Nâng cao ý thức, trách nhiệm PCCC tại các chợ, trung tâm thương mại

Toàn tỉnh hiện có 111 chợ, trung tâm thương mại (TTTM) và siêu thị. Đây là một trong những loại hình cơ sở được xếp loại rất nguy hiểm về cháy, nổ và trên thực tế đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại lớn về kinh tế. Việc thực hiện công tác PCCC tại các chợ, trung tâm thương mại đang cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và ý thức chấp hành pháp luật của các tiểu thương và người dân.

Phòng Cảnh sát PCCCC&CNCH Công an tỉnh tuyên truyền các biện pháp PCCC cho hộ kinh doanh tại chợ Trung tâm Thành phố.

Chuyện kể của người trong cuộc

Đã hơn 5 năm, nhưng nhiều hộ kinh doanh và người dân xã Chiềng Pằn (huyện Yên Châu) vẫn không quên vụ cháy xảy ra vào tháng 6/2016. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng rất nhiều hàng hóa, vải vóc trị giá hàng tỷ đồng đã bị thiêu rụi. Chị Nguyễn Thị Tuyết, bản Thồng Phiêng, xã Chiềng Pằn, kể lại: Tối hôm đó, cả gia đình tôi đang ngủ, nghe tiếng hô hoán của người dân trong bản, cả nhà vội chạy ra ngoài nhưng lửa đã lan sang nhà tôi. Được mọi người ứng cứu, nhưng vì không có trang bị thiết bị chữa cháy nên toàn bộ cửa hàng tạp hóa, đồ gia dụng của gia đình cháy hết, không cứu được gì. Lửa cháy to, phải 3 tiếng sau đám cháy mới được dập tắt!

Kiểm tra hệ thống báo cháy của chợ Trung tâm Thành phố.

Còn trên địa bàn huyện Thuận Châu cũng xảy ra vụ cháy ki ốt chợ Trung tâm huyện, gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Ông Cầm Minh Sơn, một trong những hộ buôn bán các mặt hàng truyền thống dân tộc Thái tại chợ thời điểm đó nhớ lại: Năm 2004, vụ cháy xảy ra vào ban đêm, nhiều nhà vẫn đang ngủ nên khi phát hiện thì lửa đã cháy lan rộng. Nhìn ngọn lửa cao hàng chục mét, khói đen nghi ngút, nhìn bao nhiêu vốn liếng, của cải bị ngọn lửa thiêu rụi, ai nấy đều xót xa mà chẳng thể làm gì.

Câu chuyện không hề cũ nhưng những ai ở trong hoàn cảnh của ông Sơn và chị Tuyết mới thấu hiểu và chia sẻ được những mất mát do "giặc lửa" gây ra. Với các hộ kinh doanh quầy hàng tại chợ thì không chỉ là nguồn thu nhập chính của gia đình mà còn bao nhiêu vốn liếng dồn cả vào đó, thậm chí nhiều hộ còn phải vay tiền của ngân hàng, bạn bè, người thân để kinh doanh. Khi cháy xảy ra, nhiều người trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần, cuộc sống gặp nhiều khó khăn...

Luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy cao

Cùng cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) tiến hành khảo sát tại Chợ trung tâm Thành phố. Chợ có tổng diện tích 8.642 m², với nhiều hộ kinh doanh lớn nhỏ, lưu lượng người qua lại chợ từ 400-500 lượt người/ngày.

Ông Đoàn Mạnh Cường, Trưởng Ban quản lý chợ, thông tin: Từ đầu năm đến nay, Ban quản lý chợ đã bổ sung thêm các bình chữa cháy tại chợ và thường xuyên kiểm tra các thiết bị chữa cháy và hệ thống điện vận hành tại chợ, trong quá trình kiểm tra Ban quản lý chợ phối hợp với lực lượng PCCC tuyên truyền, phổ biến lồng ghép vào các cuộc họp, trên hệ thống loa truyền thanh và tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại chợ. Tiểu thương đều có ý thức trong công tác PCCC, vì đây là tài sản chung của tất cả mọi người.

Tuy nhiên, khi cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH kiểm tra thì hệ thống báo cháy tự động trong chợ bị lỗi, không đảm bảo khả năng báo cháy, phương tiện chữa cháy của lực lượng PCCC cơ sở chưa được trang bị đầy đủ. Hệ thống dây dẫn điện buộc trực tiếp lên các khung, thanh xà bằng kim loại không đi trong ống gen bảo vệ, đấu nối chằng chịt trong khu vực bày bán, tập kết hàng hóa...

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra hệ thống chữa cháy chợ Trung tâm Thành phố.

Thừa nhận những tồn tại, ông Đoàn Mạnh Cường, Trưởng Ban quản lý chợ trung tâm Thành phố, phân trần: Chợ được xây dựng từ lâu, các cơ sở, trang thiết bị phần nhiều đã xuống cấp, hư hỏng; một số trang thiết bị PCCC được quan tâm đầu tư mới theo quy định nhưng chưa đầy đủ; hệ thống báo cháy tự động được lắp đặt tại chợ bị lỗi, có hiện tượng báo cháy giả, khiến bà con hoang mang lo sợ. Đơn vị cũng muốn sửa chữa, khắc phục các điều kiện bảo an toàn về PCCC tại chợ nhưng thiếu kinh phí vẫn chưa khắc phục được.

