Nâng cao vai trò nữ giới để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh

57/63 tỉnh, thành phố đã mất cân bằng giới tính. Đó là con số vừa được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đưa ra nhân Ngày dân số thế giới (11-7).

Nhìn vào con số trên, tôi không khỏi giật mình lo lắng bởi việc lựa chọn giới tính trước khi sinh không chỉ phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới, gây hệ lụy tới cấu trúc gia đình, mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội trong tương lai.

Thông thường, tỉ số giới tính khi sinh - SRB là 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống (chỉ số SRB phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra). Tỉ số này của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay cho thấy sự mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam. Cụ thể, SRB năm 2019 giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái).

Thực tế này cho thấy sự quyết liệt thực hiện các chính sách nhằm xóa bỏ sự can thiệp có chủ đích trong lựa chọn giới tính thời gian qua chưa đem lại hiệu quả, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa được khắc phục.

Ngoài nguyên nhân mà có lẽ ai cũng nhìn thấy là sự ưa thích sinh con trai trong bối cảnh giảm sinh, cũng như đánh giá thấp giá trị của nữ giới, thì việc tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn trong lựa chọn, chẩn đoán giới tính thai nhi, dẫn tới việc lựa chọn giới tính khi sinh cao hơn.

Việc lựa chọn giới tính sẽ khiến quy mô dân số nam vượt trội trong một thời gian dài. Theo các nhà khoa học xã hội, tác động chính của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. Nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với nữ do tỉ lệ nữ giới đang giảm dần nên phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. Trì hoãn hôn nhân hoặc gia tăng tỉ lệ sống độc thân là những khả năng có thể xảy ra.

Do đó, cần thiết phải đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để làm được việc này, thiết nghĩ ngoài việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về mất cân bằng giới tính khi sinh, về vai trò và giá trị của phụ nữ và trẻ em gái, thì cần phải có những đề án thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội; đưa ra giải pháp thực hiện như chính sách khuyến khích, hỗ trợ; nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; hợp tác quốc tế... Đó là những nỗ lực chung của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

THÁI AN (Lạch Tray, Hải Phòng)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/y-kien-trong-ngay/nang-cao-vai-tro-nu-gioi-de-giam-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-626677