Nâng cao trách nhiệm qua tự phê bình và phê bình

Thời gian qua, Tỉnh ủy Bắc Cạn đã tổ chức đợt sinh hoạt 'tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa' theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII ở khắp các cấp ủy đảng. Quá trình thực hiện kiểm điểm nghiêm túc đã góp phần làm thay đổi căn bản nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, từ đó tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực công tác.

Thời gian qua, Tỉnh ủy Bắc Cạn đã tổ chức đợt sinh hoạt “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII ở khắp các cấp ủy đảng. Quá trình thực hiện kiểm điểm nghiêm túc đã góp phần làm thay đổi căn bản nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, từ đó tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực công tác.

Bảo đảm phê bình, kiểm điểm trung thực

Đồng chí Nguyễn Văn Du, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Cạn phân tích, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới việc các địa phương, đơn vị ít chủ động phát hiện được những cán bộ yếu kém, làm sai nguyên tắc là do công tác tự phê bình và phê bình chưa nghiêm túc, còn hình thức, thiếu tính xây dựng. Từ thực tế đó, Thường trực Tỉnh ủy thấy rằng, cần phải triển khai một đợt phê bình, kiểm điểm nghiêm túc theo đúng tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các đồng chí Bí thư và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nêu cao trách nhiệm gương mẫu, tiên phong thực hiện.

Để việc kiểm điểm thực hiện khoa học và bài bản, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 109 về tổ chức đợt sinh hoạt “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa”, yêu cầu cá nhân trong diện kiểm điểm tự xem xét, đánh giá quá trình công tác từ ngày 1-1-2010 đến hết tháng 6-2018. Trong đó, phải tập trung làm rõ những nội dung: bản thân có biểu hiện suy thoái, sa vào chủ nghĩa cá nhân không, nếu có thì ở mức độ nào, phương hướng khắc phục ra sao…; những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình công tác, nhất là với vai trò nêu gương, tinh thần trách nhiệm trong công việc, tác phong làm việc nói đi đôi với làm, phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính; những vấn đề tồn tại, bức xúc của cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được giải quyết dứt điểm…

Các báo cáo “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” được đưa ra cấp ủy cơ sở, đảng đoàn, ban cán sự đảng kiểm điểm, góp ý bổ sung, hoàn thiện và gửi về Tỉnh ủy. Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, nhận xét, gợi ý nội dung “tự soi”, thông báo tới cấp ủy và cá nhân. Từ đó, cá nhân xây dựng kế hoạch hành động tự sửa chữa, khắc phục, đưa ra xin ý kiến tập thể trước khi gửi về Tỉnh ủy. Cấp ủy, tổ chức đảng sẽ theo dõi, giám sát việc thực hiện khắc phục đối với từng cá nhân. Theo cách này, tỉnh Bắc Cạn đạt được nhiều kết quả quan trọng: Đánh giá được độ trung thực của các cán bộ trong kiểm điểm; chỉ rõ trách nhiệm cá nhân đối với những sai phạm, yếu kém, hạn chế ở địa phương, đơn vị, kể cả khi đã chuyển cơ quan khác; nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình; là căn cứ để xem xét xử lý cán bộ nếu vẫn mắc những sai phạm đã chỉ ra; nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm cá nhân, lấy sai sót của người trước đã được chỉ ra làm kinh nghiệm cho người sau.

Qua triển khai cho thấy, nhiều đồng chí thực hiện kiểm điểm nghiêm túc, thành thật nhận trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm. Thí dụ, Ban quản lý dự án quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông lâm nghiệp tỉnh Bắc Cạn (3PAD) được giao ba xe ô-tô, gồm: một xe 16 chỗ, một xe bảy chỗ và một xe bán tải năm chỗ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lái xe Vi Thế Hiếu đã kê khai tăng số chuyến đi công tác, nâng số lượng tiêu thụ xăng, dầu vượt quá mức quy định nhằm trục lợi cá nhân. Hành vi bị phát hiện, lái xe phải tự bỏ tiền thanh toán số lượng xăng, dầu vượt mức. Sau đó, Ban quản lý dự án 3PAD đã họp kiểm điểm, quyết định chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với lái xe này và phê bình các đồng chí liên quan, như: kế toán, lãnh đạo được giao phụ trách duyệt chi thanh toán. Dù sự việc xảy ra đã lâu, đồng chí Giám đốc Ban quản lý dự án 3PAD đã chuyển vị trí công tác, nhưng vẫn nghiêm túc nhận trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm tại đơn vị. Phương án khắc phục của đồng chí là cùng cán bộ đương nhiệm của Ban, bổ sung vào sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án những nội dung nhằm tránh lặp lại sai phạm, như: biện pháp tăng cường hệ thống giám sát; xây dựng quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ; kiểm tra việc thực hiện hằng tháng gắn với kiểm tra đảng viên theo quy định, đánh giá trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu.

Cũng thông qua cuộc sinh hoạt chính trị này, tỉnh Bắc Cạn đã làm rõ trách nhiệm của nhiều cá nhân liên quan các sai phạm, thiếu sót. Năm 2016, tỉnh hỗ trợ ba doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn năm tỷ đồng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ chưa được thực hiện đầy đủ theo đúng quy chế của UBND tỉnh: không lập và phê duyệt danh mục các dự án đầu tư theo quy định; chưa xin ý kiến thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy. Thiếu sót này liên quan nhiều đơn vị, như: UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan, yêu cầu bổ sung vào báo cáo “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa”. Từ đó, xây dựng giải pháp khắc phục, kịp thời thu hồi số tiền hỗ trợ chưa đúng quy định. Bản thân lãnh đạo mỗi đơn vị đều nhận thức rõ sai sót của mình đến đâu, ở khâu nào và vì sao.

