Nâng cao vị thế của giáo dục thường xuyên: Cần xác định rõ vai trò chỉ đạo, quản lý

Là thành phần quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân song giáo dục thường xuyên những năm qua dường như bị 'bỏ quên' bởi những bất cập trong mô hình quản lý.

Học viên Trung tâm GDTX Hải Phòng.

Học viên Trung tâm GDTX Hải Phòng.

Gặp khó vì không được quan tâm đầu tư

Theo quy định của Thông tư số 39/2015, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) cấp huyện được giao UBND huyện quản lý. Sau 5 năm thực hiện, các Trung tâm GDNN - GDTX gần như bị “lãng quên”. Nhiều trung tâm không tuyển được học viên. Các cán bộ, giáo viên bị thiệt thòi về chế độ chính sách, bình bầu thi đua cũng như cơ hội được bồi dưỡng phát triển chuyên môn nghề nghiệp.

Ông Nịnh Minh Quang - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) cho biết: Sau gần 5 năm sáp nhập, hoàn thiện bộ máy, xây dựng quy chế hoạt động, trung tâm cơ bản bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chức năng được giao. Chúng tôi luôn chủ động phối hợp với phòng GD-ĐT, các xã, thị trấn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyển sinh.

Tuy nhiên, trung tâm cũng gặp một số khó khăn do không được đầu tư về cơ sở vật chất. Dãy nhà cấp 4 được xây dựng từ khá lâu đã xuống cấp với nhiều mảng tường nứt. Khu vệ sinh xuống cấp nghiêm trọng không bảo đảm an toàn. Diện tích các phòng học không đáp ứng yêu cầu, thiếu nhiều hạng mục quan trọng để mở lớp nghề. Ký túc xá, phòng học thực hành, hội trường, máy trình chiếu... chưa đáp ứng được công tác dạy và học.

Mặc dù, trung tâm đã linh hoạt liên kết với các trường cao đẳng mở các lớp nghề cho học viên. Các ngành nghề đào tạo cơ bản đáp ứng nhu cầu người học, phù hợp với thực tiễn địa phương; song do đặc thù vùng miền, nên tình trạng khó tuyển sinh đang là một “điểm nghẽn” của trung tâm.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX TP Uông Bí (Quảng Ninh) cho hay: Năm học 2020 - 2021, trung tâm tuyển được 241 học sinh. Tuy nhiên, số học sinh học sơ cấp chỉ tuyển được 70 em. Đào tạo sơ cấp, trung tâm tuyển sinh 3 ngành học là hàn điện, điện lạnh và nấu ăn nhưng chỉ có ngành học nấu ăn là thu hút được học sinh. 2 ngành còn lại, 3 năm nay trung tâm không tuyển được học sinh.

Hiện nay, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy đào tạo trung cấp của Trung tâm GDNN - GDTX TP Uông Bí cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, với đào tạo sơ cấp, do hạn chế trong công tác tuyển sinh, dẫn đến tình trạng lãng phí thiết bị dạy học; nhất là với các ngành học hàn điện, điện lạnh.

Còn ông Lê Văn Nam, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) chia sẻ: Hằng năm, trung tâm đều xây dựng kế hoạch đào tạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, do suy nghĩ của người dân là học nghề mất thời gian và muốn đi làm thuê để có tiền ngay, nên họ không mấy mặn mà với việc học, dẫn đến công tác đào tạo gặp nhiều khó khăn.

Các lớp nghề mở ở trung tâm phần lớn là chăn nuôi gia súc, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Một số ngành nghề như, tiện, kỹ thuật vận hành máy nông nghiệp có năm mở được có năm không. Việc sắp xếp, bố trí giáo viên cũng gặp khó khăn. Mặc dù, có tới 7 giáo viên nghề, song nhiều khi mở lớp vẫn phải mời giáo viên từ các trường nghề khác về giảng dạy, nhất là nghề may công nghiệp, nuôi trồng thủy sản...

Học sinh Trung tâm GDNN - GDTX huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) trong giờ học nghề.

3 đơn vị quản lý, không ai chịu trách nhiệm

Một bất cập mà lãnh đạo các trung tâm GDNN - GDTX có chung nhận định và cần ngành chức năng xem xét tháo gỡ, đó là trung tâm chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của UBND cấp huyện; sự hướng dẫn thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở LĐ-TB&XH, Sở GD&ĐT. Song 3 đơn vị này không phải lúc nào cũng tìm được tiếng nói chung.

Ông Lê Xuân Quốc - Trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên (Sở GD&ĐT Lào Cai) thông tin: Theo luật, UBND cấp huyện trực tiếp quản lý, chỉ đạo Trung tâm GDNN -GDTX. Sở LĐ-TB&XH, Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm quản lý và hướng dẫn về chuyên môn. Tuy nhiên, không đơn vị nào quản lý sâu, dẫn đến hoạt động của các trung tâm kém hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và GDTX huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) nêu ý kiến: Sau 5 năm TTGDNN - GDTX cấp huyện được giao UBND huyện quản lý, thay Sở GD&ĐT, đã nảy sinh nhiều bất cập. Trong đó nổi bật là việc “Trung tâm gần như bị lãng quên” nên cán bộ, giáo viên thiệt thòi trong các chế độ chính sách, bình bầu thi đua cũng như cơ hội được bồi dưỡng phát triển chuyên môn nghề nghiệp.

Ông Trần Văn Huy - Giám đốc Trung tâm dạy nghề và GDTX quận Ngô Quyền (Hải Phòng) cho rằng: Bất cập trong hoạt động hiện nay của TTGDTX - GDNN chủ yếu do nhiều đầu mối quản lý nên phát sinh vướng mắc về cơ chế quản lý, chế độ của cán bộ, giáo viên.

UBND cấp huyện không phải cơ quan trực tiếp quản lý hoạt động chuyên môn nên không có cơ sở đánh giá cán bộ, giáo viên hằng năm; không luân chuyển, điều phối, bố trí cán bộ, giáo viên được giữa các trung tâm để hỗ trợ nhau về hoạt động chuyên môn. Nhiều địa phương cấp huyện còn bố trí cán bộ không đúng tiêu chuẩn sang làm giám đốc trung tâm.

Do đó, việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 10/2021/TT-BGDĐT quy định Sở GD&ĐT quản lý trực tiếp TTGDNN - GDTX cấp huyện là hợp lý. Nếu có một đầu mối quản lý chỉ đạo về con người, cơ sở vật chất, chuyên môn, hoạt động của trung tâm sẽ đạt được hiệu quả hơn, giúp các trung tâm GDTX phát triển tốt hơn.

Theo quy định, chức năng của Trung tâm có 70% thuộc GDTX, 30% là GDNN. Sở LĐ-TB&XH do không đủ chuyên môn nên không thể chỉ đạo về đào tạo văn hóa được; nhưng Sở GD&ĐT có thể quản lý được chuyên môn giáo dục nghề nghiệp do trước đây đã làm. - Ông Nguyễn Văn Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nang-cao-vi-the-cua-giao-duc-thuong-xuyen-can-xac-dinh-ro-vai-tro-chi-dao-quan-ly-IFDA0QuGg.html