Nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động trong KCN

Trước xu thế hội nhập hiện nay, người lao động trong các KCN trên địa bàn tỉnh phải nỗ lực nâng cao trình độ tay nghề, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, ổn định việc làm, nâng cao thu nhập. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Lao động làm việc tại bộ phận sợi, Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Long (KCN Hải Yên, TP Móng Cái).

Lao động làm việc tại bộ phận sợi, Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Long (KCN Hải Yên, TP Móng Cái).

Gần 20 năm đứng chân tại KCN Cái Lân (TP Hạ Long), Công ty TNHH MTV Nến nghệ thuật AIDI Việt Nam chuyên sản xuất sản phẩm nến xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Do thị trường đòi hỏi sản phẩm nến phải đổi mới mẫu mã, kích cỡ, bao bì phù hợp thị yếu người tiêu dùng, nên Công ty không ngừng đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trước đây, tại Công ty chỉ có một số ít công đoạn sản xuất có máy móc, còn lại là làm thủ công. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, Công ty đưa máy móc vào một số khâu sản xuất, thay thế cho lao động thủ công. Do vậy, đội ngũ lao động cũng phải nâng cao kỹ năng tay nghề, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sản xuất của Công ty. Bà Tăng Minh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Khi tuyển dụng lao động, những ai đã qua đào tạo từ trung cấp trở lên sẽ được ký hợp đồng thử việc và trả lương theo quy định. Đối với lao động phổ thông sẽ phải qua đào tạo 2 tháng bằng hợp đồng học việc. Hằng năm, Công ty tổ chức thi tay nghề định kỳ 6 tháng/lần. Người lao động đạt thành tích tốt sẽ được khen thưởng, còn lao động không đạt sẽ rút kinh nghiệm, đào tạo bồi dưỡng thêm.

Hay như Công ty TNHH Đại Đông Việt Nam (KCN Cảng biển Hải Hà, huyện Hải Hà) cũng rất quan tâm nâng cao năng lực người lao động. Là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản chuyên sản xuất khăn tắm xuất khẩu, Công ty TNHH Đại Đông Việt Nam hiện có 1.400 CNLĐ làm việc ở 4 phân xưởng sản xuất. Bà Đào Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn đến xu thế tự động hóa trong sản xuất là điều tất yếu. Do vậy, đòi hỏi người lao động phải bắt kịp được với xu thế này. Là doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực dệt may, sử dụng nhiều lao động, những năm qua, Công ty đã đưa vào các loại máy móc hiện đại thay thế cho máy móc cũ, hiệu quả thấp, sử dụng nhiều lao động như: Máy thêu công nghiệp; máy khăn công nghiệp... trước đây mỗi máy phải sử dụng 20 lao động, nhưng hiện nay chỉ sử dụng 1 lao động vận hành.

Theo bà Ngọc Anh, hiện nay lao động tuyển dụng thiếu rất nhiều kỹ năng, từ chuyên môn đến ý thức, tác phong công nghiệp. Mỗi lao động tuyển dụng, Công ty phải mất thời gian đào tạo từ 1-6 tháng, tùy vị trí công việc. Có vị trí như cơ khí, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị... phải đào tạo mất 1 năm mới đáp ứng được yêu cầu công việc.

Dây chuyền may, Công ty TNHH Đại Đông Việt Nam (KCN Cảng biển Hải Hà, huyện Hải Hà).

Theo số liệu của Ban Quản lý KKT tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 5 KCN đang hoạt động với tổng số 25.500 lao động. Trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm 60%. Hằng năm, các doanh nghiệp trong KCN đóng góp ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể năm 2019, các KCN trên địa bàn tỉnh đóng góp ước đạt 1.450 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập sâu rộng của nước ta hiện nay, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đi liền với đó, các doanh nghiệp đầu tư công nghệ dây chuyền sản xuất tiên tiến tự động hóa cao. Do vậy, một số khâu sản xuất trước đây sử dụng lao động được thay thế bằng hệ thống dây chuyền tự động. Đối với lao động phổ thông, lao động chất lượng thấp sẽ khó cạnh tranh hoặc tìm được việc làm phù hợp, điều này ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình, công tác an sinh xã hội.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng nhu cầu cho hoạt động sản xuất trong tình hình mới, nhất là trong các KCN trên địa bàn tỉnh, trước tiên cơ quan quản lý nhà nước phải phân luồng nguồn lao động, định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh ngay khi còn học phổ thông. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề đạt chuẩn và hướng chuyên sâu, theo nhu cầu xã hội. Đối với người sử dụng lao động cần chủ động đầu tư, đổi mới trang thiết bị công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, người lao động cần không ngừng trau dồi các kỹ năng mềm như: Giao tiếp, tổ chức công việc, làm việc nhóm, chịu áp lực, cường độ công việc cao... Người lao động không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ kỹ năng chuyên môn đáp ứng nhu cầu công việc, qua đó sẽ theo kịp xu thế, thích nghi với nhiều môi trường làm việc khác nhau.

Dương Trường

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201912/nang-cao-trinh-do-chuyen-mon-cho-nguoi-lao-dong-trong-kcn-2464810/