Nâng cao uy tín, sức mạnh và năng lực lãnh đạo của Đảng

Việc thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm sự phát triển của Đảng và là điều kiện, tiền đề cho những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh luôn đặc biệt quan tâm, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, giải pháp về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng thực sự ngang tầm nhiệm vụ, hoàn thành trọng trách lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong giai đoạn mới...

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký kiểm tra thực tế tình hình quản lý đất đai, xây dựng và trật tự đô thị tại TP Hạ Long.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký kiểm tra thực tế tình hình quản lý đất đai, xây dựng và trật tự đô thị tại TP Hạ Long.

Nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng

Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Quảng Ninh hồi tháng 4/2019, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã bày tỏ sự ấn tượng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của tỉnh. Đặc biệt là việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, từ đó lan tỏa tới toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương. Đồng chí khẳng định: Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh là tổ chức Đảng mạnh, luôn đoàn kết, thống nhất cao, tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Năng lực lãnh đạo, nhất là các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Để làm được điều này, Tỉnh ủy Quảng Ninh và các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết của Trung ương với mục tiêu cơ bản là: Xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo sự chuyển biến về "chất", bảo đảm tổ chức đảng ở cơ sở vững mạnh, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh ở cơ sở.

Đặc biệt, các kết luận, chỉ đạo của Trung ương đã được Quảng Ninh cụ thể hóa thành những nghị quyết, đề án, quy định... phù hợp với thực tiễn, được nhân dân đánh giá cao. Cụ thể như thực hiện Kết luận số 63, Kết luận số 64-KL/TW Hội nghị TW7, khóa XI, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo các cấp ủy từ cơ sở xây dựng Đề án đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế; ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU ngày 3/3/2015; ban hành Quy định số 07-QĐ/TU ngày 20/2/2019 về việc Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy xã, phường, thị trấn dự sinh hoạt chi bộ thôn, khu phố. Hay như thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng, các chỉ thị của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Quy định về nêu gương, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động, các quy định, chỉ thị; hằng năm ban hành nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ với từng chủ đề cụ thể...

Lễ kết nạp đảng viên mới của Đảng bộ cơ quan Sở Thông tin và Truyền thông tại Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu.

Cùng với đó, Đảng bộ tỉnh cũng kiện toàn, sắp xếp tổ chức đảng đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở. Công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh được quan tâm chỉ đạo. Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị được nâng lên. Các cấp ủy đảng cũng đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức đảng và tạo nguồn phát triển đảng viên xóa thôn, bản trắng chưa có đảng viên, chưa có chi bộ. Nhiều đảng bộ huyện (Tiên Yên, Hoành Bồ, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà) đã xây dựng đề án kết nạp đảng viên ở thôn bản và đội ngũ người hoạt động không chuyên trách. Các cấp ủy đã chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trong công nhân, lao động, nông dân, đoàn viên, hội viên để tạo nguồn thực hiện công tác phát triển đảng viên, nhất là ở thôn, bản chưa có hoặc có ít đảng viên, phát triển đảng viên là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản khu phố.

Trong 5 năm qua, trên toàn tỉnh đã kết nạp 1.924 đảng viên là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản khu phố. Đến cuối năm 2012, đã có 100% thôn, bản, trường học có chi bộ, không còn tình trạng sinh hoạt ghép, hoàn thành trước 3 năm so với mục tiêu đã đề ra tại Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TƯ. Tính đến ngày 30/6//2019, toàn Đảng bộ tỉnh có 99.950 đảng viên, 21 đảng bộ trực thuộc tỉnh, 781 tổ chức cơ sở đảng (465 đảng bộ cơ sở, 316 chi bộ cơ sở) với 5.065 chi bộ trực thuộc.

Xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức

Cùng với xây dựng, phát triển tổ chức đảng và đảng viên, các cấp ủy đảng của Quảng Ninh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng, góp phần quan trọng vào việc giáo dục, tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ đó, định hướng tư tưởng và đấu tranh chống "diễn biến hòa bình"; từng bước ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong Đảng và xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đã đề ra.

