Nâng điểm chuẩn sư phạm cao để đánh rớt thí sinh- câu chuyện buồn lặp lại

Nếu đào tạo sẽ lãng phí bởi mỗi ngành học chỉ vài sinh viên cũng là điều khó khăn trong đào tạo cho nhà trường mà cũng tội nghiệp cho cả sinh viên theo học.

Việc một số trường đại học địa phương, nhất là khối ngành sư phạm năm nay không tuyển được thí sinh không phải bây giờ mới xảy ra mà đã có từ những năm trước.

Chính vì gần như tỉnh nào cũng có trường, khoa sư phạm nên dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều dẫn đến sức hút của nhiều ngành sư phạm ngày càng giảm.

Trong khi, năm nay Bộ đã quy định điểm sàn cho hệ đại học là 18 điểm nên nhiều trường sư phạm địa phương không tuyển được đầu vào. Vì thế, một số trường đã dùng tới chiêu lạ là nâng cao điểm chuẩn để…thí sinh trượt.

Nhiều trường sư phạm đang khó khăn trong việc tuyển sinh (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn)

Nhiều trường sư phạm đang khó khăn trong việc tuyển sinh (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn)

Phải thừa nhận một điều là thí sinh bây giờ họ thực dụng hơn rất nhiều so với mấy năm trước đây bởi các em có nhiều lợi thế để nắm bắt thông tin về nhu cầu nhân lực mà định hướng tương lai cho mình.

Bởi, cứ nhìn vào thực tế ở địa phương mình sinh sống, nhìn vào cách sống lay lắt của thầy cô mình đang phải lo xin dạy hợp đồng từ năm này qua năm khác và bao những anh chị là người thân, họ hàng không xin được việc sau khi học sư phạm cũng đủ “thức tỉnh” cho những em học sinh lớp 12.

Chính vì thế, chỉ có một số trường đại học sư phạm lớn còn tuyển được số lượng thí sinh đảm bảo với chỉ tiêu được phân bổ nhưng cũng có nhiều trường đại học, cao đẳng ở địa phương tuyển thiếu chỉ tiêu, thậm chí là không tuyển được thí sinh.

Trường đại học Phạm Văn Đồng của tỉnh Quảng Ngãi năm nay mới chỉ có 77 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 vào khối sư phạm.

Hai ngành Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học đã tuyển được 32 thí sinh, 45 thí sinh còn lại chia cho các ngành dẫn đến nhiều ngành chỉ có 1, 2 thí sinh trúng tuyển. Cụ thể: sư phạm Hóa học 1, sư phạm Toán học 2, sư phạm Ngữ văn 2, sư phạm Địa lý 2, sư phạm tiếng Anh 8 thí sinh…

Trường đại học Phú Yên cũng có số lượng thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 vào một số ngành học còn rất ít như: có 3 thí sinh trúng tuyển sư phạm tiếng Anh, 2 thí sinh trúng tuyển sư phạm Toán và 1 thí sinh trúng tuyển sư phạm Lịch sử.

Nhiều ngành sư phạm của trường không có thí sinh nào trúng tuyển như chuyên ngành Tin học, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Vật lý học...

Theo danh sách trúng tuyển trường đại học Phú Yên công bố thì chỉ có 75 thí sinh trúng tuyển vào 8 ngành trong khi trường tuyển sinh khối đại học đến 16 ngành.

Trường đại học Quảng Bình cũng trong tình trạng không tuyển được thí sinh. Nhiều ngành chưa tuyển được thí sinh nào như: sư phạm Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học…

Chính vì một số ngành sư phạm tuyển không được thí sinh nên có những trường đã chủ động nâng điểm chuẩn để…đánh rớt thí sinh như trường đại học Đồng Nai.

Một số ngành đào tạo như không có thí sinh nào trúng tuyển như: sư phạm Vật lý; sư phạm Sinh học; sư phạm Lịch sử nhưng điểm chuẩn lại được đẩy lên rất cao.

Sư phạm Vật lý có điểm chuẩn lên đến 24,7 và ngành sư phạm Lịch sử cũng bị đẩy lên đến 22,6; sư phạm Sinh học là 18,5 điểm.

Lý giải về hiện tượng này thì Tiến sĩ Trần Minh Hùng - Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai đã chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ là: "Trường cố tình đẩy điểm chuẩn lên cao để đánh rớt thí sinh.

Các ngành này chỉ có 2, 3 thí sinh trúng tuyển. Trường không thể mở lớp, như thế sẽ thiệt thòi cho các em. Do đó trường đẩy điểm chuẩn lên cao để không thí sinh nào trúng tuyển. Như vậy các em có thể trúng tuyển vào các nguyện vọng khác".

Những chia sẻ của hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai cũng là điều dễ thông cảm bởi đây không phải là lần đầu tiên mà năm 2018 thì chúng ta đã thấy năm ngoái cũng đã từng xảy ra với Trường cao đẳng sư phạm Gia Lai.

Đào tạo một lớp học biết bao nhiêu kinh phí trong suốt 4 năm trời mà số thí sinh tuyển được chỉ vài ba em thì đó là sự lãng phí vô cùng.

Điểm nhấn của ngành giáo dục trong năm nay là nâng cao điểm sàn để hướng tới chất lượng nhân lực của ngành sẽ được cải thiện so với mấy năm qua- đây cũng là điều rất cần thiết.

Song, có lẽ điều quan trọng hơn là Bộ nhanh chóng triển khai đề án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm để quy hoạch lại việc đào tạo nhân lực cho ngành.

Nếu cứ để xảy ra tình trạng nhiều khoa của các trường đại học, cao đẳng sư phạm không tuyển được thí sinh, tình trạng nâng điểm chuẩn để thí sinh rớt như chúng ta đang thấy là điều đáng buồn vô cùng.

Tuy nhiên, nếu đào tạo thì cũng rất lãng phí bởi mỗi ngành học lèo tèo vài sinh viên cũng là điều khó khăn trong đào tạo cho nhà trường mà cũng tội nghiệp cho cả sinh viên theo học.

Nhưng kể cả không đào tạo thì lại càng lãng phí hơn về cơ sở vật chất đã đầu tư và đương nhiên nhà nước vẫn phải trả lương hàng tháng cho đội ngũ giảng viên của các nhà trường.

Vì thế, việc quy hoạch lại hệ thống khối trường sư phạm trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết đối với ngành giáo dục nước nhà.

Tài liệu tham khảo:

//tuoitre.vn/co-y-nang-diem-chuan-cao-chot-vot-de-danh-rot-toan-bo-thi-sinh-20190809163336598.htm

NGUYỄN NGUYÊN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nang-diem-chuan-su-pham-cao-de-danh-rot-thi-sinh-cau-chuyen-buon-lap-lai-post201386.gd