Nâng cao uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Từ ngày 14 đến 21-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) lần thứ 12 tại Brúc-xen (Bỉ) và Hội nghị cấp cao Ðối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) tại Cô-pen-ha-ghen (Ðan Mạch), thăm chính thức Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ và Vương quốc Ðan Mạch, thăm làm việc tại Liên hiệp châu Âu (EU).

Từ ngày 14 đến 21-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) lần thứ 12 tại Brúc-xen (Bỉ) và Hội nghị cấp cao Ðối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) tại Cô-pen-ha-ghen (Ðan Mạch), thăm chính thức Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ và Vương quốc Ðan Mạch, thăm làm việc tại Liên hiệp châu Âu (EU).

Ðây là sự kiện chính trị quan trọng, nhằm tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa nước ta với các nước đối tác và truyền đi thông điệp về Việt Nam phát triển năng động, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tiếp tục nâng cao uy tín và vị thế của đất nước.

Hội nghị cấp cao ASEM 12 với chủ đề “Châu Á và châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó các thách thức toàn cầu” sẽ đề ra biện pháp nhằm phát huy vai trò ASEM trong thúc đẩy hợp tác đa phương, kết nối Á - Âu, đề cao luật pháp quốc tế, giải quyết các thách thức toàn cầu, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển của thế giới và hai châu lục. Qua hơn hai mươi năm tham gia ASEM, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu mốc có ý nghĩa trong chặng đường phát triển của ASEM. Ðóng góp nổi bật nhất của nước ta bao gồm tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ năm cùng năm Hội nghị Bộ trưởng và triển khai nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực chuyên ngành thuộc ưu tiên của ASEM.

Ðến nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất của Diễn đàn ASEM với đề xuất 24 sáng kiến và đồng bảo trợ 27 sáng kiến về những lĩnh vực thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân. Việt Nam là một trong những nước khởi xướng và duy trì cơ chế hợp tác đầu tiên trong ASEM về quản lý nguồn nước với tên gọi “Ðối thoại ASEM về phát triển bền vững”, trong đó tập trung hợp tác tiểu vùng các nước ven sông Mê Công - Ða-nuýp, góp phần nâng hợp tác tiểu vùng Mê Công lên tầm liên khu vực.

Dẫn đầu Ðoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị cấp cao ASEM 12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là một trong hai lãnh đạo cấp cao của ASEM được mời gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp Á - Âu trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 16. Dự kiến, Việt Nam sẽ đề xuất hai sáng kiến mới về “Hội nghị ASEM về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế - xã hội tại châu Á và châu Âu” và “Hội thảo ASEM về thúc đẩy kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” sẽ diễn ra tại Việt Nam trong năm 2019.

Diễn đàn hợp tác cấp cao Ðối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 được hình thành trên cơ sở sáng kiến của Chính phủ Ðan Mạch nhằm phát triển quan hệ đối tác công - tư, thúc đẩy tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu đến năm 2030 thông qua thực hiện tăng trưởng xanh, tạo điều kiện mở rộng quy mô thực hiện các giải pháp trên toàn cầu. Ðến nay, Hội nghị cấp cao P4G có tám quốc gia tham dự, gồm: Ðan Mạch (sáng lập), Chi-lê, Mê-hi-cô, Việt Nam, Hàn Quốc, Ê-ti-ô-pi-a, Kê-ni-a và Cô-lôm-bi-a cùng với sự tham gia của các tổ chức quốc tế. Cũng trong khuôn khổ thúc đẩy các hoạt động của Diễn đàn quốc gia P4G, trong tháng 9-2018 Việt Nam đã tổ chức hai Hội thảo: “Rác thải nhựa và Cộng đồng ven biển” và “Thực trạng rác thải nhựa và sự cần thiết của việc phân loại rác tại nguồn” nhằm tăng cường thực thi pháp luật và thúc đẩy giải pháp hiệu quả nhằm giảm ô nhiễm rác thải nhựa. Nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được các cơ quan Chính phủ ghi nhận và triển khai trong tương lai.