Quảng Ninh luôn xác định công tác tư tưởng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng. Các cấp ủy đảng, nhất là đồng chí bí thư cấp ủy có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác tư tưởng; thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mọi tổ chức, thành viên của hệ thống chính trị trong công tác tư tưởng. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã nghiên cứu xây dựng đề án và ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 18/12/2017 về một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới; ban hành các quy định, kế hoạch về công tác tư tưởng của Đảng bộ; ban hành quy định về công tác quản lý tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ theo quy định của Ban Bí thư Trung ương.

Một buổi sinh hoạt Chi bộ khu phố 4, thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ.

Song song với đó, tỉnh cũng xác định xây dựng Đảng về đạo đức là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng của các cấp ủy đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh. Trong đó đặc biệt quan tâm gắn xây dựng Đảng về đạo đức với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, chủ đề công tác hằng năm của tỉnh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm của tỉnh. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập chuyên đề đạt 93,5% (năm 2018), 95,5% (năm 2019).

Việc học và làm theo Bác được Đảng bộ tỉnh cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, thông qua xây dựng và nhân rộng gương điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu, như: Xây dựng bộ phim "Người thầy thuốc của nhân dân" về Anh hùng Lao động, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm; tuyên truyền, biểu dương người tốt, việc tốt, nhằm tạo ra các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ. Hằng năm 100% tổ chức, cán bộ, đảng viên đăng ký nội dung và cam kết học tập, làm theo Bác gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Quy định 04-QĐ/TU. Từ năm 2015 đến nay có 139 lượt tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác được khen thưởng ở cấp tỉnh và Trung ương.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng cụ thể hóa nội dung xây dựng Đảng về đạo đức thành Quy định 04-QĐ/TU ngày 7/6/2017 về việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; không suy thoái, ''tự diễn biến'', ''tự chuyển hóa'' đối với cán bộ, đảng viên. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nghiêm túc, cầu thị; chỉ rõ khuyết điểm, giải pháp và lộ trình khắc phục ở từng cấp ủy, tổ chức đảng; chú trọng xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra sai phạm; kiểm điểm vai trò của tập thể và cá nhân, gắn với kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo Nghị quyết. Tỉnh cũng đề cao trách nhiệm nêu gương; tạo chuyển biến thực chất trong tổ chức thực hiện cơ chế nêu gương theo Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư, Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Quy định 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương; tập trung xây dựng cơ chế nêu gương, gắn với cơ chế giám sát, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý...

Từ năm 2015 đến nay đã có 85 tập thể cấp ủy huyện và tương đương, 490 cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, 798 tập thể cấp ủy cơ sở tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, liên hệ với 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy gợi ý kiểm điểm đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Hoành Bồ về sai phạm trong công tác giải phóng mặt bằng; 24 tập thể trực thuộc cấp ủy huyện và tương đương được gợi ý kiểm điểm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh; quản lý đất đai tài nguyên; giải phóng mặt bằng; an toàn, vệ sinh lao động… Kịp thời làm rõ trách nhiệm với 26 trường hợp, trong đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy kỷ luật 1 trường hợp.

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tỉnh quan tâm sâu sát, chú trọng các giải pháp mang tính “tự phòng”, “tự soi”, “tự sửa”, nên có nhiều chuyển biến rõ nét. Tỉnh đã ban hành các quy định, quy trình thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ nắm thông tin, phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên; các quy định về kiểm tra, giám sát kê khai tài sản, thu nhập; xây dựng quy chế, cơ chế giám sát về tham nhũng, suy thoái

Nhờ đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về đạo đức đã góp phần quan trọng củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh tới cơ sở tiếp tục được giữ vững; dân chủ trong Đảng được mở rộng, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội và cả hệ thống chính trị; tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét.

Hoài Anh - Bảo Bình

Bài 2: Tiên phong, đột phá trong sắp xếp, tinh giản bộ máy biên chế

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201912/tac-pham-du-thi-giai-bao-chi-ve-xay-dung-dang-tinh-quang-ninh-quang-ninh-doi-moi-tu-duy-xay-dung-dang-va-he-thong-chinh-tri-vung-manh-nang-cao-uy-tin-suc-manh-va-nang-luc-lanh-dao-cua-dang-2463878/