Còn tại Trung tâm Thương mại Vincom plaza Sơn La, với tổ hợp mua sắm đầy đủ các ngành hàng cùng các dịch vụ như: Rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí, ẩm thực, nếu như không có dịch bệnh COVID-19, mỗi ngày, Trung tâm đón hàng nghìn lượt khách hàng.

Anh Đinh Công Minh, nhân viên kỹ thuật phụ trách hệ thống thiết bị PCCC của TTTM, cho biết: Trung tâm đã đầu tư hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, phương tiện chữa cháy xách tay, các họng nước chữa cháy đặt ở những vị trí thuận tiện cho việc thao tác khi xảy ra cháy. Các nhân viên thường xuyên kiểm tra tình hình hoạt động của trang thiết bị PCCC và các cửa thoát hiểm đảm bảo hoạt động trong điều kiện tốt nhất. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, chưa có sự cố cháy nổ nào xảy ra. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì bình bột chữa cháy đã hết niên hạn sử dụng (bình mua từ năm 2015).

Đó là kết quả khảo sát nhanh tại hai đơn vị, còn thực tế công tác PCCC như thế nào? Đại úy Nguyễn Xuân Phương, Phó đội trưởng Đội Công tác Phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, chia sẻ: Tháng 2/2021, khi đơn vị kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC tại 16 chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử phạt hành chính 3 cơ sở, với tổng số tiền hơn 13 triệu đồng vì các lỗi: Lắp đặt, đấu nối đường dây cấp điện cho hệ thống chiếu sáng chưa gọn gàng; cơi nới thêm một số hạng mục công trình mà chưa xây dựng hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công để thẩm duyệt thiết kế về PCCC các hạng mục; chưa tổ chức huấn luyện nghiệp vụ và cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH theo quy định.

Kiểm tra an toàn PCCC tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza.

Quan sát thực tế của phóng viên, tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, trong từng khu vực, từng ngành hàng, gian hàng, sạp hàng, ki-ốt trưng bày, bảo quản, hàng hóa bố trí gần như liền kề, ngăn cách bằng vật liệu dễ cháy. Hàng hóa bày bán chật kín trên sạp hàng, để gần sát với hệ thống, thiết bị điện. Hàng hóa sau khi đóng gói xong thường dồn xếp vào các lối đi lại không chỉ cản trở đường đi của khách hàng trong điều kiện bình thường mà còn gây trở ngại lớn đối với công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra.

Tăng cường quản lý Nhà nước về PCCC

Qua kiểm tra của lực lượng chức năng đã chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác PCCC tại các chợ, TTTM và điều băn khoăn nhất, chính là ý thức chấp hành các quy định về PCCC của nhiều tiểu thương chưa cao, còn quá chủ quan, thậm chí nhiều người còn chưa biết cách sử dụng bình chữa cháy?.

Diễn tập phương án chữa cháy và CNCH tại Trung tâm thương mại Vincom plaza Thành phố.

Theo quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Sơn La, thời gian tới sẽ gia tăng số lượng và quy mô các chợ, TTTM. Để đảm bảo an toàn PCCC tại các chợ và TTTM, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ quản các chợ, TTTM rà soát, xây dựng kế hoạch sửa chữa, cải tạo, xây dựng mới đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC đối với các chợ, TTTM như: Hệ thống điện, hệ thống báo cháy, chữa cháy, nguồn nước, đặc biệt thực hiện nghiêm việc thẩm định thiết kế về PCCC.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC tại các chợ, TTTM kịp thời phát hiện những tồn tại, vi phạm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Mặt khác, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ PCCC, xây dựng phong trào toàn dân PCCC tại các loại hình cơ sở này để đưa công tác PCCC trở thành công tác của toàn xã hội.

Đại tá Nguyễn Khắc Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), cho biết: Đơn vị đã tham mưu với Ban Giám đốc Công an tỉnh ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an Sơn La giai đoạn 2020-2025” và Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu tình hình mới”. Đây là những tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảm bảo an toàn PCCC nói chung và đảm bảo an toàn PCCC đối với chợ, TTTM nói riêng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với sự cố gắng, nỗ lực của lực lượng chức năng, thì hơn hết, mỗi người dân và hộ kinh doanh tại chợ phải tự nâng cao ý thức, nhận thức, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định về công tác PCCC, chủ động trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC theo phương châm “4 tại chỗ”, “Phòng cháy tốt, chữa cháy kịp thời”, tránh để hỏa hoạn xảy ra, gây thiệt hại kinh tế.

Minh Thu - Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nang-cao-y-thuc-trach-nhiem-pccc-tai-cac-cho-trung-tam-thuong-mai-42811