Nâng cao trình độ công nghệ: Tăng sức cạnh tranh

Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố báo cáo nghiên cứu “Trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) - Bằng chứng qua điều tra DN năm 2010”. Báo cáo được thực hiện với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam.

Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố báo cáo nghiên cứu “Trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) - Bằng chứng qua điều tra DN năm 2010”. Báo cáo được thực hiện với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam.

CôngThương - Báo cáo này dựa trên bảng điều tra do Tổng cục Thống kê thực hiện vào năm 2010 (số liệu năm 2009). Bảng điều tra được thiết kế bởi nhóm nghiên cứu kinh tế phát triển (DEGR) thuộc Đại học Copenhagen Đan Mạch (UoC) và CIEM, nhằm thu thập số liệu liên quan tới năng lực cạnh tranh và vấn đề sử dụng, tiếp nhận, cải tiến công nghệ của các DN tại Việt Nam. Khoảng 8.000 DN chế biến, chế tạo ngoài nhà nước thuộc 63 tỉnh, thành phố đã tham gia điều tra, đảm bảo tính đại diện toàn quốc.

Theo kết quả điều tra, hoạt động sản xuất của DN Việt Nam vẫn chủ yếu dựa trên sức lao động. 80% DN sử dụng máy móc do con người vận hành, 8% DN hoàn toàn sử dụng máy móc để điều khiển. Hầu hết các DN trong lĩnh vực sản xuất đều hài lòng với trình độ công nghệ hiện tại họ đang sử dụng. Bên cạnh đó, các DN có xu hướng theo đuổi chiến lược nâng cao năng suất sản phẩm chuyên biệt thông qua đổi mới công nghệ.

Đánh giá của TS.John Rand - Viện Kinh tế Tài nguyên và Lương thực (Đại học Copenhagen Đan Mạch) cũng cho thấy, những năm qua, DN đã có những đổi mới, nhiều thiết bị công nghệ mới được chuyển giao từ các nước công nghiệp phát triển. Tuy vậy, tốc độ đổi mới công nghệ và trang thiết bị còn chậm, chưa đồng đều, không theo định hướng phát triển rõ rệt. Trở ngại trong việc tiếp nhận công nghệ vẫn là thách thức không nhỏ.

Hiện không ít DN vẫn còn tình trạng sử dụng nhiều thiết bị công nghệ không đồng bộ: Từ lạc hậu, trung bình đến tiên tiến. Do vậy, đã hạn chế hiệu quả sản xuất kinh doanh. Điều này thể hiện qua việc chỉ có dưới 10% DN tham gia vào hợp đồng quy định một cách rõ ràng việc chuyển giao công nghệ trực tiếp từ khách hàng cho DN (liên kết ngược) và cũng khoảng 10% DN cho thấy chuyển giao công nghệ đã diễn ra giữa họ và các nhà cung cấp (liên kết xuôi). Trong đó, DN tư nhân và các công ty TNHH ít có khả năng thực hiện liên kết xuôi hơn so với công ty 100% vốn nước ngoài; gần 1/3 các DN sản xuất Việt Nam cam kết nâng cấp công nghệ liên quan đến các sáng kiến. Phần lớn các hoạt động đổi mới được coi là giảm chi phí chứ không phải là đầu tư trong tương lai.

Ví dụ như thông qua việc cải thiện chất lượng sản phẩm. Một tỷ lệ đáng kể các DN Việt Nam chưa tham gia vào các hoạt động thích ứng hoặc nâng cấp công nghệ. Cũng qua khảo sát, có thể thấy, các DN tập trung tương đối ít vào mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực mới, chỉ có 2% DN xem xét việc chuyển đổi lĩnh vực hoạt động như là một phần của chiến lược đổi mới. Điều này cho thấy, các DN theo đuổi chiến lược nâng cao hiệu quả đối với những sản phẩm chuyên sản xuất chứ không tập trung nhiều vào chiến lược tìm kiếm thị trường mới trong các ngành nghề khác.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đối với vấn đề về nâng cấp DN, con số 2% lựa chọn chuyển đổi lĩnh vực hoạt động mới cũng phản ánh thực tế của Việt Nam. Trước đây, có một số DN hoạt động theo kiểu kinh doanh đa lĩnh vực. Tuy nhiên, hậu quả nhãn tiền việc đa dạng hóa ngành nghề của các tập đoàn kinh tế trong thời gian qua thực sự khiến các DN phải suy nghĩ và lựa chọn giữa tập trung chuyên môn hóa với đa dạng hóa ngành nghề.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, Nhà nước cần có chính sách tăng cường các hoạt động thích ứng hoặc nâng cấp công nghệ, trong đó chú trọng đến công nghệ cao. Tập trung tìm giải pháp nâng cao trình độ công nghệ cho DN. Một khi bài toán trình độ công nghệ được giải quyết sẽ kéo theo hiệu quả chất lượng tăng trưởng cao, giảm chi phí sản xuất, đồng thời tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, để giải bài toán trên, DN phải nhận thức được, việc nâng cao trình độ công nghệ là vấn đề sống còn.

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/p0c257n16381/nang-cao-trinh-do-cong-nghe-tang-suc-canh-tranh.htm