Nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống bệnh dại

Từ đầu năm đến nay, bệnh dại xuất hiện trên đàn chó tại các huyện: Văn Bàn, Mường Khương, Bảo Thắng, Bắc Hà và thành phố Lào Cai, có 9 con chó mắc bệnh đã được tiêu hủy. Trước nguy cơ bùng phát dịch, ngành nông nghiệp và các địa phương đang triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh.

Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Ngay sau khi nhận thông báo có chó bị mắc bệnh dại tại các địa phương, chi cục đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, hướng dẫn UBND xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp phòng, chống, nhất là việc tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó, mèo nuôi. Đối với những nơi có có bệnh dại, chúng tôi hướng dẫn quản lý, theo dõi chặt ổ dịch tới tận hộ, thực hiện tiêu hủy chó mắc bệnh dại, tiêm vắc-xin và vệ sinh, phun khử trùng, tiêu độc khu vực có dịch.

Việc tiêm phòng dại đang được các địa phương triển khai quyết liệt. Theo quy định, UBND cấp xã, trưởng thôn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thú y tổ chức tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo trên địa bàn, tập trung theo từng thôn hoặc cụm dân cư.

Tính đến hết tháng 5, toàn tỉnh đã tiêm hơn 65.138 liều, đạt 149% kế hoạch kỳ I, ước đạt 70% tổng đàn chó. Tại thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng và huyện Văn Bàn, tỷ lệ tiêm phòng đạt từ 85% tổng đàn trở lên. Nhưng ở các huyện vùng cao, tỷ lệ tiêm vắc-xin trên đàn chó, mèo còn thấp.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn trạm thú y các huyện, thành phố, thị xã tuyên truyền Nghị định 90/2017/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y) để răn đe các hộ nuôi chó, mèo nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. Người nuôi chó thả rông, không tiêm phòng cho chó sẽ bị phạt từ 600 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng. Trường hợp chủ vật nuôi để chó thả rông cắn người hoặc cản trở phương tiện giao thông gây tai nạn sẽ phải chịu mọi chi phí điều trị và các chi phí liên quan.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 525 người bị chó, mèo nghi dại cắn phải đi tiêm vắc-xin và truyền huyết thanh kháng dại. Để nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống bệnh dại, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn đã tích cực tuyên truyền đến người dân.

Mặc dù tình trạng thả rông chó ở khu vực đô thị đã dần được hạn chế, nhiều chủ vật nuôi đã có ý thức đeo rọ mõm khi dắt chó đi dạo ở nơi công cộng, nhưng tập quán nuôi chó, mèo thả rông tại khu vực nông thôn và các thôn, bản vùng cao vẫn phổ biến, dẫn đến nguy cơ vật nuôi bị nhiễm vi rút bệnh dại và phát tán, lây lan.

Trước những diễn biến của bệnh dại trên người và động vật, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương để triển khai đồng thời các biện pháp phòng, chống. Chính quyền địa phương và cán bộ thú y phải cùng vào cuộc thống kê, rà soát đàn chó, mèo nuôi của địa phương, nắm rõ tình hình tiêm chủng của vật nuôi để có các giải pháp quản lý, tiêm phòng. Phải kịp thời tiêm nhắc vắc-xin dại hằng năm cho đàn chó, mèo để tạo miễn dịch liên tục, hạn chế nguy cơ dịch dại trên động vật lan rộng. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông tạo sự đồng thuận, chung tay của người dân trong phòng, chống bệnh dại.

Hiện đang vào mùa nắng nóng, cũng là thời điểm bệnh dại phát triển, lây nhiễm trên đàn vật nuôi. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống nghiêm ngặt, vật nuôi bị bệnh dại có thể cắn người, truyền bệnh dại, gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Để bệnh dại không còn là nỗi lo, bên cạnh trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng, người dân cần chấp hành nghiêm quy định về nuôi thả chó, mèo.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nang-cao-y-thuc-cua-nguoi-dan-trong-phong-chong-benh-dai-post369006.html