Nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Ngoài những yếu tố khách quan, nguồn lợi thủy sản tự nhiên sụt giảm phần nhiều do chính con người. Việc khai thác bừa bãi bằng ngư cụ cấm là nguyên nhân khiến nhiều loài thủy sản bị tận diệt. Cùng với vận động thả cá tái tạo, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xử lý nghiêm những hình thức khai thác mang tính hủy diệt.

Nỗ lực bảo vệ

Năm nay, lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng UBND tỉnh An Giang chủ trì, phối hợp với UBND TP. Cần Thơ, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh An Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp trên sông Hậu. Cách làm này gợi mở những mô hình liên kết cấp vùng trong hoạt động thả cá ở ĐBSCL - nơi vốn được thiên nhiên ưu đãi nguồn cá, tôm khổng lồ nhưng giờ đã sụt giảm quá mạnh.

Với kinh nghiệm 10 năm tổ chức lễ thả cá quy mô cấp tỉnh, bên cạnh chủ động phối hợp tổ chức tốt sự kiện, Sở NN&PTNT An Giang đã ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên tỉnh kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trước, trong và sau lễ thả cá. Bên cạnh lực lượng chính là cán bộ Chi cục Thủy sản, Thanh tra Sở NN&PTNT An Giang, Công an tỉnh, thành phần đoàn kiểm tra còn mời thêm đại diện Chi cục Thủy sản, Thanh tra Sở NN&PTNT của tỉnh Đồng Tháp và TP. Cần Thơ tham gia.

Trước, trong và sau thời điểm tổ chức thả cá, đoàn kiểm tra liên tỉnh đã liên tục ra quân kiểm tra đoạn sông Hậu gần khu vực bến phà Vàm Cống (cũ), các nhánh kênh, rạch giáp sông Hậu (gần cầu Vàm Cống), thuộc địa phận tỉnh An Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ; kiểm tra đoạn sông Hậu phía trên khu vực thả cá (thuộc tỉnh An Giang), khu vực xung quanh cù lao Ông Hổ (TP. Long Xuyên), các nhánh sông thuộc huyện Chợ Mới…

Nhắc nhở các trường hợp vi phạm khai thác thủy sản

Qua kiểm tra cho thấy, đa phần ngư dân có ý thức chấp hành quy định pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tình trạng đánh bắt bằng ngư cụ cấm có khuynh hướng giảm. Ghi nhận dọc tuyến sông Hậu, vẫn còn khá nhiều làng ghe khai thác thủy sản hoạt động. Trong đó, vẫn có một số trường hợp cố tình dùng xuyệt điện, cào điện để khai thác cá, khi bị bắt quả tang thì điệp khúc “than nghèo, kể khổ” cứ lặp lại…

Cần xử lý mạnh tay

“Ghe này của bà chị quen, bả bị tai biến nằm ở nhà, không đi đánh bắt cá được. Chúng tôi thuê ghe cào này giá 100.000 đồng/ngày, vừa giúp bà chị có thu nhập, vừa kiếm mớ cá, tép bán lấy tiền xoay sở trong gia đình” - anh P.V.A (ngụ khu vực Bò Ót, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) giãi bày khi bị đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện đang dùng ghe cào có dynamo phát điện. Tuy nhiên, với công suất phát điện chuyển tải từ dynamo xuống hệ thống cào, ngoài số cá vướng vào lưới bắt được, không biết có bao nhiêu loài thủy sản bị dòng điện tác động, có thể chết hoặc mất khả năng sinh trưởng, sinh sản.

Trong lúc tuần tra khu vực cù lao Ông Hổ, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện có 2 ngư dân đang bơi xuồng, dùng xuyệt điện khai thác cá cặp bờ sông. Người trực tiếp điều khiển xuyệt điện khai tên N.V.T (ngụ ấp Long Bình, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới), vừa thấy lực lượng chức năng đã vội quăng 2 cây xuyệt xuống sông. “Nhà em nghèo, hôm nay là lần đầu tiên đi xuyệt, kiếm mớ cá về ăn thôi, chứ không có buôn bán gì. Mấy anh thông cảm cho em với” - T. phân trần.

“Than nghèo, kể khổ”, “người thân bệnh”, “kiếm chút cá sinh nhai”… là những lý do mà đoàn kiểm tra thường được nghe khi phát hiện các trường hợp dùng ngư cụ cấm khai thác thủy sản. “Thấy đoàn kiểm tra mà còn biết quăng cây xuyệt điện xuống sông để phi tang chứng cứ thì không thể nói là “lần đầu tiên” được. Lý do như vậy rất khó tin” - một thành viên đoàn kiểm tra “phản pháo” với N.V.T. Biết không thể qua mặt lực lượng chức năng, anh này chuyển qua… năn nỉ.

Một thanh tra Sở NN&PTNT An Giang cho biết, với hành vi dùng xuyệt điện, cào điện khai thác thủy sản, ngoài tịch thu phương tiện (ghe, xuồng, bình ắc-quy, dynamo, ngư cụ khai thác…) thì người vi phạm có thể bị xử phạt đến hàng chục triệu đồng.

Tuy nhiên, đợt ra quân kiểm tra chủ yếu để nhắc nhở, nâng cao ý thức người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tuyên truyền ngư dân không khai thác, đánh bắt thời điểm trước, trong và sau Lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh An Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp trên sông Hậu, tạo điều kiện cho cá giống có đủ thời gian thích nghi, sinh trưởng. Do vậy, đoàn kiểm tra tiến hành tịch thu dụng cụ có khả năng phát điện (bình ắc-quy, dynamo) và tuyên truyền, nhắc nhở.

“Những ngư cụ điện mang tính tận diệt thủy sản, gây nguy hại rất lớn đối với đa dạng sinh học và sinh trưởng tự nhiên của các loài thủy sản. Đối với những trường hợp cố tình tái phạm, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định” - một cán bộ Chi cục Thủy sản An Giang thông tin.

Trên thực tế, những trường hợp dùng xuyệt điện, cào điện, ngư cụ khai thác tận diệt không phải quá nghèo, bởi để trang bị xuồng, ghe cùng bộ ngư cụ kiểu này, kinh phí từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên nghiền cứu cách Campuchia xử lý đối với vi phạm khai thác thủy sản (kiểm tra nghiêm, phạt rất nặng, thậm chí bỏ tù kiểu khai thác tận diệt) nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nang-cao-y-thuc-bao-ve-nguon-loi-thuy-san-a343454.html