Nâng chuẩn giáo viên mầm non: Cần nhìn thẳng vào thực tế!

Theo nhiều ĐBQH, việc nâng chuẩn giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm cần nhìn thẳng vào thực tế nền giáo dục nước nhà.

Trong dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) lần này, có hai điểm đáng chú ý và nhận được sự quan tâm của mọi người đó là chính sách không thu học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở công lập và hỗ trợ đóng học phí cho trẻ em, học sinh thuộc diện phổ cập đang theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập; Chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.

Tuy nhiên, hai điểm mới này cũng nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều từ dư luận. Bên hành lang Quốc hội, PV báo Người Đưa Tin lắng nghe ý kiến của một số ĐBQH xoay quanh dự thảo luật này.

Dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) có nêu nâng chuẩn giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng nhận được nhiều ý kiến tranh luận (Ảnh minh họa).

Không chỉ được quyết định bởi bằng cấp

Bày tỏ quan điểm của mình về dự thảo luật này, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho rằng đây là những chính sách mong muốn ngành giáo dục ngày càng tốt lên, đại biểu phân tích: “Về chuyện miễn giảm học phí, miễn giảm là mừng. Nhưng, phải tính trên bình diện chung học phí hiện giờ chiếm bao nhiêu phần phí giáo dục, phí phụ huynh học sinh phải bỏ ra. Theo tôi, chính sách về miễn giảm học phí, cũng như những chính sách nào để lo cho học sinh bớt chi phí về giáo dục thì không nên làm đại trà. Chúng ta có thể ưu tiên cho học sinh nghèo, học sinh vùng sâu vùng xa chứ không làm đại trà.

Bởi, với một số gia đình chưa chắc họ đã cần miễn giảm. Nếu đã tập trung cho vùng sâu, vùng xa thì đã nói miễn là miễn hết, không chỉ là học phí. Điều này cũng tương tự như chương trình sữa học đường, chương trình rất đúng, rất hay nhưng nếu áp dụng đại trà và áp dụng cả ở những nơi kinh tế khá sẽ nảy sinh nhiều vấn đề và không giải quyết được vấn đề. Trong khi đó, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, trẻ em nghèo ở vùng sâu vùng xa rất nhiều. Ngay cả ở các thành phố lớn cũng còn rất nhiều người nghèo, thay vì trợ giá từng phần thì tại sao không dồn nguồn lực đó để cho những em khó khăn để được trợ giá 100%”.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng chuẩn giáo viên không chỉ quyết định bằng bằng cấp.

Phân tích về việc nâng chuẩn giáo viên mầm non, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho hay: “Tôi chỉ nói một câu thôi, chuẩn giáo viên không chỉ quyết định bằng bằng cấp. Chúng ta cũng đã bị bệnh bằng cấp này trong rất nhiều lĩnh vực. Vấn đề làm được cái gì mới là điều quan trọng. Nói chung, nếu có gì cần cải tiến, cải cách tôi rất hoan nghênh. Nhưng như việc nâng chuẩn giáo viên lên, rồi bắt tất cả kéo nhau đi học là điều quá dễ dàng, cái quan trọng là chất lượng giáo viên thật sự không chỉ được quyết định bởi bằng cấp. Còn phản đối hoàn toàn thì tôi không phản đối, ai cũng mong muốn chuẩn giáo viên dần dần tăng lên nhưng cần nhìn thẳng vào thực tế. Con đường đi đến thành công duy nhất không phải chỉ có bằng cấp”.

Trong bao lâu sẽ đạt chuẩn?

ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) bày tỏ băn khoăn: "Vấn đề nâng chuẩn giáo viên trong quy định của luật Giáo dục (sửa đổi), tôi thấy rằng nâng chuẩn thì rất tốt, theo xu hướng phát triển và nâng tầm hội nhập thì phát triển sẽ tốt hơn cho công tác phục vụ giáo dục… Tuy nhiên, so với điều kiện thực tế hiện nay thì cần phải đánh giá tác động và cần phải có tính toán dài hơi. Xem việc nâng chuẩn giáo viên lên trong thời gian bao lâu sẽ đạt được mong ước này?

Hiện nay, mặt bằng chung có thể chưa đáp ứng được đầy đủ, nếu nâng chuẩn, yêu cầu đột ngột như vậy sẽ rất khó khả thi. Nên phải tính toán lộ trình dài hơi để làm thật sự chặt chẽ, nếu không sẽ gặp khó khăn và theo tôi cũng nhiều đại biểu băn khoăn, lo lắng về vấn đề này”.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc nâng chuẩn giáo viên mầm non lại giống như việc coi trọng bằng cấp hơn chất lượng. Chia sẻ quan điểm của mình, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh nói: “Hiện tại, theo nền giáo dục ở Việt Nam, thường học ở trình độ nào sẽ có bằng cấp ở trình độ đó. Mỗi người sẽ có hai luồng ý kiến để bình luận, một là có đang chạy theo bằng cấp?, hai là thực nghiệm theo tay nghề và khả năng thực tế.

Nhưng, theo chuẩn quốc tế các nước cũng lấy việc cấp bằng, cấp chứng chỉ để làm thước đo và cấp bằng, cấp chứng chỉ cũng coi như là thước đo. Quan trọng ở đây cần chú ý là nội dung nâng chuẩn, giảng dạy, đào tạo và khả năng thực tế của người được học tập đó đến đâu. Trình độ thật, bằng cấp thật là điều rất tốt. Tuy nhiên, cũng có một số khiếm khuyết như bằng cấp đẹp nhưng thực tế lại không đạt được như tấm bằng, đây là điều khó khăn.

ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội.

Nếu ngành giáo dục tham mưu kỹ về vấn đề nêu trên và để thật sự thuyết phục được các đại biểu thì cũng cần phải đưa ra báo cáo, đánh giá tác động về thực trạng, bức tranh chung của giáo dục Việt Nam ở mức độ nào. Ví dụ, đến nay trình độ đạt chuẩn của giáo viên trung cấp đạt bao nhiêu phần trăm? Nếu nâng chuẩn lên thì sẽ tác động thế nào đến giáo viên, người học… kinh phí cho việc nâng chuẩn và trong bao lâu sẽ đạt được nâng chuẩn này?

Riêng ở góc độ nào đó, tôi cũng ủng hộ việc nâng chuẩn giáo viên. Nhưng, còn một số băn khoăn nêu trên”.

Cũng bày tỏ sự kỳ vọng của mình nếu dự thảo luật này được thông qua, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh cho hay: “Tôi và nhiều đại biểu mong muốn luật giáo dục phải được sửa đổi toàn diện, vì giáo dục lý luận thì nhiều mà thực hành thì ít. Lần sửa đổi luật này tôi thấy đã sửa đổi rất nhiều môn học, nâng cao kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành của học sinh. Nhưng, phải làm sao tổ chức thực hiện quyết liệt, đạt được mục tiêu đề ra mới đảm bảo được mong muốn, kỳ vọng của tôi và các đại biểu trong thời gian tới”.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nang-chuan-giao-vien-mam-non-can-nhin-thang-vao-thuc-te-a409637.html