Nâng cao vị thế Hải quan Việt Nam trong cộng đồng Kinh tế ASEAN

Thực hiện nghĩa vụ thành viên, Tổng cục Hải quan sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33. Đây là lần thứ 4 Việt Nam đăng cai Hội nghị, sau các lần đăng cai diễn ra lần lượt vào năm 1995, 2004, 2014.

Nâng cao vị thế Hải quan Việt Nam trong cộng đồng Kinh tế ASEAN

Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày (từ 4/6 - 6/6) tại Phú Quốc, Kiên giang. Hội thảo sẽ xoay quanh 12 nội dung thuộc chương trình nghị sự, tập trung vào các giải pháp tiếp tục thực hiện và hoàn thành các mục tiêu xác định tại các Kế hoạch Chiến lược phát triển Hải quan ASEAN giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, một số nội dung ưu tiên là trao đổi chứng từ điện tử qua Một cửa ASEAN; triển khai Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS); lộ trình triển khai Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên trong ASEAN…

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan cho biết, Hội nghị là diễn đàn để Hải quan ASEAN tăng cường đối thoại, tham vấn với các đối tác đối thoại của ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trong giai đoạn mới như Hải quan xanh, xây dựng hệ sinh thái về dữ liệu hải quan, hiện đại hóa hải quan, trao đổi dữ liệu điện tử, quản lý hải quan đối với thương mại điện tử; đơn giản hóa thủ tục hải quan cho các lô hàng trị giá thấp...

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Thị Việt Nga thông tin tại họp báo

Với vai trò chủ trì Hội nghị quan trọng nhất của Hải quan ASEAN, Việt Nam thể hiện là thành viên có trách nhiệm và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong khu vực ASEAN. Qua đó, nâng cao vị thế, vai trò của Hải quan Việt Nam, một cơ quan thành viên thuộc trụ cột cộng đồng Kinh tế ASEAN, thực hiện đúng chủ trương chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, trong đó có ASEAN”, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, trong vai trò Chủ tịch Hải quan ASEAN nhiệm kỳ 2024-2025, Hải quan Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành trách nhiệm trong việc tích cực điều phối, thúc đẩy các nước triển khai đúng tiến độ, lộ trình đã định với các nội dung ưu tiên về một cửa, quá cảnh và công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên; khuyến khích các nước tăng cường trao đổi, cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và bài học trong quá trình thực tế triển khai, thu hẹp khoảng cách giữa các cơ quan Hải quan thành viên.

Bên cạnh đó, tích cực điều phối, phối hợp cùng Ban Thư ký ASEAN trao đổi, tham vấn với các đối tác, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ phù hợp trong triển khai các sáng kiến hoạt động của Hải quan ASEAN, đặc biệt là đối với những nội dung mới nổi liên quan đến quản lý hải quan.

Hải quan Việt Nam, mong muốn và hy vọng với sự đóng góp trong phạm vi, khả năng của mình, cùng các nước hướng đến một mục tiêu chung trong tiến trình hội nhập của Hải quan ASEAN, góp phần vào xây dựng một Cộng đồng Kinh tế ASEAN thịnh vượng, bền vững, hiện thực hóa tầm nhìn của ASEAN về “Một khu vực phát triển và thịnh vượng cho tất cả người dân”, “Một ASEAN - Một bản sắc – Một tầm nhìn”.

Ngoài ra, các ý tưởng đề xuất tại Hội nghị của Hải quan Việt Nam về Hải quan xanh, tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin về kiểm soát hải quan cũng sẽ được Hải quan các nước ủng hộ và triển khai trong giai đoạn tiếp theo.

Quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng 17 lần

Trong khu vực Đông Nam Á, kể từ khi trở thành Thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về tăng trưởng và phát triển kinh tế, quy mô nền kinh tế tăng gần 17 lần từ 20,8 tỷ USD vào năm 1995 lên khoảng 430 tỷ USD tỷ USD vào năm 2023.

Với dân số hơn 660 triệu người, GDP năm 2022 đạt gần 3660 tỷ USD, đứng thứ 3 Châu Á và đứng thứ 5 toàn cầu sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. ASEAN hiện nằm trong những khu vực có nền kinh tế năng động nhất thế giới. Bên cạnh đó, nhằm mở rộng hội nhập kinh tế toàn cầu, ASEAN đã và đang đẩy mạnh triển khai các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước và vùng lãnh thổ, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ốtx-trây-lia - Niu Di-lân, Hồng Kông (Trung Quốc). Do vậy, hội nhập ASEAN có thể nói là một đòn bẩy hết sức quan trọng cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Hợp tác hải quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và duy trì Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), khi ASEAN trở thành một thị trường đơn nhất, một cơ sở sản xuất và phân phối chung trong khu vực, thông qua tạo thuận lợi thương mại, hàng hóa tự do lưu thông và thực hiện các mục tiêu hội nhập kinh tế sâu rộng của ASEAN.

Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quy chế làm việc và phối hợp giữa các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam tại Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 31/01/2009. Quy chế quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan Việt Nam trong quan hệ công tác khi tham gia các hoạt động hợp tác của ASEAN trong giai đoạn mới khi ASEAN triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN và hoạt động theo Hiến chương ASEAN.

Lãnh đạo Hải quan chia sẻ thông tin tại họp báo

Hợp tác hải quan trong ASEAN nằm trong trụ cột Cộng đồng kinh tế ASEAN do Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì điều phối trong đó liên quan đến lĩnh vực hải quan có Hội nghị các Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN và các Hội nghị về kinh tế, đầu tư và tài chính có liên quan.

Trong thời gian qua, ASEAN đã triển khai nhiều chương trình, sáng kiến về hợp tác hải quan trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng.

Trong đó, Chiến dịch “Con rồng Mêkông”là sáng kiến về hoạt động chống buôn lậu do Hải quan Trung Quốc và Hải quan Việt Nam đồng khởi xướng với sự hỗ trợ điều phối của Văn phòng tình báo khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (WCO-RILO AP) và Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC). Chiến dịch đánh dấu điểm nhấn của Hải quan Việt Nam trong việc chủ động hội nhập, hợp tác trong các vấn đề tăng cường kiểm soát chống buôn lậu và tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực và toàn cầu. Với sự thành công của Chiến dịch, các thành viên của Hải quan các nước ASEAN đã tham gia, tăng số lượng các thành viên tham gia lên đến 25 cơ quan Hải quan trong khu vực.

Lệ Giang

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/nang-cao-vi-the-hai-quan-viet-nam-trong-cong-dong-kinh-te-asean-122838.html