Nâng chất hiệu quả liên kết vùng ĐBSCL

Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đến năm 2025 phù hợp với Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu của liên kết vùng, mở rộng hợp tác với đầu tàu kinh tế của cả nước là nhằm xây dựng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp của cả nước, trở thành 'nơi thật sự đáng sống'.

Kết nối đồng bộ

Một trong những “điểm nghẽn” trong phát triển của ĐBSCL là giao thông yếu kém. Vấn đề này đang dần được khắc phục, khi trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030, Chính phủ dành nhiều ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông thủy, bộ cho đất “Chín Rồng”.

Trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Trên cơ sở quy hoạch của Trung ương, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL sẽ phối hợp đề xuất, triển khai dự án mở rộng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mỹ Thuận; nghiên cứu, đề xuất dự án đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ; nghiên cứu, đề xuất dự án đường bộ ven biển TP. Hồ Chí Minh - ĐBSCL; đề xuất, triển khai dự án giao thông thủy kết nối TP. Hồ Chí Minh - ĐBSCL.

Bên cạnh đó, đề xuất, triển khai dự án mở rộng Quốc lộ N1, kết nối TP. Hồ Chí Minh - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang và tuyến đường N2 kết nối TP. Hồ Chí Minh - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau. Đây là hệ thống giao thông thủy, bộ quan trọng theo trục dọc, kết nối ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ và cả nước.

Khi hệ thống giao thông được đầu tư, sẽ tạo thuận lợi phát triển hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ TP. Cần Thơ đến Long An; hành lang kinh tế dọc sông Tiền - sông Hậu, tập trung phát triển các cụm liên kết nông nghiệp, định hướng dài hạn trở thành vùng đô thị chiến lược đối trọng với TP. Hồ Chí Minh, có tiềm năng lớn trong kết nối, giao thương quốc tế về đường thủy nội địa và hàng hải.

Cùng với đó là phát triển hành lang kinh tế ven biển (từ Long An, Cà Mau đến Kiên Giang), tập trung phát triển năng lượng tái tạo, cụm liên kết về thủy sản, nghề biển, du lịch và đô thị biển đảo; hành lang biên giới từ Long An, Đồng Tháp đến An Giang, Kiên Giang, phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Hợp tác với TP. Hồ Chí Minh

Căn cứ các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, vùng ĐBSCL được xác định có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. ĐBSCL được quy hoạch trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây; là vùng có kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng được cải thiện; quy mô kinh tế được mở rộng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, căn cứ quy hoạch của Trung ương, An Giang xác định sẽ trở thành trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL về lúa gạo, thủy sản nước ngọt, rau màu, cây ăn trái; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia.

Bên cạnh phát huy tầm quan trọng của liên kết vùng, tỉnh quan tâm củng cố vị thế, vai trò của An Giang đối với vùng ĐBSCL và cả nước, đặc biệt là đối với nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh thương mại và trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng.

An Giang nghiên cứu, kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư, phát triển trung tâm đầu mối nông nghiệp An Giang gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây và lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt của vùng ĐBSCL. Trung ương cần ưu tiên tập trung đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu An Giang bằng nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác; hỗ trợ về cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu An Giang. Đồng thời, ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải, kết nối với các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, phát triển các hành lang kinh tế của vùng ĐBSCL.

Nhằm hỗ trợ cho nỗ lực của An Giang và ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh giữ vai trò là cầu nối giữa vùng kinh tế ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của 2 vùng kinh tế động lực này.

Trong đó, hợp tác đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối giữ vai trò quan trọng, gồm: Đường bộ (các tuyến vành đai, quốc lộ và đường cao tốc kết nối, đường bộ ven biển); đường thủy (hệ thống kết nối sông Sài Gòn, Vàm Cỏ; kết nối với ĐBSCL và Campuchia) và đường sắt (tập trung nghiên cứu và đề xuất xây dựng tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - TP. Cần Thơ, nghiên cứu mạng lưới đường sắt kết nối vùng, phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng).

TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL sẽ phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy, hải sản bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời, hợp tác phát triển hạ tầng chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu vùng về KTXH, làm cơ sở hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển và điều phối hoạt động liên kết vùng ĐBSCL.

-NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nang-chat-hieu-qua-lien-ket-vung-dbscl-a359820.html