngày 27-4-2018, tại thị trấn Ea T’Linh, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, cơ quan chức năng đã tạm giữ 2 xe ô tô tải của Công ty TNHH Thảo Trúc vận chuyển trái phép 37m3 gỗ.

Qua điều tra, xác minh ban đầu cho thấy, số gỗ vận chuyển trái phép nêu trên được các đối tượng trà trộn vào số gỗ hợp pháp được UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép tận thu trong Vườn quốc gia Yok Đôn để qua mắt lực lượng chức năng. Những vụ việc xảy ra trên địa bàn biên giới không chỉ làm tăng mối nguy cơ xâm hại rừng trong vườn quốc gia, rừng phòng hộ vành đai biên giới, mà còn gây mất an ninh trật tự, tạo thêm gánh nặng đối với lực lượng BĐBP.

Nêu cao tinh thần thực thi công vụ

Quán triệt, chấp hành nghiêm chủ trương “đóng cửa rừng tự nhiên” của Chính phủ và những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc “Tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu gỗ từ các nước láng giềng”, BĐBP các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước đã phối hợp với các lực lượng chức năng vào cuộc đấu tranh quyết liệt. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, lực lượng BĐBP đã bắt giữ, xử lý nhiều vụ tàng trữ, vận chuyển gỗ trái phép, góp phần làm giảm đáng kể tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ lậu ở KVBG. Từ đầu năm đến ngày 31-5-2018, các đơn vị BĐBP đã chủ trì và phối hợp bắt giữ, xử lý 90 vụ/101 đối tượng vi phạm lâm luật. Tang vật các đơn vị BĐBP thu giữ lên đến 867m3 gỗ các loại, 5 xe ô tô, 6 máy cày độ chế, 4 máy ủi, 8 xe công nông, 15 xe máy... tổng trị giá khoảng hơn 8 tỷ đồng.

Mặc dù bị BĐBP và các lực lượng chức năng kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý, song tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên KVBG Tây Nguyên vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Các đối tượng vẫn luôn tìm mọi cách “giải phóng” số gỗ đã khai thác hiện vẫn đang tồn ứ ở ngoại biên. Chính vì vậy, công tác đấu tranh chống các hoạt động vi phạm lâm luật trên KVBG các tỉnh Tây Nguyên luôn phải đối diện với hàng loạt khó khăn thử thách. Nhiều đồn Biên phòng quản lý địa bàn có rừng tự nhiên phải chịu áp lực rất lớn trong công tác tham gia phối hợp quản lý, bảo vệ rừng.

Để tăng cường đấu tranh đối với các hoạt động mua bán, vận chuyển gỗ trái phép trên biên giới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo các đơn vị tuyệt đối không để xảy ra các vụ việc liên quan đến gỗ lậu, trong đấu tranh xử lý, không có bất kỳ “vùng cấm” nào đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm. Tất cả các đồn Biên phòng trong tuyến nếu để xảy ra vụ việc phá rừng, hoặc tình trạng mua bán, vận chuyển gỗ trái phép trong địa bàn quản lý sẽ bị xử lý kỷ luật, thậm chí sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là quan điểm nhất quán của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh BĐBP.

Tại Hội nghị triển khai đấu tranh chống hoạt động khai thác, vận chuyển trái phép gỗ trong khu vực biên giới các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước tổ chức tại Đắk Lắk mới đây, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu BĐBP các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước cần tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ biên giới, kết hợp tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị khắc phục ngay những tồn tại, vướng mắc, làm tốt hơn nữa, kiên quyết hơn nữa để giữ rừng và đấu tranh hiệu quả đối với những hành vi vi phạm lâm luật, buôn lậu, gian lận thương mại trên KVBG.

Cũng tại hội nghị này, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP khẳng định, lực lượng BĐBP tiếp tục triển khai quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ rừng và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại ở KVBG. Đồng chí Tư lệnh BĐBP chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên và Bình Phước phải chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương đề ra những giải pháp hữu hiệu để đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên KVBG.

Các đồn Biên phòng tăng cường tuần tra biên giới, kết hợp tuần tra bảo vệ rừng, sẵn sàng phối hợp với lực lượng chuyên trách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, chỉ huy BĐBP tỉnh và các đồn Biên phòng tuyệt đối không làm ngơ, không tiếp tay, không bao che cho các đối tượng buôn lậu, vận chuyển gỗ vi phạm lâm luật...

Cẩm Xuyên - Quốc Dinh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nang-cao-trach-nhiem-cua-bdbp-trong-quan-ly-bao-ve-rung/