Nâng cao vai trò của truyền thông trong công tác dân số KHHGĐ

Ngày 24/9, tại Thái Nguyên, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Chi cục DS-KHHGĐ Thái Nguyên và Hội Nhà báo Thái Nguyên tổ chức Tập huấn cách tiếp cận sử dụng và cung cấp thông tin về công tác dân số cho phóng viên, cộng tác viên các cơ quan thông tấn báo chí.

Nhấn mạnh công tác dân số trong tình hình mới, ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục, Tổng cục DS-KHHGĐ, Phó Chủ nhiệm CLB Nhà báo với công tác dân số, Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá công tác Dân số đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức.

Dù đã đạt được nhiều thành công nhưng hiện nay, vấn đề về bộ máy tổ chức ở địa phương đang có sự thay đổi, cán bộ nhiều tâm tư, băn khoăn, trăn trở. Bên cạnh đó, công tác dân số vẫn còn nhiều hạn chế, nổi lên tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số. Chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm cải thiện. Tình trạng tảo hôn vẫn còn. Tình trạng nạo phá thai đáng lo ngại,...

Trước hình hình đó, Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 6 về công tác dân số trong tình hình mới có định hướng: Chuyển trọng tâm công tác dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân".

Trong giải pháp thực hiện công tác dân số trong tình hình mới thì tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp là giải pháp hàng đầu; công tác tuyên truyền, vận động là mũi nhọn xung yếu.

Ông Nguyễn Tân Sơn, Trung tâm đào tạo bồi dưỡng (Tổng cục Dân số) cho biết, yếu tố hàng đầu trong nhiệm vụ và giải pháp là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền. Tiếp đó, trọng tâm là đổi mới nội dung tuyên truyền, tiếp tục vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, đảm bảo quyền và trách nhiệm trong sinh con, nuôi dạy con tốt. Sinh ít con ở nơi mức sinh cao; sinh đủ 2 con ở nơi mức sinh thấp; duy trì mức sinh thay thế toàn quốc. Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đổi mới toàn diện giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản; hình thành kiến thức và kỹ năng đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Tân Sơn, Trung tâm đào tạo bồi dưỡng (Tổng cục Dân số)

Để nâng cao chất lượng dân số, các cơ quan chức năng cần tập trung tuyên truyền lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên; tác hại của việc tảo hôn; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; những khó khăn, thách thức, ảnh hưởng của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số và chất lượng dân số thấp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong đó, đáng báo động là tình trạng già hóa dân số, người già không được quan tâm chăm sóc sức khỏe và sức khỏe sinh sản.

Trong số các dị tật, có các bệnh phổ biến như: Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh (Thalassemia) thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác.

Do đó, ngành Dân số, Y tế cần tích cực thực hiện các hoạt động của dự án tầm soát, chuẩn đoán, điều trị bệnh tật trước sinh, sau sinh và tư vấn khám sức khỏe trước hôn nhân.

Đặc biệt lưu ý vấn đề tuyên truyền tư vấn khám sức khỏe trước hôn nhân, bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông-Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Phó Chủ nhiệm CLB Nhà báo với công tác dân số, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Tâm lý e ngại, dè dặt, quan niệm lạc hậu vẫn là rào cản khiến cho tỷ lệ các cặp đôi đến khám sức khỏe tiền hôn nhân ở các cơ sở y tế vẫn còn rất hạn chế. Điều này về lâu dài không chỉ gây ảnh hưởng đến hạnh phúc của mỗi cá nhân, gia đình mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số”.

Bác sĩ Phương cũng nhấn mạnh: “Công tác truyền thông, tư vấn về lĩnh vực này còn hạn chế, có hiểu được việc chăm sóc SKSS trước hôn nhân mang lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình như thế nào thì các đối tượng mới có thể vượt qua các rào cản tâm lý mà đến với các cơ quan chuyên môn để được chăm sóc SKSS”.

Phương Thu

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/nang-cao-vai-tro-cua-truyen-thong-trong-cong-tac-dan-so-khhgd-d2055753.html