Nâng điểm chuẩn để đánh trượt 1 thí sinh: Khó thế mà cũng nghĩ ra được!

Tìm người giỏi thường không dễ, nhưng có người giỏi tìm về lại tìm cách 'kinh dị' để xua người ta đi thì đúng là đành thốt lên rằng 'khó thế mà cũng nghĩ ra được!'

Karon Grieve, một nữ tác gia 57 tuổi người Anh đã có chuyến bay đặc biệt nhất trong đời. Bà đi từ Ayrshire (Anh) đến Crete (Hy Lạp) trên chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không Jet2 với thời gian bay 4,5 giờ. Điểm đặc biệt của chuyến bay này là chỉ có một mình Karon Grieve ngồi trong khoang hành khách. Dù chỉ chở một người, tiếp viên trên máy bay vẫn làm đủ quy trình hướng dẫn an toàn bay cho hành khách, thậm chí phi hành đoàn còn nói chuyện với Karon Grieve khi máy bay của họ xuyên qua một cơn bão nhẹ. Karon Grieve dĩ nhiên là rất thích thú được trải nghiệm một chuyến bay hoàn toàn yên tĩnh, thức ăn ngon lành và còn được giao hành lý ngay khi máy bay hạ cánh mà không phải mất công chờ đợi ở băng chuyền. Chiếc Boeing 737-800 có sức chứa 189 hành khách và chi phí cho một chuyến bay 4,5 giờ vào khoảng 14.000 USD. Thế nhưng hãng hàng không đã vận hành chuyến bay để chở chỉ một hành khách với giá vé 59 USD mà thôi.

Câu chuyện của Karon Grieve và hãng hàng không Jet2 không phải cá biệt. Bằng công cụ tra cứu trên mạng internet, người ta rất dễ tìm thấy vô số trường hợp về chuyến bay chỉ chở một hoặc một vài hành khách mà không kèm theo điều kiện gì đặc biệt. Trên thực tế, ở những lĩnh vực khác cũng có các trường hợp tương tự, chẳng hạn như rạp chiếu phim phục vụ suất chiếu cho một vài khán giả (điều này có thể kiểm chứng ngay tại Việt Nam), những chuyến tàu hỏa lác đác khách ngồi. Những hãng hàng không, rạp chiếu phim hay công ty hỏa xa nói trên chắc chắn chẳng vui vẻ gì khi phải thực hiện các công việc với chi phí tốn kém như thế cho quá ít khách hàng và cũng chẳng dại dột sử dụng ý tưởng ấy cho mục đích quảng cáo. Thế nhưng hành vi biết lỗ chỏng gọng mà vẫn cứ làm của họ là bởi vì họ là bên mở ra dịch vụ với cam kết phục vụ khách hàng vô điều kiện. Hãy tưởng tượng nếu vào lúc mở dịch vụ, họ thông báo rằng sẽ không phục vụ trong trường hợp chỉ có ít khách thì e là họ sẽ chẳng có khách kể từ lúc mới khai trương.

Sở dĩ nhắc tới câu chuyện về “dịch vụ cho một người” là vì những ngày qua, ngành giáo dục xảy ra một chuyện lạ. Số là Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai mới đây đã công bố điểm chuẩn cho ngành Sư phạm Ngữ văn của trường ở mức rất cao, tới 23 điểm. Mức điểm này vượt xa so với mức 15 điểm chung cho ngành giáo dục tiểu học mầm non, thậm chí tương đương với mức điểm cao nhất của Đại học Sư phạm Hà Nội. Việc một trường cao đẳng sư phạm địa phương lấy điểm chuẩn quá cao thực ra chẳng có gì đáng nói bởi điều đó phụ thuộc vào sự tính toán cân đối sinh viên của trường, thế nhưng trong trường hợp của Cao đẳng Sư phạm Gia Lai thì lại không phải như vậy. Trường này tăng điểm chuẩn lên tới 23 điểm là để... đánh trượt sinh viên thi vào khoa Sư phạm Ngữ văn của mình (?!).

Giải thích về câu chuyện lạ đời nói trên, Ban giám hiệu của Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cho biết ngành Sư phạm Ngữ văn của trường năm nay chỉ có duy nhất một thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 và thật là... “đen đủi” cho trường khi em này lại có điểm thi là 22,5 điểm – một mức điểm khá cao trong bối cảnh đề thi THPTQG năm 2018 được đánh giá là khó. Lấy lý do trường sẽ không thể đầu tư cơ sở vật chất và bố trí giáo viên để dạy 1 sinh viên trong 3 năm, Ban giám hiệu trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai quyết định nâng điểm chuẩn khoa Sư phạm Ngữ văn lên cao hơn điểm thi của thí sinh nọ để thí sinh ấy đi tìm trường khác và coi đây là biện pháp “tạo điều kiện tốt” cho thí sinh đã trót tin tưởng vào trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai (!).

Có thể nói ngay rằng, thí sinh trong câu chuyện này không hề có lỗi bởi nếu Cao đẳng Sư phạm Gia Lai không mở ngành Sư phạm Ngữ văn thì thí sinh đó đã đăng ký nguyện vọng 1 ở một ngôi trường khác, còn khi quyết định mở khoa Sư phạm Ngữ văn, hẳn Cao đẳng Sư phạm Gia Lai phải tính đến việc không tuyển đủ thí sinh. Bằng cách nâng điểm để đánh trượt thí sinh, Cao đẳng Sư phạm Gia Lai chẳng những đã sai về lý mà còn thiếu hẳn đi cái tình và sự nhân văn vốn phải có trong ngành giáo dục. Thay vì giải thích và chủ động liên hệ giới thiệu thí sinh với các trường khác nhằm giúp thí sinh có cơ hội đạt được ước mơ, Cao đẳng Sư phạm Gia Lai chọn giải pháp “phủi tay” đẩy thí sinh ra đường tự xoay sở. Với lối tư duy của người bình thường thì có lẽ chẳng ai tưởng tượng nổi giải pháp kỳ quái ấy. Đúng là Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, khó thế mà cũng nghĩ ra được. Chỉ có điều chẳng rõ người ta còn dám cho con em mình ứng thí vào ngôi trường như thế nữa hay không.

Nghĩ xa hơn chút, phương thức này chẳng mang tính “giáo dục” chút nào mà chỉ thấy rằng cái ngôi trường đào tạo những giáo viên tương lai ấy dường như đang thiếu cả tâm và tầm.

Quang Minh

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/nang-diem-chuan-de-danh-truot-1-thi-sinh-kho-the-ma-cung-nghi-ra-duoc-82510.html