Nặng gánh vì... được 'lên đời'!

Được 'lên đời' cái gì mà Ba Tam Giang than 'nặng gánh'?

- Được "lên đời" cái gì mà Ba Tam Giang than "nặng gánh"?

1 trong 3 phà vỏ thép "đắp chiếu" hơn 1 năm nay.

1 trong 3 phà vỏ thép "đắp chiếu" hơn 1 năm nay.

- Bao đời nay, dân vùng phá Tam Giang vẫn đi lại bằng thuyền, ghe vỏ gỗ rồi tự dưng được "lên đời" đi phà vỏ thép thấy chưa quen và nhiều bất tiện lắm!

- Thế rồi sao?

- Thì người dân "chê" nên phà vỏ thép đành "đắp chiếu" hơn 1 năm nay rồi Bề Tui.

- Rứa thì lãng phí quá. Mà các phà vỏ thép từ đâu có?

- Là vầy, tháng 11-2017, Bộ KH&ĐT tài trợ 3 phà vỏ thép công suất 64CV (trị giá khoảng 600 triệu đồng/chiếc) cho H. Quảng Điền (TT-Huế) để phục vụ việc đi lại của người dân từ bến thuyền Vĩnh Tu - Cồn Tộc ở vùng phá Tam Giang. Sau khi được đăng ký, đăng kiểm, số phương tiện trên được giao HTX Cơ giới đường sông Quảng Điền trực tiếp quản lý, tổ chức hoạt động.

- Tốt quá, vừa phục vụ tốt việc đi lại, giao thương cho người dân mà an toàn nữa.

- Vậy nhưng, sau một thời gian hoạt động 1 trong 3 chiếc phà được chuyển sang chở khách du lịch tại Khu du lịch sinh thái cộng đồng xã Quảng Lợi; 2 chiếc còn lại được đưa về bến đò Vĩnh Tu nhưng không hoạt động được vì không đủ khách.

- Vì sao người dân chê phà vỏ thép?

- Người dân vùng phá vẫn chọn thuyền máy gỗ để đi lại trên sông vì giá thành rẻ (mỗi lượt đi từ 5- 10 ngàn đồng/người). Theo quy định, mỗi phà thép chở được 20 người cùng 10 phương tiện xe máy, nhưng để đủ lượng hành khách cho mỗi chuyến thì phải đợi lâu nên người dân không muốn đi. Ngoài ra, do thiết kế phà thép có mái che nên khi di chuyển vào mùa mưa bão thì chòng chành, còn mùa nước cạn thì không chạy được do người dân đặt lừ vướng chân vịt. Mặt khác, chi phí vận chuyển, bảo dưỡng rất lớn, trong khi phà thường xuyên hư hỏng nên HTX không "kham" nổi.

- Vậy số phận các phà vỏ thép này sẽ ra sao?

- Ông Trần Thế Lữ, Phó Giám đốc HTX Cơ giới đường sông Quảng Điền khẳng định, từ khi tiếp nhận đến nay gần như các phà vỏ thép chưa chở khách được chuyến nào. Vừa qua cơ quan chức năng về kiểm định yêu cầu bổ sung thêm phao cứu sinh, bình bọt chữa cháy, đến nay đơn vị vẫn chưa có kinh phí để trang bị do phà không hoạt động. "Phương án hiệu quả nhất hiện nay có thể chuyển đổi phà vỏ thép này sang phục vụ chở khách du lịch", ông Lữ đề xuất.

- Bề Tui nhận thấy việc đầu tư trang bị phương tiện vận tải đường thủy đảm bảo an toàn là chủ trương đúng và rất cần thiết nhưng phải phù hợp với đặc điểm từng vùng sông nước và nhu cầu của người dân. Chứ cứ đầu tư "lên đời" theo kiểu "duy ý chí" vừa không đạt được mục tiêu đề ra lại gây lãng phí.

BỀ TUI

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/143_207392_nang-ganh-vi-duoc-len-doi-.aspx