Nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội với Chính phủ trong thi hành pháp luật

Sáng 12.1, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp Bộ 'Giám sát của Quốc hội đối với việc thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội ở Việt Nam' phối hợp tổ chức Hội thảo 'Quốc hội giám sát thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội - Thực trạng và kiến nghị'.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa - Chủ nhiệm Đề tài và Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh; đại diện một số Đoàn đại biểu Quốc hội; đông đảo chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực liên quan...

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa phát biểu

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề liên quan đến khía cạnh pháp lý và thực tiễn đối với công tác giám sát của Quốc hội và việc thực hiện trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước các chủ thể giám sát từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Các đại biểu cho rằng, giám sát là việc chủ thể theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường phát biểu

Vai trò giám sát của của Quốc hội đối với Chính phủ trong thi hành pháp luật được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau, như nghe báo cáo của các cơ quan tại các cuộc họp, thực hiện chất vấn tại kỳ họp Quốc hội cũng như phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực hiện giám sát thông qua các đoàn kiểm tra, đoàn giám sát. Hiệu quả hoạt động giám sát phụ thuộc vào các phương thức giám sát khác nhau của Quốc hội, từng cơ quan của Quốc hội cũng như đoàn đại biểu Quốc hội và mỗi đại biểu Quốc hội.

Nhiều ý kiến khẳng định, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh. Song, thực tế cũng cho thấy, một số nội dung giám sát còn chưa cụ thể, rõ ràng, phạm vi giám sát còn khái quát. Đối với hoạt động thực hiện giám sát qua các đoàn giám sát, trong một số trường hợp, các cơ quan tổ chức chưa thực hiện tốt việc phối hợp với đoàn giám sát của Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh phát biểu

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ trong thi hành pháp luật, các đại biểu kiến nghị, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế đến nâng cao vai trò, trách nhiệm cũng như chất lượng đại biểu Quốc hội, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung và hoạt động giám sát nói riêng, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa.

Toàn cảnh hội thảo

Kết luận hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa ghi nhận và đánh giá cao ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học; khẳng định đây là nguồn tài liệu tham khảo quý trong quá trình sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; giúp làm rõ hơn về lý luận và thực tiễn đối với các nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội. Đồng thời, cho biết các ý kiến sẽ được Ban Chủ nhiệm nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ trong quá trình hoàn thiện Đề tài.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/su-kien-noi-bat/nang-cao-vai-tro-giam-sat-cua-quoc-hoi-voi-chinh-phu-trong-thi-hanh-phap-luat-i357383/