Nâng chất nguồn nhân lực nông nghiệp

Muốn xây dựng và phát triển nền nông nghiệp An Giang một cách bền vững, hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp là yếu tố quyết định hàng đầu. Ngoài đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nông nghiệp thì bản thân nông dân, chủ trang trại, những người điều hành hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác cũng cần được đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức về nông nghiệp hiện đại.

Kết quả bước đầu

Ngày 5-12-2016, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 09-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X về phát triển nguồn nhân lực phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn tỉnh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Mục tiêu của chương trình là nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều kiện hội nhập quốc tế đối với 2 ngành mũi nhọn là nông nghiệp và du lịch.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, thực hiện chủ trương, định hướng của tỉnh, đơn vị đã xây dựng, tham mưu triển khai thực hiện kế hoạch kiện toàn, phát triển nguồn nhân lực trong 2 năm 2018-2019 và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, góp phần phát triển ngành nông nghiệp An Giang. Theo đó, tỉnh đã cử 20 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học tại các trường trong và ngoài nước (bao gồm cá nhân tự túc và các nguồn học bổng), ưu tiên cho cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC-VC) thuộc diện quy hoạch, cán bộ trẻ, cán bộ nữ để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. Đối với bồi dường, tập huấn chuyên sâu nguồn nhân lực công, tỉnh ưu tiên đội ngũ CB,CC-VC trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm ngành nông nghiệp hoặc các hoạt động sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn ở các cấp, có phân nhóm bồi dưỡng phù hợp với vị trí việc làm. Qua 2 năm thực hiện, có 111 CB,CC-VC được đào tạo để hình thành lực lượng giảng viên nguồn. Ngoài ra, còn có 600 CB,CC-VC tuyến tỉnh, huyện và kỹ thuật viên nông nghiệp tuyến xã được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn.

Năm 2018, Sở NN&PTNT phối hợp Trung tâm Ngoại ngữ WonderLang đã tổ chức 2 lớp tiếng Anh, gồm bồi dưỡng tiếng Anh giao tiếp cho 17 cán bộ lãnh đạo và đào tạo chương trình IELTS 4.5 cho 15 công chức, viên chức. Năm 2019, Sở NN&PTNT đã phối hợp các đơn vị đào tạo, điều chỉnh cách thức tổ chức nhằm đạt hiệu quả cao hơn. Theo đó, đã tổ chức 2 lớp tiếng Anh chứng chỉ PET, IELTS cho 33 CB,CC-VC. Kết quả, lớp IETLS có 14 CB,CC-VC tham gia và 7 người đã đạt chứng chỉ IELTS 4.5; lớp PET có 19 học viên, đã có 18 người được cử tham gia kỳ thi chứng chỉ PET và 1 học viên bảo lưu kết quả để đăng ký kỳ thi sau (do nghỉ hậu sản).

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp là yêu cầu cần thiết

Đào tạo nông dân

Năm 2018, Phòng Khoa học-Công nghệ và Môi trường (Sở NN&PTNT) đã phối hợp Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp tập huấn cho đối tượng là nông dân, lực lượng lao động nông thôn, những thành viên chủ chốt tham gia vào công tác quản lý, điều hành, tổ chức nông dân; nông dân nòng cốt, lao động trẻ tham gia vào sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn tại các địa phương. Theo đó, có hơn 4.000 lượt nông dân tham gia tập huấn; 14 nông dân, lao động trẻ tham gia thực hành nông nghiệp; 22 người tham gia chương trình thực tập nông nghiệp ở các nước: Israel, Nhật Bản…

Năm 2019, Sở NN&PTNT đã tổ chức các lớp tập huấn riêng biệt theo chuyên đề cho đối tượng là tổ chức nông dân và nông dân nòng cốt nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành HTX, tổ hợp tác, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, phát triển sản xuất - kinh doanh, dịch vụ cho HTX, tổ hợp tác. Từ đó, hình thành nhóm nông nghiệp nòng cốt tại mỗi địa phương, tham gia làm cầu nối gắn kết liên kết “4 nhà”, đầu mối hỗ trợ kỹ thuật, đưa ra sáng kiến và thực hiện thí điểm các mô hình nông nghiệp hiệu quả. Nhờ chương trình được phân bổ hợp lý giữa tập huấn lý thuyết và học tập thực tế trong và ngoài tỉnh nên đã mang lại những kết quả nổi bật. Có 225 lượt học viên ở các HTX được tập huấn nâng cao năng lực; 29 nông dân, lực lượng lao động trẻ được thực hành nông nghiệp, thực tập; 11.000 lượt nông dân tham tập huấn; xây dựng được hơn 350 nông dân nòng cốt, tiêu biểu của huyện, xã...

HOÀNG XUÂN

Trong 2 năm 2018-2019, tỉnh đã dành tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp. Năm 2020, công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục được tăng cường theo Kế hoạch số 316/KH-UBND, ngày 3-6-2020 của UBND tỉnh với tổng kinh phí phân bổ 5 tỷ đồng.

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nang-chat-nguon-nhan-luc-nong-nghiep-a279723.html