Có trường hợp thực hiện chưa nghiêm túc, chưa bảo đảm đúng tính chất kiểm điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiên quyết chấn chỉnh, đó là đồng chí được luân chuyển giữ chức Chủ tịch UBND huyện Ba Bể. Tại đây, đồng chí đã có sai phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý đất đai. Sau này, đồng chí được luân chuyển về lãnh đạo một sở, các đồng chí kế cận phải giải quyết hậu quả để lại. Tuy nhiên, trong báo cáo “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa”, đồng chí không hề nhắc đến khuyết điểm kể trên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ rõ và yêu cầu đồng chí kiểm điểm lại, bổ sung nội dung vào báo cáo. Việc nhận xét, góp ý bảo đảm dân chủ và có minh chứng đầy đủ, cho nên đồng chí đã “tâm phục, khẩu phục” bổ sung.

Tạo nền nếp thường xuyên

Cùng với việc triển khai nghiêm túc ở cấp tỉnh, nhiều huyện đã chủ động thực hiện sớm và mở rộng đối tượng “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” đến cấp xã. Tại huyện Ngân Sơn, nhiều xã quy định thêm đối tượng phải kiểm điểm là các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ xã và trưởng các ngành, đoàn thể cấp xã. Tổng hợp các báo cáo kiểm điểm cho thấy nội dung “tự soi” thể hiện rõ trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và trong những yếu kém, hạn chế của cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Qua đó, nhiều sự việc đã được đưa ra kiểm điểm, cấp có thẩm quyền kết luận, xem xét, xử lý dứt điểm.

Huyện Chợ Đồn có 94 đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý phải tiến hành “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa”. Tuy nhiên, với ý thức tự soi để sửa mình, nhiều chi bộ, cấp ủy cơ sở đã mở rộng đối tượng thực hiện tới các đồng chí cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện cấp ủy cơ sở quản lý. Kết quả, có tới 1.576 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong huyện có báo cáo “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa”. Từng báo cáo được đưa ra tập thể thảo luận, góp ý công khai, dân chủ, giúp cá nhân nhận rõ những việc còn thiếu sót. Huyện Pác Nặm còn có sáng tạo là thành lập tổ tư vấn giúp cấp ủy kiểm điểm sâu, từ đó đề nghị 17 đồng chí viết lại báo cáo kiểm điểm, 25 đồng chí phải bổ sung nội dung do chưa tự giác nhận hạn chế, khuyết điểm.

Theo đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Cạn, tất cả 262 đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có báo cáo “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” đúng tiến độ đề ra. Trong đó, nhiều đồng chí đã tự giác nhận hạn chế, khuyết điểm, sai phạm của bản thân gắn với những hạn chế, vi phạm của cơ quan, đơn vị. Việc tổ chức kiểm điểm được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, dân chủ; không khí thảo luận, góp ý chân thành, xây dựng, không bao che, không lợi dụng bôi xấu, “hạ bệ”. Sau kiểm điểm, từng đồng chí tiếp tục hoàn thiện báo cáo; đồng thời rà soát lại quá trình công tác, xây dựng kế hoạch cụ thể sửa chữa, khắc phục, không để tái diễn khuyết điểm. Tuy nhiên, quá trình triển khai, một số đơn vị vẫn chưa có sự quan tâm, chú trọng đúng mức; một số đồng chí ý thức tự giác chưa cao, không mạnh dạn nhận diện hạn chế, khuyết điểm; có cấp ủy còn nể nang, ngại va chạm. Đồng thời, việc kiểm điểm phải xem xét lại quá trình công tác với thời gian dài (từ tháng 1-2010 đến 6-2018), cho nên đối với những đồng chí đã chuyển công tác, cấp ủy cơ quan mới khó xác thực những nội dung đã thực hiện ở cơ quan cũ.

Đồng chí Nguyễn Văn Du, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, việc “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” đã góp phần rất tích cực chấn chỉnh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; đồng thời là căn cứ để xem xét xử lý nếu cá nhân vẫn tái diễn vi phạm đã chỉ ra. Đối với một số cấp ủy, đơn vị tổ chức kiểm điểm chưa tốt, tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra để bảo đảm việc thực hiện được bài bản và hiệu quả. Tỉnh ủy cũng tiếp tục chỉ đạo sát sao để việc “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” thật sự trở thành nếp thường xuyên và mở rộng thực hiện tới tất cả các xã trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh thực hiện thông báo rộng rãi các kết luận kiểm tra, thi hành kỷ luật qua báo chí và trên cổng thông tin điện tử để nhân dân biết, theo dõi, cũng là cách giúp cho việc “sửa mình” được thực hiện nghiêm túc và làm gương cho các tập thể, cá nhân khác.

Dù còn phải tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện cách thức triển khai cho phù hợp, sát thực tiễn, nhưng có thể thấy việc “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” ở Bắc Cạn đã tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa, một cách làm hay về thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII tại địa phương.

TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40442902-nang-cao-trach-nhiem-qua-tu-phe-binh-va-phe-binh.html