Ngày 1-12-1972, Áo là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Chúng ta vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện, thể hiện qua những chuyến thăm cấp cao. Hai bên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN - EU... Áo với vai trò Chủ tịch luân phiên EU cuối năm 2018 ủng hộ tăng cường quan hệ Việt Nam - EU. Năm 2017, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt hơn bốn tỷ USD, đưa Áo trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ sáu của Việt Nam ở châu Âu. Bảy tháng đầu năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam sang Áo đạt 2,58 tỷ USD, tăng 47% so cùng kỳ năm 2017. Tính đến tháng 8-2018, Áo có 31 dự án còn hiệu lực đang đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 143,9 triệu USD. Trong hai năm 2010 và 2015, giữa hai nước đã ký Hiệp định khung về hợp tác tài chính, theo đó Chính phủ Áo cam kết cung cấp 250 triệu ơ-rô cho Việt Nam.

Năm nay, Việt Nam và Bỉ kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác. Tuy Bỉ là một thị trường nhỏ nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bỉ ở mức cao do hàng xuất khẩu của Việt Nam qua Bỉ để sang các nước Tây Âu khác. Hiện, Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ bảy của Việt Nam trong EU. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều năm 2017 đạt gần 2,7 tỷ USD. Tính đến năm 2017, Bỉ có 62 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đạt 595 triệu USD. Quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Bỉ bắt đầu từ năm 1977 và Việt Nam hiện là nước châu Á duy nhất được nhận hỗ trợ phát triển của Chính phủ Bỉ. Từ năm 1977 đến nay, Bỉ đã cho Việt Nam vay và viện trợ không hoàn lại gần 300 triệu USD (trong đó viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 60%). Hiện, Bỉ đang chú trọng quan tâm thiết lập quan hệ hợp tác sâu rộng hơn với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

Việt Nam và EU chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 28-11-1990. Quan hệ Việt Nam - EU tiếp tục phát triển tích cực, trao đổi các đoàn và tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên. EU là đối tác thương mại lớn thứ ba, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu ở Việt Nam. Tính đến tháng 6-2017, đã có 24 trong số 28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với 1.975 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký khoảng 21,7 tỷ USD. EU là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. Giai đoạn 1993 - 2013, tổng cam kết ODA của EU đạt gần 14 tỷ USD, chiếm 20% tổng cam kết của cộng đồng tài trợ quốc tế cho Việt Nam, trong đó viện trợ không hoàn lại của EU đạt khảng 1,5 tỷ USD. Hiện hai bên tích cực thúc đẩy ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) trong năm 2018.

Từ nhiều năm nay, Ðan Mạch là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam ở châu Âu. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh vào tháng 11-2011. Năm nay, Việt Nam và Ðan Mạch kỷ niệm 5 năm Ngày thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển tốt đẹp với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt 664,6 triệu USD. Ðan Mạch là một trong số các nước Bắc Âu sớm đầu tư vào Việt Nam. Hiện, Ðan Mạch có 132 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 686 triệu USD. Từ năm 1972 đến nay, Ðan Mạch đã viện trợ cho Việt Nam hơn một tỷ USD vốn ODA. Trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, Ðan Mạch là nhà tài trợ lớn nhất của nước ta với mức tài trợ lên tới 40 triệu USD cho “Chương trình thích ứng và giảm tác động của biến đổi khí hậu”. Cộng đồng người Việt Nam tại Ðan Mạch gồm khoảng 15.000 người hiện đang có cuộc sống ổn định, hòa nhập, tôn trọng luật pháp sở tại, có tình cảm gắn bó với quê hương, phấn khởi về những thành tựu đổi mới, về chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Chuyến tham dự các Hội nghị cấp cao ASEM 12 và P4G, thăm chính thức Áo, Bỉ và Ðan Mạch, thăm làm việc tại EU của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam. Chuyến công tác này cũng nhằm tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa nước ta với các nước đối tác, đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, tham gia hiệu quả cùng giải quyết các thách thức toàn cầu tại các tổ chức đa phương, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

NHÂN DÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37912102-nang-cao-uy-tin-va-vi-the-viet-nam-tren-truong-quoc-te.html